Theo Kyodo, ngày 24/4, một chiếc tiêm kích F-35 của Mỹ đã phải hạ cánh khẩn tại một căn cứ của Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản (ASDF) ở tỉnh Fukuoka phía Tây Nam nước này do phát sinh sự cố.
Nguồn tin riêng của ASDF có được cho biết, chiếc F-35 đã đáp xuống căn cứ này lúc 11h theo giờ địa phương và không có ai bị thương. Phi công đã liên lạc với kiểm soát không lưu của căn cứ này ngay trước khi hạ cánh khẩn cấp.
Dù Mỹ không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về vụ việc nhưng theo ASDF, nhiều khả năng chiếc F-35 này đang trên đường tới một căn cứ của Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ tại tỉnh Yamaguchi cạnh Fukuoka.
Theo nguồn tin riêng của ASDF, chiếc tiêm kích thế hệ 5 gặp trục trặc liên quan phần thân vỏ của máy bay. Và nếu thông tin này được xác nhận thì đây cũng là lần thứ 2 tiêm kích F-35 gặp vấn đề về phần thân vỏ khi hoạt động tại Nhật Bản từ cuối năm 2017 đến nay.
Theo Defense News ngày 5/12, trong chuyến bay tuần tra gần đảo Okinawa, một chiếc F-35 của Mỹ đã bị lột mất miếng vỏ lớn.
Vụ việc diễn ra khi chiếc tiêm kích F-35A đang bay tuần tra cách căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa trên 100km.
Sự cố này cũng đã được Không quân Mỹ xác nhận và cho biết, mảnh vỏ bất ngờ bị lột khỏi máy bay có kích thước khoảng 30cm x 60cm.
Vấn đề càng trở nên bất ngờ hơn khi phi công không hề hay biết đến sự cố này dù phần vỏ của F-35 được giới thiệu trang bị hàng loạt các cảm biến tối tân.
Và sự cố chỉ được phát hiện khi nhân viên kỹ thuật làm công tác bảo dưỡng sau mỗi chuyến bay. Được biết, chiếc F-35 bị lột vỏ là 1 trong 12 chiếc F-35A Mỹ triển khai đến Kadena hồi tháng 11/2017 để hoạt động trong vòng 6 tháng.
Đây là lần đầu tiên mẫu máy bay này được đưa đến châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi được tuyên bố có thể hoạt động từ tháng 8/2016.
Tuy nhiên, cùng thời điểm điều đến Nhật Bản, Mỹ đã có quyết định gây bất ngờ ngừng cấp F-35 cho tất cả lực lượng do xuất hiện tình trạng han gỉ trên chiến đấu cơ tàng hình này.
Theo nguồn tin từ Thanh tra của Không quân Mỹ, họ đã phát hiện tại vị trí mối ghép liên kết của các bằng sợi cacbon với vỏ bằng nhôm hiện tượng bị ăn mòn, han gỉ vượt quá mức độ cho phép.
Hãng tin Reuters tiết lộ rằng, vụ việc này được phát hiện tại căn cứ không quân Hill ở Utah. Sau khi tiến hành khảo sát trên một số máy bay, đại diện Không quân Mỹ tuyên bố sẽ phải tiến hành kiểm tra chi tiết tổng cộng khoảng 250 máy bay loại này.
Vì nguyên nhân này việc cung cấp và bàn giao loại máy bay này cho các lực lượng trong nước cũng như nước ngoài sẽ bị tạm dừng.
Theo Defense News, phần lớn nguyên nhân của những sự cố này đều được xác định có lỗi phần thân vỏ và có liên quan đến thiết kế tàng hình.
Theo Hòa Bình (Đất Việt)