1. 2020 đang trên đà thuộc top 5 năm nóng nhất lịch sử
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nhận định: Nhiệt độ toàn cầu năm 2020 đang trên đà trở thành một trong những năm có mức nóng trên toàn cầu cao nhất từng được ghi nhận.
Cụ thể, nhiệt độ trung bình trên mặt đất và đại dương toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 3 là 1,15 độ C, trên mức trung bình kể từ năm 1880. Nhiệt độ trung bình từ tháng 1 đến tháng 3/2020 là lần nóng thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử hơn 140 năm đo đạc, chỉ xếp sau ba tháng đầu năm của năm 2016 (2016 là năm nóng nhất lịch sử).
NOAA dự báo, 2020 là năm đặc biệt nóng ở Đông Âu và châu Á. Vùng Nam Mỹ và Caribe cũng cho thấy dấu hiệu nóng lên khác thường.
Sự kiện El Nino mới nhất đã kết thúc vào năm 2019 và nhiệt độ đại dương ở Thái Bình Dương đã trở lại gần với mức bình thường. Tuy nhiên, 2020 thậm chí còn được dự báo thuộc top 5 (5 năm nóng nhất trong lịch sử - New York Times) dù không có El Nino, bởi sự nóng lên toàn cầu vẫn bị một yếu tố khác chi phối đó là khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC).
Tờ New York Times dẫn lời các nhà khoa học cho biết: Theo thống kê xác suất của các nhà nghiên cứu, gần như chắc chắn năm 2020 sẽ xếp hạng trong số 10 năm nóng hàng đầu được ghi nhận. Phân tích cũng cho thấy có 49% khả năng năm 2020 là nóng nhất từ trước đến nay và khả năng cao hơn 98% khả năng năm 2020 sẽ được xếp hạng trong top 5.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhận định: Khí nhà kính sẽ tiếp tục gây bất lợi cho nhiệt độ toàn cầu. Trong bối cảnh đó, trong 5 năm nữa, kỷ lục nhiệt độ toàn cầu mới có khả năng được thiết lập.
"Vấn đề chỉ còn là thời gian. Chúng ta vừa có một tháng nóng nhất trong lịch sử (tháng 1/2020). Mùa Đông ôn hòa bất thường ở nhiều nơi tại Bắc Bán cầu. Khói và các chất ô nhiễm từ các vụ hỏa hoạn tại Úc đã tuần hoàn trên quy mô toàn cầu gây ra sự tăng đột biến của khí thải CO2. Nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận ở Nam Cực đi kèm với băng tan quy mô lớn và sự tan chảy của sông băng ở Greenland và Nam Cực sẽ gây ra hậu quả tồi tệ liên quan đến mực nước biển dâng. Năm 2019, mực nước biển trung bình toàn cầu đạt giá trị cao nhất trong hồ sơ đo đạc." - ông Petteri Taalas nói.
2. 2020: Thế giới tiến gần đến bờ vực của sự cố khí hậu?
Tháng 3/2020, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố báo cáo đa cơ quan về tình hình khí hậu thế giới, trong đó có 2 điểm chính:
- Thập kỷ 2010-2019 là thập kỷ ấm nhất từng được ghi nhận trong lịch sử đo đạc.
- Năm 2019 kết thúc với nhiệt độ trung bình toàn cầu trên mặt đất và đại dương là tăng 1,1 độ C.
Trước đó, tờ The Guardian của Anh dẫn lời Trung tâm Dự báo Thời tiết Quốc gia Anh (MET Office) cho biết: Dự báo, năm 2020 có thể sẽ là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử, với khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình tiền công nghiệp.
Giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu dự báo dài hạn tại MET Office cho biết, các sự kiện tự nhiên, chẳng hạn như El Nino có ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu. Minh chứng là, năm 2016 (khi có El Nino) là năm nóng nhất trong lịch sử.
WMO cho biết, hơn 90% năng lượng dư thừa tích lũy trong hệ thống khí hậu là kết quả của việc tăng nồng độ khí nhà kính đi vào đại dương. Năm 2019, hàm lượng nhiệt đại dương xuống độ sâu 2 km đã vượt quá mức cao kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2018.
Nếu dự báo của NOAA và MET Office là chính xác, thế giới sẽ đến gần hơn với bờ vực của sự cố khí hậu trong năm 2020. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp sẽ có tác động gây hại cho khí hậu thế giới.
Năm đầu tiên nhiệt độ được chứng nhận là cao hơn 1 độ C so với mức trung bình từ năm 1850 đến 1900 là năm 2015. Tốc độ này đang càng ngày càng thay đổi nhanh chóng. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta có thể vi phạm ngưỡng 1,5 độ C trong vòng hai thập kỷ.
Nhiệt độ cao là một chỉ số của biến đổi khí hậu đang diễn ra. Sự nóng lên của đại dương có tác động rộng khắp đến hệ thống khí hậu và đóng góp hơn 30% mực nước biển dâng thông qua sự giãn nở nhiệt của nước biển. Nó đang làm thay đổi dòng hải lưu và gián tiếp thay đổi đường đi của bão và làm tan chảy các tảng băng nổi. Cùng với axit hóa và khử oxy đại dương, sự nóng lên của đại dương có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái biển.
3. Hệ lụy khôn lường của biến đổi khí hậu
Trong báo cáo đa cơ quan của WMO tháng 3/2020 đề cập đến các tác động của thời tiết và khí hậu đối với sức khỏe con người, an ninh lương thực, di cư, hệ sinh thái và sinh vật biển, cụ thể:
- Về sức khỏe:
Năm 2019, nhiệt độ cao kỷ lục từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc con người.
Tại Nhật Bản, một sự kiện nắng nóng , sóng nhiệt lớn đã khiến hơn 100 người chết và thêm 18.000 ca nhập viện. Ở Pháp, hơn 20.000 phòng cấp cứu đã được ghi nhận cho các bệnh liên quan đến nhiệt trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến giữa tháng 9; và trong hai đợt nắng nóng lớn vào mùa hè, đã có tổng cộng 1.462 ca tử vong ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Những thay đổi trong điều kiện khí hậu kể từ năm 1950 đang giúp loài muỗi Aedes dễ dàng truyền virus sốt xuất huyết, làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh. Song song, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết toàn cầu đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây và khoảng một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Năm 2019, thế giới đã trải qua sự gia tăng lớn trong các ca sốt xuất huyết.
- Về an ninh lương thực:
Biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan là một trong những động lực chính của sự gia tăng nạn đói toàn cầu gần đây.
Sau một thập kỷ suy giảm ổn định, nạn đói lại gia tăng trở lại - hơn 820 triệu người bị đói trong năm 2018. Trong số 33 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực năm 2018, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan gây ra một cú sốc kinh tế và xung đột ở 26 quốc gia.
Lượng mưa lớn bất thường vào cuối năm 2019 cũng là một yếu tố gây ra dịch châu chấu sa mạc nghiêm trọng ở khu vực Sừng châu Phi - tồi tệ nhất trong hơn 25 năm và nghiêm trọng nhất trong 70 năm đối với Kenya. Điều này dự kiến sẽ lan rộng hơn nữa vào tháng 6/2020, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực.
Theo Trang Ly (Trí Thức Trẻ)