Hôm 22/5, Tư lệnh Không quân Israel Amikam Norkin tuyên bố rằng: "Các tiêm kích F-35I đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu và tham gia nhiệm vụ tác chiến. Chúng tôi là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa máy bay F-35 vào thực chiến".
Tướng Norkin cho biết thêm, tiêm kích tàng hình F-35I không tham gia nhiệm vụ không kích Syria hôm 8/5, nhưng đã tham chiến tại quốc gia này trong hai đợt tấn công trước đó. Ông không tiết lộ nhiệm vụ của F-35I trong các cuộc không kích này, cũng như mục tiêu mà chúng nhắm vào.
Cùng với việc xác nhận đưa F-35I vào thực chiến tại Syria, viên tướng này còn khẳng định rằng, không cần dùng đến tiêm kích tàng hình F-35I, không quân nước này vẫn đủ năng lực khiến hệ thống phòng không Syria hoàn toàn bị động.
Dù tướng Norkin không tiết lộ gì thêm về những lần xâm nhập không phận Syria của F-35I nhưng Hãng Al-Jarida của Kuwaiti dẫn nguồn tin từ Không quân Israel (IAF) cho biết, hai chiếc F-35I của Israel đã nhiều lần bay vào không phận Syria và Iran trong thời gian qua.
IAF cho biết rằng, hai phi cơ tàng hình đã bay qua không phận Syria và Iraq tới Iran và thậm chí nhắm tới các địa điểm ở các thành phố Iran Bandar Abbas, Esfahan và Shiraz.
Đặc biệt, hai chiếc F-35I này bay vòng quanh vị trí trên những khu vực bị nghi là liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Sau đó, chúng đã quay về Israel mà không bị bất cứ hệ thống radar phòng không nào phát hiện, kể cả radar của Nga triển khai tại Syria.
Không chỉ dừng lại ở đó, IAF còn khiến các nước láng giềng có lý dó để lo lắng hơn nữa khi IAF còn cho biết thêm rằng, trong thời gian qua có 7 chiếc F-35I đã tiến hành một số nhiệm vụ tại Syria và biên giới Lebanon-Syria mà không hề bị phát hiện.
Dù công khai về chuyến bay nhưng IAF từ chối xác nhận hoạt động này có được tiến hành phối hợp với quân đội Hoa Kỳ hay không.
Theo nhận định của Al-Jarida, việc F-35I có thể âm thầm hoạt động trước sự bất lực của những đài radar tối tân trong khu vực hoàn toàn không phải là chuyện bất ngờ bởi chúng được trang bị những công nghệ tối tân bậc nhất trên thế giới.
Nguồn tin này cho biết, một trong những công nghệ then chốt trên F-35I là công nghệ tàng hình cùng hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) do Israel tự phát triển, với khả năng lấy dữ liệu từ các cảm biến trên máy bay.
Từ đó, hệ thống C4I chuyển thông tin cho các khí tài khác, đặc biệt là các tiêm kích, thông qua đường truyền dữ liệu (data link) để giúp phát hiện, nhận dạng và tấn công các mục tiêu của đối phương.
Công nghệ C4I đặc biệt cần thiết trong bối cảnh Israel gặp phải sự đe dọa lớn từ pháo phản lực. Chỉ riêng lực lượng dân quân Hezbollah bị Tel Aviv coi là khủng bố cũng sở hữu 150.000 quả đạn rocket, đủ để tấn công toàn bộ đất nước này.
Điều đó đòi hỏi Israel nhanh chóng thu thập dữ liệu về địa điểm phóng, xử lý thông tin và đưa ra danh sách mục tiêu ưu tiên tiêu diệt. Quá trình này chỉ có thể tiến hành một cách hiệu quả với hệ thống C4I.
Theo Ngọc Hòa (Đất Việt)