Trả lời phỏng vấn đài MSNBC đầu tuần này, bà Von der Leyen giải thích lệnh cấm trên sẽ khiến Moscow bán nhiên liệu ở nơi khác và có thể kiếm được nhiều tiền hơn để tài trợ cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
“Chúng tôi phải tìm ra sự cân bằng nhằm không làm tổn thương nền kinh tế của mình quá nhiều vì đây là đòn bẩy mạnh nhất để chống lại Nga… Chúng tôi phải tiếp cận chủ đề đó một cách chiến lược. Điều đó cũng quan trọng tới mức chúng tôi phải kêu gọi sự hợp tác của phần còn lại của thế giới” - bà Von der Leyen nói.
Nữ chủ tịch EC nhấn mạnh việc khắc phục sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga là một trong những mục tiêu chính của EU về lâu dài, đặc biệt là khi xem xét đến mục tiêu chuyển đổi xanh của châu Âu.
Đầu tháng này, Brussels giới thiệu gói biện pháp mới kết hợp 2 mục tiêu trên, được gọi là REPowerEU. Nó dự kiến đa dạng hóa từ khí đốt tự nhiên của Nga sang các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, đồng thời thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời, thủy điện và hydro.
“Theo thời gian, những gì chúng tôi làm là loại bỏ sự phụ thuộc tổng thể vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, cả 3 loại nhiên liệu này, và không bao giờ mua của Nga nữa… Tổng thống Putin đã mất đi khách hàng tốt nhất của mình và châu Âu sẽ không bao giờ trở lại" - bà Von der Leyen cho biết thêm.
EU đã tung ra chiến dịch trừng phạt toàn diện chống lại Nga ngay sau khi Moscow khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24-2. Mặc dù vậy, việc đưa lệnh cấm dầu mỏ của Nga vào gói trừng phạt thứ sáu của Brussels bị một số thành viên EU ngăn chặn đầu tháng này.
EU kêu gọi cấm vận chuyển dầu mỏ của Nga bằng đường biển trong khi trì hoãn các hạn chế nhập khẩu từ một đường ống quan trọng từ thời Liên Xô. Bloomberg tiết lộ EC đề xuất các thành viên EU loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô qua đường biển trong 6 tháng và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế trong 8 tháng. Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech và Bulgaria hiện nhập khẩu dầu thô qua đường ống Druzhba với nguồn cung cấp từ Nga.
Về phần mình, Cộng hòa Czech cho biết họ cần thời gian để thực hiện lệnh cấm do EU đề xuất đối với dầu mỏ của Nga bởi nó có thể gây ra "hậu quả kinh tế nặng nề".
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)