Hợp đồng tiền hôn nhân không còn quá xa lạ với nhiều tỷ phú, người nổi tiếng trên thế giới. Họ thường dùng tới bản hợp đồng này để bảo vệ tài sản trong trường hợp ly hôn hay có bất cứ kiện cáo nào từ vợ hoặc chồng.
Chia sẻ trên CNBC, Trump từng nói ông là người "chuyên nghiệp nhất để tư vấn về vấn đề này". Bởi ông lập hợp đồng tiền hôn nhân với cả 3 người vợ.
Trong cuốn sách "Nghĩ lớn để thành công", Donald Trump từng viết: "Hôn nhân là một loại hợp đồng không giống như bất kỳ hợp đồng nào khác trong cuộc sống. Bạn kết hôn vì tình yêu. Nhưng chữ ký của bạn trên giấy chứng nhận kết hôn bao gồm tất cả về quyền, nghĩa vụ và tài sản. Đó là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, nó không biết gì về tình yêu".
Ông phân tích rằng nếu tình yêu mất đi, không có gì khủng khiếp hơn là việc người cũ sẽ dùng mọi cách để tranh giành tài sản, và không có thỏa thuận nào về tài sản chung của hai người. "Những cuộc tranh cãi sẽ dẫn tới cuộc chiến tàn khốc hơn bất kỳ cuộc chiến pháp lý nào trong kinh doanh, có thể dễ dàng dẫn đến sự hủy hoại về tài chính và cảm xúc của bạn. Vì vậy, luôn luôn phải có hợp đồng tiền hôn nhân", Trump viết.
Chính nhờ những thỏa thuận từ trước, Donald Trump tránh bị hao hụt nhiều tài sản khi ly hôn. Ông chỉ mất số tiền rất nhỏ so với khối tài sản hàng tỷ đô đang sở hữu. Sau ly dị, người vợ đầu tiên là Ivana được nhận 14 triệu đôla tiền mặt, 350.000 đôla tiền lãi hàng năm và các khoản thanh toán hỗ trợ nuôi con 300.000 đôla/năm cho ba đứa con của họ.
Người vợ thứ hai Marla, chỉ nhận được khoảng 2 triệu đôla tiền mặt, và những khoản chi tiền học phí trường tư cho con gái họ (Tiffany Trump), chi phí bảo mẫu và bảo hiểm y tế.
Với người vợ hiện tại, Melanie, hai người cũng ký vào bản hợp đồng tiền hôn nhân trước khi làm đám cưới vào năm 2005. Chia sẻ trên New York Magazine, Donald Trump từng nói điều này là tốt cho mối quan hệ của họ.
"Việc này rất khó khăn, xấu xí. Hãy tin tôi, nó không có gì vui vẻ cả. Nhưng đến lúc bạn sẽ phải nói: Em yêu, anh nghĩ em thật tuyệt vời, anh muốn ở bên em. Nhưng nếu mọi việc không suôn sẻ, thì đây là điều em sẽ nhận được", Trump nói.
Một nghiên cứu của hãng luật AAML, ở Mỹ, cho thấy tỷ lệ thực hiện hợp đồng tiền hôn nhân tại quốc gia này đã tăng 63% trong khoảng 2010-2013 và có đến 80% số người được hỏi cho rằng các thỏa thuận này là để bảo vệ tài sản riêng.
Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch từng khốn đốn khi ly dị hai người vợ. Sau khi chung sống với nhau 32 năm và có 3 mặt con, ông đã chia tay người vợ thứ hai Anna, trong một vụ dàn xếp trị giá 1,7 tỷ đôla năm 1999. 17 ngày sau khi ly dị người vợ thứ hai, ông kết hôn với Wendi Deng. Mười ba năm sau, ông lại mất một số tiền 1,8 tỷ đôla để ly hôn với bà.
Harold Hamm, CEO của hãng dầu mỏ Continental Resources, vào tháng 11/2014, đã bị tòa án yêu cầu phải trả cho vợ cũ là Sue Ann Arnall gần một tỷ đôla tiền mặt và tài sản khi ly dị sau 26 năm chung sống. Tất nhiên, giữa họ không có bản thỏa thuận tiền hôn nhân nào. Vụ kiện bắt đầu vào năm 2012 và kết thúc sau 2 năm rưỡi phán quyết. Đây cũng là một trong những vụ ly dị lớn nhất ở nước Mỹ từ trước đến nay.
Nhưng vụ ly hôn giữa tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos và vợ MacKenzie mới đây sẽ "vượt mặt" tất cả những vụ trên. Tài sản của ông chủ Amazon hiện vào khoảng 131 tỷ đôla, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.
Jeff thành lập Amazon sau khi hai người kết hôn, điều đó có nghĩa là bà MacKenzie có thể có một nửa tài sản Amazon từ chồng. Các phiên xử vụ ly dị này sẽ diễn ra ở Washington, nơi hai người sinh sống, nên bà MacKenzie cũng có thể hưởng lợi từ các quy định về tài sản chung khi ly dị của bang này, trong đó các tài sản thuộc loại bất động sản phải được chia đều 50/50.
Bà MacKenzie có thể trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới với 65,5 tỉ đôla nếu hai người không có thỏa thuận tiền hôn nhân. Nếu như vậy, Jeff Bezos chắc chắn sẽ không còn là tỷ phú giàu nhất hành tinh nữa.
Theo Mộc Miên (VnExpress.net)