Theo Washington Post, các thẩm phán liên bang đã bác bỏ nhiều quyết sách của chính quyền, vì các quan chức dưới quyền tổng thống đã không làm theo các quy tắc căn bản nhất trong việc hoạch định chính sách, như phải giải thích các thay đổi chính sách dựa trên dữ kiện thực tế và lấy ý kiến công chúng khi cần thiết.
“Họ thường xuyên đi tắt quy trình”, chuyên gia về luật hành chính ở Trường Luật Georgetown William W. Buzbee, nói với Washington Post. “Họ không giải thích nổi các quyết sách, khiến tòa án dễ dàng bác bỏ vì họ thiếu sự chuẩn bị”.
2/3 số vụ mà chính quyền phải ra tòa liên quan đến vi phạm Luật Thủ tục Hành chính (APA). Các chính quyền trước thắng 70% các vụ APA, nhưng chính quyền Trump chỉ thắng được 6%, theo thống kê của Trường Luật, Đại học New York, tính đến giữa tháng 1.
Tỷ lệ thất bại này của chính quyền là chưa từng có. Một số lỗi căn bản đến mức dường như chính quyền chỉ muốn làm rùm beng về chính sách mới, hơn là thực hiện chúng, Seth Jaffe, một luật sư môi trường ở Boston nói với Washington Post.
Có cả chục vụ kiện đã đưa các câu nói của ông Trump ra tranh luận. Chẳng hạn, việc miệt thị các nước châu Phi là “quốc gia dơ bẩn” của ông Trump khiến thẩm phán bác bỏ một chính sách đối với các nước này, với lý do ông Trump có ý đồ phân biệt đối xử.
Thẩm phán cũng bác bỏ ý định của chính quyền muốn loại bỏ chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ khỏi bị trục xuất (DACA), vì lý do mà chính quyền đưa ra “gần như không có gì”, theo Washington Post. Khi chính quyền đưa ra lý do rằng DACA gây ra “rủi ro kiện tụng”, thẩm phán coi đó chỉ là “biện minh”.
Sự thiếu chuyên nghiệp của chính quyền đã tạo ra những vụ kiện khó hiểu. Khi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ muốn cắt 200 triệu USD cho các chương trình phòng chống mang thai sớm ở học sinh, cơ quan này còn không giải thích lý do.
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson nói điều này là “kỳ quặc” và ra lệnh phục hồi khoản chi nói trên, một quyết định “rất dễ dàng” đối với bà.
Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)