Hà Nội, TP.HCM: Hàng nghìn người 'chôn chân' trong nắng nóng vì ùn tắc nghiêm trọng

05/05/2020 10:20:12

Hàng chục nghìn học sinh trở lại trường, người dân bắt tay vào bề bộn công việc nhiều hơn cộng với hoạt động của xe buýt tại Hà Nội và TP.HCM sau thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19 khiến giao thông tại các thành phố lớn trở nên lộn xộn, ùn ứ.

Hà Nội, TP.HCM: Hàng nghìn người 'chôn chân' trong nắng nóng vì ùn tắc nghiêm trọng
Sáng 4/5, rất nhiều tuyến đường ở Hà Nội kẹt cứng. Các ngã tư rối loạn khi học sinh THCS, THPT và sinh viên đại học trở lại trường sau thời gian nghỉ dài. Ảnh: PV

Các loại hình vận tải đồng loạt hoạt động trở lại

Sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động của mọi người dần trở lại bình thường, quán xá bắt đầu mở cửa và ngành vận tải cũng không ngoại lệ khi các loại tàu xe tiếp tục vận chuyển hành khách dù còn một vài hạn chế.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, xe buýt tại Thủ đô đã hoạt động trở lại 100% công suất từ ngày 4/5. Song song với kế hoạch này, các đơn vị cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Còn tại TPHCM, sau 1 tháng dừng hoạt động, tuyến xe buýt trợ giá cũng đã trở lại vào ngày 4/5. Được biết trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM chỉ cho phép tuyến xe buýt không trợ giá số 5, điểm từ Chợ Lớn đi Biên Hòa hoạt động trở lại, phục vụ hành khách đi lại giữa TPHCM và Đồng Nai. Theo đó, 69 tuyến xe buýt trợ giá được hoạt động trở lại từ ngày 4/5, công suất tối đa đạt 50% số chuyến theo biểu đồ ngày thường. Với 27 chuyến trợ giá còn lại, do vắng khách nên sẽ tiếp tục ngừng hoạt động.

Các tuyến xe buýt không trợ giá và các tỉnh lân cận sẽ hoạt động bình thường theo biểu đồ chạy xe do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đưa ra dựa trên phương án hoạt động đã thống nhất. Ngoài ra, dự kiến từ ngày 11/5, 69 tuyến xe buýt trợ giá tăng mức hoạt động lên 80%, các tuyến tạm ngưng sẽ bắt đầu hoạt động lại với 50% công suất theo biểu đồ ngày thường.

Hà Nội, TP.HCM: Hàng nghìn người 'chôn chân' trong nắng nóng vì ùn tắc nghiêm trọng - 1
Ùn tắc dưới cái nắng oi ả khiến nhiều người tỏ ra mệt mỏi, sẵn sàng vứt bỏ khẩu trang bất chấp nguy cơ lây nhiễm của dịch COVID-19.

Được phép hoạt động trở lại từ ngày 4/5, các tuyến xe buýt tại Hà Nội và TPHCM đều thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, các Sở GTVT yêu cầu phương tiện xe buýt không được vận chuyển quá 30 người tại cùng một thời điểm trên xe, tính cả lái xe và nhân viên phục vụ. Ngoài ra phải thực hiện khử khuẩn bề mặt phương tiện trước khi đón khách và sau khi kết thúc chuyến đi trong ngày; trang bị dung dịch rửa tay, khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên xe; yêu cầu tất cả lái xe, nhân viên trên xe và hành khách phải đeo khẩu trang đúng cách; hành khách khi lên xe phải sát khuẩn tay và ngồi giãn cách nhau một ghế, hoặc tối thiểu 1m để phòng COVID-19.

Về vận tải đường bộ, ngay trước thềm kỳ nghỉ lễ, Bộ GTVT đã thông báo cho phép xe khách liên tỉnh tuyến cố định được khai thác 100% số chuyến theo biểu đồ xe chạy thay vì 30% và 50% tùy theo nhóm nguy cơ như trước kia. Đây được xem là nút thắt quan trọng được tháo gỡ góp phần giúp vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô sôi động trở lại vào đúng dịp nghỉ lễ cũng là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Vận tải hàng không và đường sắt cũng liên tục có kế hoạch tăng cường để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt là hàng không, chỉ riêng tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, số chuyến bay từ mức đáy với chưa đầy 40 lượt chuyến/ngày trước đó đã tăng lên tới 180 lượt chuyến/ngày trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ngoài ra, các dịch vụ vận tải hành khách công cộng như taxi, xe hợp đồng, xe điện được hoạt động đầy đủ trở lại tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài…

Giao thông rối loạn

Hà Nội, TP.HCM: Hàng nghìn người 'chôn chân' trong nắng nóng vì ùn tắc nghiêm trọng - 2
Các tuyến đường tại TPHCM đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều người phải kìm nén sự sốt ruột khi phải “chôn chân” trong nắng nóng nhiều giờ đồng hồ.

Sáng 4/5, ngày đầu tiên người lao động trên cả nước trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, các trục đường nội đô Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng ngay từ đầu giờ sáng.

Từ 7h30, rất nhiều tuyến đường đã ùn tắc, nhiều ngã tư rối loạn khi học sinh THCS, THPT và sinh viên đại học trở lại trường sau thời gian nghỉ dài vì dịch COVID-19.

Tuyến đường Nguyễn Xiển (từ đoạn cửa Trường ĐH Thăng Long đến nút giao Nguyễn Trãi dẫn vào nội đô) luôn trong cảnh chật cứng. Ô tô xếp hàng 3, hàng 4 lấn hết đường khiến người điều khiển xe máy phải leo lên vỉa hè. Đường trên cao cũng ùn tắc, tài xế phải nhích từng mét ở lối xuống. Tại Ngã Tư Sở, tình trạng ùn tắc diễn ra cả trên cầu vượt lẫn dưới mặt đường.

Trên tuyến đường Chùa Bộc, hàng loạt phương tiện lưu thông hướng đường Phạm Ngọc Thạch cũng phải nối đuôi nhau nhích từng mét trong ngày đầu đi làm. Trục đường Cầu Giấy, Kim Mã cũng rơi vào cảnh ùn tắc. Việc thực hiện giãn cách giữa người với người khi tham gia giao thông là điều rất khó thực hiện trong tình trạng giao thông như hiện nay.

Tương tự tại TPHCM, xe cộ ùn ứ trong ngày đầu tiên học sinh THCS, THPT và sinh viên đại học trở lại trường sau thời gian nghỉ dài. Tại các tuyến đường như: Cộng Hòa, Trường Chinh, Âu Cơ, Cách Mạng Tháng Tám 8… đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Ùn tắc nặng nhất là đoạn từ mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa kéo dài đến ngã ba Bà Quẹo.

Lực lượng CSGT và thanh niên xung phong có mặt từ rất sớm để điều tiết giao thông. Dòng xe cộ chật kín hướng vào trung tâm TPHCM lúc 8h30 trên đường Cộng Hòa và chỉ thông thoáng hơn vào thời điểm sau 11h. Ùn tắc dưới cái nắng oi ả khiến nhiều người tỏ ra mệt mỏi, sẵn sàng vứt bỏ khẩu trang giữa hàng nghìn người san sát nhau, bất chấp nguy cơ lây nhiễm của dịch COVID-19.

Hơn 29.000 vi phạm giao thông dịp lễ, tiền phạt gần 14 tỉ đồng

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 29.172 trường hợp vi phạm (trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3 trường hợp dương tính với ma túy), phạt tiền hơn 13 tỉ 631 triệu đồng, tạm giữ 204 ôtô, 4.848 môtô, tước giấy phép lái xe 1.512 trường hợp.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho biết, trong đợt lễ này, cả nước xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 79 người, bị thương 76 người. So với 4 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ năm 2019, tăng 18 vụ, giảm 2 người chết, giảm 2 người bị thương. Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do lỗi của người điều khiển phương tiện như sử dụng rượu, bia, đi không đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát gây tai nạn...

Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)

Nổi bật