Tổng thống Joe Biden đã tìm cách giảm căng thẳng với các nước từ Nga cho tới Iran, châu Âu và châu Mỹ Latinh, từng gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên chưa có một đề nghị nào được đưa ra đối với Trung Quốc.
Mặc dù đã ngừng cuộc chiến ngôn từ và các thông báo trừng phạt mới đối với Trung Quốc vốn diễn ra thường xuyên dưới thời chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Biden vẫn không gỡ bỏ các hành động được chính quyền Trump thực hiên nhằm đối phó với Trung Quốc.
Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hai quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất. Cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai nước đã phức tạp hóa nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi từ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Chính sách cứng rắn của Tổng thống Biden bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu, đồng thời cũng là kết quả của chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2020 khi ông Trump và các đồng minh liên tục chứng tỏ mềm mỏng với Trung Quốc, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài ra, không có bất kỳ nghị sỹ nào của cả hai đảng trong quốc hội Mỹ muốn giảm sức ép đối với Trung Quốc.
Trong tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đã tái khẳng định rất nhiều trong số các bước nhắm tới Trung Quốc do chính quyền tiền nhiệm thực hiện bao gồm việc coi sự đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương là tội ác diệt chủng, đồng thời bác bỏ gần như toàn bộ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính quyền mới ở Mỹ cũng không có dấu hiệu gỡ bỏ các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump, các hạn chế đối với những nhà ngoại giao, nhà báo và các nghiên cứu sinh của Trung Quốc ở Mỹ hoặc chỉ trích các chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng, Đài Loan và Hong Kong. Chính quyền Biden cũng chỉ trích các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu thông qua công nghệ viễn thông, mạng xã hội và trao đổi văn hóa và giáo dục.
William Burns, đề cử của Tổng thống Biden cho vị trí Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), người mới được Thượng viện chuẩn thuận, đã công khai bày tỏ quan ngại về các vấn đề nêu trên tại phiên điều trần trong tuần qua. Trong khi đó, Tân Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield cam kết sẽ chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép đối với các nước thành viên khác của Liên hợp quốc.
Mỹ nhận thức rằng nước này và Trung Quốc đang trong một trận chiến cạnh tranh sự thống trị toàn cầu và cả hai đều không sẵn sàng lùi bước.
Tại một số thời điểm, Trung Quốc từng kỳ vọng Tổng thống Biden sẽ đảo ngược cái mà người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi là các hành động của chính quyền Trump vốn gây ra thiệt hại không thể đo đếm đối với quan hệ giữa hai nước. Phát ngôn của ông Triệu Lập Kiên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu chính quyền Biden gỡ bỏ các hạn chế thương mại và ngừng cái mà Bắc Kinh cho là sự can thiệp không được cho phép ở Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cam kết sẽ sử dụng sức mạnh Mỹ nhằm kiểm soát cái mà nhiều nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa cho là các mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc đối với các lợi ích và giá trị Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới. Các quan chức này cũng nhiều lần đề cập tới Trung Quốc như một đối thủ chiến lược thay vì là một đối tác hay bạn bè của Mỹ đồng thời cho rằng Mỹ phải thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong phiên điều trần của mình, ông William Burns nhấn mạnh: “Giành thắng lợi trong cạnh tranh với Trung Quốc là chìa khóa cho an ninh quốc gia Mỹ trong các thập kỷ tới. Trung Quốc là một đối thủ lớn đang gia tăng các năng lực của mình nhằm đánh cắp sở hữu trí tuệ, bắt nạt các quốc gia láng giềng, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, và xây dựng ảnh hưởng trong xã hội Mỹ”. Theo ông William Burns “Trung Quốc là mối đe dọa hoặc thách thức lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21. Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt”.
Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 3/3 đã công bố chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền Obama theo đó giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc, phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21, là một trong 8 ưu tiên của Mỹ trong thời gian tới.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ đang phải đối mặt với các thách thức từ nhiều nước bao gồm Nga, Iran và Triều Tiên đồng thời phải giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Yemen, Ethiopia, và Myanmar. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh thách thức từ Trung Quốc hoàn toàn khác.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Trung Quốc là nước duy nhất có sức mạnh công nghệ, quân sự, ngoại giao và kinh tế nhằm thách thức hệ thống quốc tế rộng mở và ổn định cũng như các quy định, giá trị và các mối quan hệ khiến thế giới hoạt động theo cách Mỹ mong muốn nhằm phục vụ lợi ích và phản ánh giá trị của người dân Mỹ. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc. Ngoại trưởng Blinken cũng cho rằng, Mỹ cần hợp tác với các đối tác và đồng minh, gia tăng ngoại giao và can dự tại các tổ chức quốc tế, đồng thời đầu tư cho người lao động, các công ty và công nghệ Mỹ nhằm vượt trội trong cạnh tranh với Trung Quốc./.
Theo PV (Vov.vn)