Bắc Kinh không biết làm thế nào để có thể "tiêu hóa" cuộc trao đổi căng thẳng giữa quan chức ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tại Alaska tuần trước. Chương trình thời sự chính vào buổi tối trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc không đưa tin về cuộc họp ngày 20/3, dù cuộc gặp hai nước đã kết thúc và được đưa tin khắp thế giới.
Trang nhất của People Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, không để tin bài về cuộc gặp Mỹ - Trung trong hai ngày 20 và 21/3, mà chỉ đưa một vài tin ít quan trọng ở trang ba. Không có bài bình luận chính thức nào về sự kiện trong khoảng thời gian này.
Katsuji Nakazawa, biên tập viên của Nikkie Asia, nhận định những động thái này cho thấy cuộc gặp ở Alaska không diễn ra như Trung Quốc mong đợi.
Trong khi thế giới mạng Trung Quốc xôn xao ca ngợi Dương Khiết Trì, quan chức ngoại giao hàng đầu đất nước, vì bài phát biểu "đáp trả" phái đoàn Mỹ, những kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng hướng đã không đạt tiến triển.
Trung Quốc từng muốn có cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden sớm nhất có thể. Nếu các điều kiện được đáp ứng, ông Tập đã sẵn sàng bay tới Mỹ vì cuộc gặp này.
Chủ tịch Trung Quốc có lý do để làm như vậy, khi chỉ hơn ba tháng nữa, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập vào ngày 1/7.
"Nếu cho tới lúc đó, ông Tập không thể gặp trực tiếp và trao đổi với Tổng thống Mỹ, nó sẽ nói lên điều gì về tình trạng mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Trung Quốc? Hơn nữa, nó sẽ nói lên điều gì về cách xử lý chính sách đối ngoại của ông Tập?", Nakazawa đặt câu hỏi.
Đó là lý do cuộc gặp với Tổng thống Mỹ cần diễn ra trước ngày 1/7. Giới quan sát cho rằng bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào sau ngày này đều vô nghĩa với ông Tập nếu xét theo quan điểm trong nước.
"Tháng 6 sẽ là khoảng thời gian tốt nhất", một nguồn tin cho hay khi xem xét tình hình triển khai vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới. Nguồn tin này cho rằng tháng 4 hoặc tháng 5 là quá sớm.
Một thông báo quan trọng được đưa ra sáng 23/3 tại Bắc Kinh mang tới cái nhìn thoáng qua về suy nghĩ của giới lãnh đạo.
"Sẽ không có diễu binh kỷ niệm 100 năm thành lập đảng", Thiếu tướng Li Jun, trợ lý Cục trưởng Cục Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương, nói. Tất cả sĩ quan và quân đội sẽ kỷ niệm tại đơn vị, theo Li.
Hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu quốc gia này phô diễn năng lực quân sự bằng một cuộc diễu binh trong khi đại dịch vẫn hoành hành khắp thế giới. Một động thái như vậy có thể dẫn tới nhiều lời kêu gọi "tẩy chay" Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Quyết định không duyệt binh cũng có thể cho thấy một phần nỗ lực của Bắc Kinh để tái thiết mối quan hệ với Washington.
Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020, Trung Quốc đã tìm mọi cách để thúc đẩy cuộc gặp trực tiếp sớm giữa ông Tập và tân Tổng thống Mỹ. Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị và bất kỳ ai có mối liên hệ với Mỹ đều được huy động.
Hồi đầu nhiệm kỳ, ông Tập đã có một số thành công ngoại giao với Mỹ. Trong chuyến thăm đầu tiên với tư cách chủ tịch Trung Quốc vào tháng 6/2013, ông từng đề xuất với tổng thống Barack Obama "một kiểu quan hệ cường quốc mới" giữa hai nước.
Đề xuất để Mỹ và Trung Quốc hợp tác dẫn đầu thế giới là một ý tưởng táo bạo, theo Nakazawa. Dù cuối cùng Mỹ từ chối, quan hệ ngoại giao giữa hai nước vẫn có khoảng thời gian "yên bình". Khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, ông Tập đã gặp ông chủ Nhà Trắng tại Florida một tháng rưỡi sau đó.
Nhưng năm nay, chính quyền mới ở Washington đã có những động thái nhanh chóng. Theo sáng kiến của Biden, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên hôm 12/3. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuần trước đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước cuộc "chạm trán" đầu tiên với Trung Quốc ở Alaska, Nhà Trắng đã củng cố liên minh và tạo ra một mặt trận thống nhất. Biden, người từng là phó tổng thống dưới thời Obama, có lẽ đã rút được kinh nghiệm từ sai lầm quá khứ của Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia vào cuộc đối đầu với Trung Quốc. Cùng với chính quyền Biden, EU đã áp lệnh trừng phạt quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của EU với Bắc Kinh kể từ năm 1989. Canada và Anh cũng có hành động tương tự với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc không "ngồi yên", khi cũng sẵn sàng đối đầu với liên minh do Mỹ dẫn đầu bằng cách củng cố quan hệ với các quốc gia thân thiện hơn với Bắc Kinh, đặc biệt là Nga và Triều Tiên.
Ông Tập và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi thông điệp hôm 22/3 và khẳng định quan hệ hai nước cần được phát triển thêm. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào 22-23/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Vương Nghị đã thống nhất chống lại nguy cơ bị Mỹ trừng phạt bằng cách thúc đẩy khả năng thanh toán quốc tế của đồng nội tệ.
Bắc Kinh đã thức tỉnh trước một thực tế u ám rằng quan hệ Mỹ - Trung giờ thậm chí xấu hơn dưới thời Trump, theo Nakazawa. Cựu tổng thống Mỹ chỉ tập trung vào thương mại và kinh tế, nhưng Biden sẽ quan tâm cả vấn đề nhân quyền và an ninh. Chính quyền Biden đã xác định quan hệ Mỹ - Trung là "cạnh tranh chiến lược".
Biên tập viên của Nikkie Asia nhận định lý do khiến Washington cứng rắn với với Trung Quốc là do ông Tập. Tại cuộc gặp ở Alaska, ông Dương Khiết Trì đã hai lần đề cập mục tiêu dài hạn của Trung Quốc vào năm 2023, trong đó nước này sẽ thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới trong 14 năm tiếp theo.
Trong nhiều dịp gần đây, ông Tập cũng nhiều lần nhấn mạnh ưu thế của Trung Quốc, được cho đã từng sử dụng cụm từ "sự trỗi dậy của phương Đông và suy tàn ở phương Tây" trong một bài phát biểu kín. Những phát biểu gay gắt của ông Dương ở Alaska cũng phản ánh tầm nhìn của lãnh đạo cao nhất.
"Mỹ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ vị thế của một cường quốc", ông Dương nói.
Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu vào cuối tháng 4. Phía Trung Quốc nói rằng hai nước đã nhất trí ở Alaska rằng sẽ thiết lập nhóm công tác chung về vấn đề này, dù phía Mỹ sau đó bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh.
Nếu ông Tập và Biden có thể tổ chức một cuộc trao đổi trực tuyến, nó có thể mở đường cho chuyến công du tới Mỹ sớm của Chủ tịch Trung Quốc. Nhưng khi hai nước bị "khóa chặt" trong thế đối đầu căng thẳng, họ khó có thể nhanh chóng tìm thấy điểm chung. Chuyến thăm Mỹ của ông Tập dự kiến vào tháng 6 có thể cũng khó có thể xảy ra nếu Trung Quốc không có động thái nhượng bộ bất ngờ.
Theo Thanh Tâm (VnExpress.net)