Haiti chìm trong bạo lực và Covid-19 sau vụ ám sát Tổng thống Moise

11/07/2021 14:48:27

Bạo lực trên đường phố gia tăng cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã mở ra một thời kỳ đen tối mới ở Haiti sau nhiều thập kỷ chìm trong bất ổn.

Haiti khủng hoảng vì tai họa dồn dập

Vụ ám sát Tổng thống Moise xảy ra giữa lúc Haiti chìm trong leo thang bất ổn chính trị và các vụ tranh giành giữa các băng đảng nhằm kiểm soát đường phố của thủ đô Port-au-Prince. Các tổ chức y tế và nhân đạo cho biết, vụ ám sát đã cản trở nỗ lực chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19 ở một quốc gia có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém và không có khả năng tiếp cận với vaccine. 

Haiti chìm trong bạo lực và Covid-19 sau vụ ám sát Tổng thống Moise
Một nhóm người tàn tật tại một nơi trú ẩn sau khi bị các nhóm vũ trang đốt phá nhà cửa tại thủ đô Port-au-Prince hôm 24/6. Ảnh: CNN

“Điều này đang tạo ra một cơn bão đối với Haiti vì người dân nước này đã hạ thấp cảnh giác đối với đại dịch, số lượng giường bệnh bị cắt giảm, tình hình an ninh diễn biến xấu đi và mùa bão đang đến gần”, trích một tuyên bố của Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) hôm 7/7.

Theo Liên Hợp Quốc, các cuộc giao tranh giữa lực lượng cực đoan và cảnh sát để kiểm soát đường phố của thủ đô trong những tuần gần đây đã khiến hàng nghìn người phải di tản. Pierre Espérance, Giám đốc Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Quốc gia Haiti, cho biết, ít nhất 278 người Haiti đã thiệt mạng liên quan đến bạo lực băng đảng từ đầu năm nay.

“Mức độ bạo lực chưa từng có và những cuộc di cư đang gây ra một loạt các vấn đề thứ cấp như sự gián đoạn hoạt động xã hội cấp cộng đồng, chia rẽ các gia đình, gia tăng gánh nặng tài chính đối với các gia đình bản xứ, trường học phải đóng cửa và người dân mất kế sinh nhai”, Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết trong một báo cáo vào tháng 6.

Ngoài ra, còn một số “các vấn đề thứ cấp” khác như tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 và bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bruno Maes, đại diện của UNICEF tại Haiti, cho biết, những nơi trú ẩn tạm thời dành cho những người chạy trốn súng đạn là nguyên nhân chính khiến SARS-CoV-2 lây lan. Khoảng 1.100 người di tản, trong đó có 480 trẻ em, đang tập trung tại một trung tâm thể thao ở Carrefour, một thị trấn phía Nam thủ đô Port-au-Prince.

Leo thang bạo lực và di tản đã xảy ra đồng thời với sự gia tăng lớn về số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 ở Haiti. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tới nay Haiti ghi nhận hơn 19.000 ca mắc Covid-19 và 471 ca tử vong do dịch bệnh.

Stephane Doyon của tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Haiti cho biết, xét nghiệm SARS-CoV-2 không đầy đủ đã khiến việc dự đoán diễn biến của đại dịch ở quốc gia này trở nên khó khăn.

Hai biến thể đáng lo ngại là Alpha và Gamma đã được phát hiện ở Haiti. Phòng thí nghiệm quốc gia của Haiti đã gửi mẫu xét nghiệm đến Mỹ để xem liệu biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao có đang lưu hành ở nước này hay không.

Theo PAHO, cùng với số ca mắc bệnh tăng, tỷ lệ nhập viện do Covid-19 cũng tăng lên trong những tuần gần đây. Ông Doyon cho biết, các bệnh viện ở Haiti đang cần thêm oxy và giường bệnh.

Theo ông Doyon, những vụ nổ súng ở khắp thủ đô Port-au-Prince đã cản trở nỗ lực tăng cường năng lực điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân sợ tới bệnh viện và các nhân viên y tế đã quen với việc né tránh những làn đạn.

Martissant, một khu phố ở ngoại ô Port-au-Prince, đã trở thành tâm điểm của các cuộc đấu súng giữa các băng nhóm vào tháng 6. Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã buộc phải tạm dừng công việc ở đó và sơ tán nhân viên vào cuối tháng 6 sau khi trung tâm cấp cứu của họ xảy ra hỏa hoạn. Bruno Maes cho biết, tình trạng bạo lực đã cản trở khả năng của UNICEF và các tổ chức khác trong việc cung cấp viện trợ cơ bản cho những người phải di dời.

“Đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát ở Haiti và các biện pháp kiểm soát rất khó thực hiện do tình hình an ninh không cho phép triển khai các hành động cần thiết”, ông Doyon nói.

Chiến dịch tiêm chủng bị trì hoãn

Vụ ám sát Tổng thống Moise có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ông Doyon lo sợ cuộc chiến giữa các băng đảng sẽ ngày càng khốc liệt. Ông Maes bày tỏ lo ngại rằng nguồn cung y tế và các nguồn cung khác có thể sẽ gặp khó khăn khi vận chuyển vào Haiti. Sau vụ tấn công, sân bay quốc tế tại thủ đô Port-au-Prince đã đóng cửa và Cộng hòa Dominica đã đóng cửa biên giới trên đảo Hispaniola với Haiti vào ngày 7/7.

Một người phát ngôn của PAHO cho biết, số ca nhập viện mới đã chững lại trong tuần qua vì “những lý do không rõ ràng”. Tuy nhiên, ông Maes cho biết tình hình dịch Covid-19 ở Haiti “vẫn còn nguy hiểm”.

Haiti là một trong số ít các nước trên thế giới và là quốc gia duy nhất ở châu Mỹ tới nay vẫn chưa triển khai chiến dịch tiêm chủng. Haiti nằm trong số 92 nước có thu nhập thấp và trung bình được cung cấp vaccine thông qua chương trình COVAX. Trong khi các quốc gia khác đã triển khai chương trình tiêm chủng, mặc dù nguồn cung vaccine còn hạn chế, Haiti vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vaccine nào trong số gần 760.000 liều vaccine AstraZeneca được phân bổ thông qua cơ chế này, người phát ngôn của COVAX cho biết.

Đợt tiêm vaccine đầu tiên ở Haiti dự kiến ​​sẽ diễn ra vào mùa xuân này nhưng đã bị trì hoãn sau khi Haiti báo cáo đã bỏ lỡ thời hạn hành chính. 

Haiti chìm trong bạo lực và Covid-19 sau vụ ám sát Tổng thống Moise - 1
Nhân viên y tế vận chuyển bình oxy tại một bệnh viện ở Port-au-Prince, Haiti. Ảnh: AP

Lauré Adrien, lãnh đạo Bộ Y tế Haiti, hồi tháng 4 cũng bày tỏ lo ngại rằng, nước này thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo quản vaccine đúng cách. “Nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi không ở trong hoàn cảnh giống như hiện tại”, ông Adrien nói.

Theo PAHO, kế hoạch chuyển giao một lô hàng 130.000 liều vaccine tới Haiti vào tháng 6 đã không được thực hiện. Một người phát ngôn của PAHO cho biết, Haiti đã “hỏi về khả năng gửi một loại vaccine khác do mức độ người dân do dự tiêm chủng cao” và đang tìm kiếm các con đường khác để mua vaccine.

Tuy nhiên, Paul Farmer, giáo sư tại Đại học Harvard, người đồng sáng lập Partners in Health, tổ chức y tế toàn cầu hoạt động tại Haiti, cho biết, chính sự do dự của chính phủ chứ không phải của người dân Haiti là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm triển khai chương trình tiêm chủng.

“Vụ ám sát của Tổng thống Moise đã phơi bày rõ lý do chính của sự trì hoãn chiến dịch tiêm chủng. Đã có quá nhiều bất ổn chính trị xảy ra trong một thời gian dài”, ông Farmer nói.

Vào tháng 6, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch phân bổ 25 triệu liều vaccine đầu tiên với thế giới, bao gồm 6 triệu liều vaccine cho các quốc gia ở Nam Mỹ và Trung Mỹ. Haiti cũng nằm trong danh sách đó, mặc dù vẫn chưa rõ nước này sẽ nhận được bao nhiêu liều và vào thời điểm nào.

Farmer, người có bố vợ tử vong do Covid-19 ở Haiti, cho biết, ông rất đau lòng khi biết tin về vụ ám sát Tổng thống Moise vì nó có những tác động tiềm ẩn đối với việc triển khai vaccine vốn đã gặp khó khăn.

Quốc gia vùng Caribe đã phải vật lộn để phục hồi sau trận động đất năm 2010 khiến hơn 200.000 người thiệt mạng, 1,5 triệu người mất nhà cửa và phá hủy hàng chục trung tâm chăm sóc sức khỏe. Theo PAHO, ngay cả trước khi trận động đất xảy ra, Haiti đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong nhiều thập kỷ.

UNICEF và tổ chức Partners in Health đã làm việc với chính phủ Haiti trong những tuần gần đây để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp vaccine, chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ nhân viên y tế và các điểm tiêm chủng.

Tuy nhiên, sau vụ ám sát Tổng thống Haiti, không rõ liệu những nỗ lực đó có trở nên vô ích hay không.

“Chúng tôi đã cam kết và nỗ lực làm việc để đảm bảo rằng ngay cả những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do bạo lực gây ra cũng có thể được tiêm vaccine Covid-19. Nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi không thể đoán trước được điều gì”, ông Maes nói./.

Theo Mai Trang (Vov.vn)

Nổi bật