Theo Reuters, thế giới có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình mới vào năm 2023, hoặc 2024 do biến đổi khí hậu và sự trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino.
El Nino là gì?
El Nino là một hiện tượng thời tiết lớn ảnh hưởng đến quy mô toàn cầu. Nó được mô tả như một sự thay đổi khí hậu có tính định kỳ, kéo dài từ 2 đến 7 năm.
El Nino là hậu quả của việc tăng nhiệt độ bề mặt biển ở vùng trung tâm Thái Bình Dương. do lượng khí nhà kính trên toàn cầu ngày càng đi lên. Nhiệt độ cao hơn sẽ dẫn đến sự biến động của dòng chảy nhiệt trong hệ thống khí quyển và khí hậu trên toàn cầu, gây ra những thay đổi đáng kể trong môi trường tự nhiên.
Hiện tượng El Nino bắt nguồn từ cư dân Nam Mỹ, thường xảy ra ở Peru và Ecuador vào mùa đông và được gắn liền với sự kiện Giáng Sinh.
El Nino gây ra một số hiện tượng khác nhau trên toàn cầu. Ở vùng trung tâm Tây Bán Cầu, nó gây ra sự khô hạn, thời tiết nóng và khó chịu hơn bình thường. Ngoài ra, nó cũng gây ra mưa lớn và lũ lụt ở một số nơi trên thế giới, trong khi các khu vực khác lại trở nên khô hạn và cháy rừng.
2023 có thể sẽ là năm nắng nóng phá kỷ lục trong lịch sử?
Carlo Buontempo, giám đốc Cơ quan Khí hậu Copernicus của EU cho biết: "El Nino xuất hiện sẽ khiến nhiệt độ trung bình bị phá vỡ ở cấp độ toàn cầu. Dù chưa biết chính xác điều này xảy ra vào năm 2023 hay 2024 nhưng theo tôi đó là một hiểm họa đáng lo lắng".
Theo ghi nhận, năm nóng nhất thế giới trong lịch sử cho đến nay là năm 2016, cũng là năm El Nino mạnh xuất hiện.
Vốn dĩ tám năm qua là tám năm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới, phản ánh xu hướng nóng lên của Trái đất do phát thải khí nhà kính. Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua - bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.
Friederike Otto cho biết: “Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016, xét đến việc thế giới tiếp tục nóng lên khi con người không dừng việc đốt nhiên liệu, xả khí thải ra môi trường".
Báo cáo cho thấy châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và vào tháng 2, mực nước biển ở Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục. Mặc dù hầu hết các nhà phát thải lớn trên thế giới cam kết cuối cùng sẽ cắt giảm lượng khí thải ròng của họ xuống 0, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm ngoái vẫn tiếp tục tăng.
Theo Thiên An (Saostar.vn)