Các lãnh đạo EU hôm 30/5 đã nhất trí về mặt nguyên tắc sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ xứ sở bạch dương vào cuối năm nay, giải quyết bế tắc với Hungary về lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của khối đối với Moscow kể từ họ mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine cách đây hơn 3 tháng.
Các nhà ngoại giao nhận định, động thái sẽ dọn đường cho các biện pháp khác trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga, kể cả việc loại bỏ ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, được triển khai.
Theo Reuters, lệnh mới sẽ cấm nhập khẩu dầu thô và các mặt hàng xăng dầu từ Nga tới các nước EU thông qua đường biển, nhưng miễn trừ đối với các nhiên liệu nhập khẩu qua mạng lưới đường ống dẫn.
Trong thông báo đăng tải trên Twitter cuối ngày họp thứ nhất của hội nghị thượng đỉnh quy tụ 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, quyết định sẽ ngay lập tức được áp dụng với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, nhằm "cắt giảm một nguồn cung tài chính khổng lồ" cho cuộc chiến của Moscow ở nước láng giềng và "gây áp lực tối đa" buộc họ phải chấm dứt chiến tranh. Quyết định sẽ khiến Nga mất 10 tỉ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm, theo tính toán của Bloomberg.
Hiện tại, 2/3 số dầu từ Nga đang chuyển giao cho các nước EU thông qua tàu biển và 1/3 còn lại thông qua đường ống Druzhba. Đến cuối năm nay, khi Ba Lan và Đức, vốn cũng kết nối vào đường ống cung ứng từ Nga, ngưng mua nhiên liệu từ xứ sở bạch dương, lệnh cấm mới bao trùm 90% tổng lượng dầu nhập khẩu từ mọi nguồn của liên minh. 10% còn lại sẽ tạm thời được miễn áp lệnh cấm vận để Hungary, quốc gia không giáp biển và đang phải nhập hầu hết dầu từ Nga qua đường ống, tiếp tục nhận được nguồn cung không thể dễ dàng thay thế.
Bước tiếp theo, các quan chức và các nhà ngoại giao EU sẽ phải nhất trí về các chi tiết kỹ thuật của lệnh cấm và các biện pháp trừng phạt cần phải được cả 27 nước thành viên chính thức phê duyệt. Ông Michel tiết lộ, các đại sứ của khối sẽ nhóm họp vào ngày 1/6 để bàn về vấn đề.
Các nhà phân tích cho rằng, một khi lệnh cấm chưa được triển khai, việc kinh doanh dầu mỏ, một trụ cột của nền kinh tế Nga sẽ chưa chịu nhiều tác động. Thực tế, sản lượng dầu của Nga đang cho thấy khả năng phục hồi khi các khách hàng ở châu Âu và những nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ đang chớp lấy cơ hội nhập khẩu nhiên liệu với mức chiết khấu cao, khoảng 30 USD/thùng đối với dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế.
Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu ước tính, sản lượng dầu của Nga trong tháng 5 thực sự tăng khoảng 200.000 thùng/ngày so với tháng 4, lên mức 10,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 800.000 thùng/ngày so với mức của tháng 2, trước khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine. Dẫu vậy, doanh thu của Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, vẫn tăng do giá nhiên liệu leo thang, trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế và các nước đang tăng nhu cầu để phục vụ các hoạt động hồi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Đài truyền hình quốc gia Nga dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov ngày 27/5 ước tính, nước này dự kiến sẽ tăng một nghìn tỷ Rúp (14,4 tỷ USD) doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt trong năm nay.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định, lượng dầu xuất xưởng của Nga tăng trở lại gần đây là do các nhà máy lọc dầu trong nước tăng sản lượng sau quá trình bảo trì thường xuyên và khi các khách hàng giảm bớt lo lắng khi thu mua nhiên liệu của họ.
Kpler dự đoán, lệnh cấm vận mới của EU có thể khiến sản lượng của Nga giảm thêm một triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10%, khi nó chính thức có hiệu lực. Điều đó có thể sẽ góp phần dẫn đến sự suy thoái trên diện rộng trong ngành năng lượng của Nga trong những năm tới, khi các công ty kinh doanh dầu mỏ lớn rời khỏi đất nước và các lệnh trừng phạt khiến các doanh nghiệp Moscow không thể nhập khẩu công nghệ của phương Tây.
Ngoài ra, theo thời gian, việc mất châu Âu, điểm đến của hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga, được tin sẽ giáng một đòn mạnh vào Nga. Moscow sẽ phải vật lộn tìm đủ khách hàng mới để lấp đầy khoảng trống, khi số lượng mua vào của Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa đủ lớn để thay thế.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)