Jimmy Cherizier, biệt danh Barbecue (Thịt nướng), đứng đầu cái gọi là G9, một liên minh của 9 băng đảng, cáo buộc cảnh sát và các chính trị gia đối lập thông đồng với “những nhà tư bản hôi hám” để ám sát ông Moise. “Đây là một âm mưu quốc gia và quốc tế chống lại người dân Haiti. Chúng tôi yêu cầu tất cả các cơ sở huy động lực lượng xuống đường để yêu cầu làm sáng tỏ vụ ám sát tổng thống”, Cherizier nói và cho biết sẽ gây “bạo lực hợp pháp”, và đã đến lúc “những ông chủ của hệ thống”, tức là những ông trùm kinh doanh gốc Li-băng và Syria đang thao túng kinh tế Haiti, phải “trả lại” quốc gia này. “Đã đến lúc những người da đen tóc xù như chúng tôi sở hữu các siêu thị, đại lý xe hơi và ngân hàng”, Cherizier tuyên bố.
Vụ ám sát ông Moise và âm mưu mờ ám phía sau đang gây thêm bất ổn chính trị ở quốc gia lâu nay vẫn hỗn loạn, khiến chính phủ nước này lên tiếng kêu gọi Mỹ và Liên Hợp Quốc hỗ trợ. Căng thẳng gia tăng vì những nghi vấn xung quanh phát ngôn của Chính phủ Haiti về vụ ám sát ông Moise, sau khi gia đình của ít nhất 2 người Colombia nói rằng họ được thuê làm vệ sĩ. Không vệ sĩ nào của ông Moise bị thương vong trong vụ ám sát. Bà Martine Moise, phu nhân của tổng thống bị ám sát, cáo buộc “những kẻ thù trong bóng tối” thực hiện vụ ám sát để ngăn cản tiến trình thay đổi dân chủ. “Họ cử lính đánh thuê đến giết tổng thống vì những con đường, hệ thống cung cấp nước, điện, cuộc trưng cầu dân ý và cuộc bầu cử vào cuối năm nay, để không có sự chuyển đổi nào diễn ra ở đất nước này”, bà nói.
Nhóm người Colombia bị bắt sau vụ ám sát đã được công ty an ninh CTU tuyển mộ. Công ty này có trụ sở ở Miami, do ông chủ người gốc Venezuela tên là Antonio Enmanuel Intriago Valera điều hành, báo Miami Herald đưa tin.
Ông Moise từng cho rằng các đối thủ và giới tài phiệt giận dữ khi ông cố gắng làm sạch chính phủ và chính trị, bằng cách đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi hiến pháp Haiti.
Ngày 10/7, ông Ariel Henry, người được ông Moise bổ nhiệm làm thủ tướng ngay trước vụ ám sát, tuyên bố ông có quyền lãnh đạo Haiti chứ không phải quyền Thủ tướng Claude Joseph, người đang chỉ đạo điều tra vụ ám sát. Ông Henry khẳng định chính phủ của ông sẽ lập một hội đồng bầu cử mới để chọn ngày bầu cử càng sớm càng tốt. Nhưng ông Henry chưa tuyên thệ, và ông Joseph cũng kiên quyết không chấp nhận rút lui. Bộ trưởng bầu cử Mathias Pierre nói rằng quyền Thủ tướng Joseph sẽ tiếp tục vị trí này cho đến cuộc bầu cử ngày 26/9. Trong khi đó, Thượng viện Haiti, cơ quan hiện mới có 1/3 thành viên trong khi đáng ra phải có 30 thượng nghị sĩ, vừa đề cử chủ tịch của họ là ông Joseph Lambert làm tổng thống lâm thời, Reuters đưa tin.
Tình trạng tranh giành quyền lực đang gây ra bối rối vì không biết ai mới là nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia 11 triệu dân.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)