Hải quân Trung Quốc (PLAN) rất tự hào với sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa này, họ dành cho khu trục hạm Type 052D những dang xưng nghe rất ấn tượng như “Aegis Trung Hoa” hay “Lá chắn thần bất khả xâm phạm”.
Với thiết kế góc cạnh nhằm nâng cao tính năng tàng hình, được tích hợp 4 mảng radar điện tử quét chủ động (AESA) H/LJG-346A quay về 4 hướng, bề ngoài của Type 052D khá giống với lớp Arleigh Burke của Hải quân Hoa Kỳ.
Tuy nhiên khác với khu trục hạm Mỹ, chiến hạm Trung Quốc không quá thiên về nhiệm vụ phòng không mà nó là một con tàu đa năng đúng nghĩa, khi mạnh cả về tác chiến diệt hạm lẫn chống ngầm.
Vũ khí đáng chú ý nhất của Type 052D dĩ nhiên là tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9B có tầm bắn lên tới 200 km, độ cao hoạt động tối đa 27 km và vận tốc lớn nhất đạt Mach 4,2, đủ khả năng tạo lập ô phòng không hạm đội nhằm bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay.
Bên cạnh đó, so với “người tiền nhiệm” Type 052C, các ống phóng thẳng đứng của Type 052D có tính đa năng rất cao khi triển khai được cả tên lửa hành trình chống tàu siêu âm YJ-18 (bản sao chép 3M-54 Klub của Nga) sở hữu tầm bắn 530 km và vận tốc Mach 3, khiến con tàu này còn là một sát thủ diệt hạm khi tác chiến độc lập.
Ngoài ra trong 64 ống phóng thẳng đứng trên tàu, có một số bệ được lắp tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 tầm bắn 1.500 km với tính năng tương đương Tomahawk của Mỹ, 6 ngư lôi hạng nhẹ Yu-7 cỡ 324 mm tạo ra năng lực tác chiến chống ngầm tương đối tin cậy.
Mặc dù nhìn qua thì tưởng như khu trục hạm Type 052D gần như là bất khả xâm phạm, nhưng thực tế nó lại tồn tại một điểm yếu chí tử có thể bị đối phương khai thác nhằm đánh chìm, đó chính là sự kết hợp giữa máy bay chiến đấu như Su-30Mk2 và tên lửa diệt hạm Kh-35 Uran-E phóng từ trên không.
Đặc tính kỹ chiến thuật của cảm biến chính trên tàu - radar H/LJG-346A đó là chuyên quét tầm cao để phòng thủ trước máy bay ném bom chiến lược cùng với tên lửa đạn đạo tầm trung; radar trinh sát bề mặt H/LJQ-364 thì lại bị hạn chế bởi đường chân trời vô tuyến điện từ, khó mà phát hiện được máy bay bay thấp (độ cao khoảng 200 m) ngoài cự ly 40 km.
Nếu một chiếc tiêm kích như Su-30MK2 thực hiện chiến thuật bay bám biển để tiếp cận rồi phóng tên lửa hành trình đối hạm, cho đạn bay quán tính pha đầu rồi khi gần tới nơi máy bay mới kéo cao, bật radar để cập nhật dữ liệu mục tiêu thì đối phương sẽ không có cơ hội bắn trả chiến đấu cơ.
Lý do là con tàu lúc này phải tập trung toàn bộ cảm biến quét xung quanh nhằm phát hiện tên lửa chống hạm sắp tiếp cận (lúc nhìn thấy Su-30MK2 trên màn radar thì tên lửa chỉ còn cách tàu khoảng chục km).
Đặc tính của HHQ-9 là nó chuyên đánh tầm cao, rất ít tác dụng, thậm chí phải nói là không thể chống mục tiêu bay thấp. Lớp lá chắn thứ hai là tên lửa tầm ngắn HHQ-10 chỉ tiêu diệt được tên lửa bay ở độ cao 15 m, trong khi đó đạn Kh-35 Uran-E có quỹ đạo giai đoạn công kích chỉ hơn 2 m.
Lúc này vũ khí cuối cùng mà Type 052D có thể trông cậy sẽ chỉ còn 1 tổ hợp pháo bắn nhanh Type 730, tuy nhiên lớp phòng thủ cuối cùng này có xác suất diệt mục tiêu khá thấp, dễ bị quá tải nếu đối phương phóng từ 3 tên lửa nhằm vào trở lên.
Với điểm yếu trên, Type 052D hoàn toàn có thể bị tiêu diệt bởi không quân đối phương nếu như không đứng cạnh tàu sân bay, do vậy dự kiến chiếc chiến hạm này khó mà hoạt động độc lập được như những gì Hải quân Trung Quốc vẫn quảng cáo.
Theo Bạch Dương (An Ninh Thủ Đô)