Nỗi ám ảnh trinh tiết của các bậc phụ huynh
Michelle Northcote (tên đã được thay đổi) không nhớ được gương mặt của vị bác sĩ nhi kia nhưng cô nhớ như in trần nhà văn phòng của người đó. Nó được bao phủ bởi những tấm gạch lớn hình chữ nhật màu trắng pha xám, được làm bằng xốp hoặc ván bần.
Northcote đã nhìn vào trần nhà ấy từ năm lên 6 tuổi đến 13 tuổi. Đều đặn mỗi năm 1 lần, 2 phút dài như cả thế kỷ, Northcote phải bắt ép bản thân tập trung hết mức vào từng viên gạch trên trần nhà sau khi vị bác sĩ kia lặp lại câu nói quen thuộc: "Giờ chú sẽ kiểm tra màng trinh cho cháu nhé".
Northcote, giờ đây đã 37 tuổi, cho biết việc kiểm tra màng trinh vẫn diễn ra rộng rãi trên khắp nước Mỹ. Không rõ chính xác mức độ phổ biến của nó là thế nào nhưng đó là thỏa thuận bí mật giữa các bậc phụ huynh và bác sĩ. Trong một nghiên cứu nhỏ được thực hiện vào năm 2017, trong số 288 bác sĩ sản phụ khoa Mỹ được hỏi thì có 45 người (khoảng 16%) cho biết họ nhận được ít nhất một yêu cầu thực hiện kiểm tra màng trinh hoặc phục hồi trinh tiết. 13 trong số các bác sĩ đó đã đồng ý thực hiện.
Northcote, sống tại New York, không hiểu lý do vì sao mình lại phải trải qua quá trình kiểm tra màng trinh và bác sĩ cũng không bao giờ cho cô biết. Northcote không nhận ra việc kiểm tra ấy là bất thường cho đến khi cô nói chuyện với những người bạn ở đại học nhiều năm sau đó. Biểu cảm trên gương mặt họ khi nghe Northcote kể về câu chuyện của bản thân đã nói lên tất cả.
Ban đầu, Northcote cho rằng vị bác sĩ kia là kẻ biến thái. Nhưng rồi khi rapper T.I nói rằng anh đã buộc phải đưa con gái đi kiểm tra màng trinh mỗi năm để chứng tỏ đứa trẻ vẫn còn trinh trắng, Northcote phải xem lại những lần cô được bố mẹ đưa đi khám phụ khoa và tìm hiểu xem thực chất chúng có nghĩa là gì.
"Tôi nhận ra rằng mẹ tôi hẳn đã đưa ra yêu cầu để kiểm tra xem liệu tôi còn trinh trắng hay không" - Northcote nói. Cô không chắc lắm và khó có thể xác minh bởi vì mối quan hệ của 2 mẹ con cô đang ở trong tình trạng căng thẳng. Nhưng dựa vào việc gia đình theo đạo Công giáo, nơi mọi người luôn bị ám ảnh bởi trinh tiết thì điều này có vẻ hợp lý.
Nỗi ám ảnh về trinh tiết của mẹ Northcote bắt đầu từ năm cô lên 6 và tiếp diễn cho đến khi cô trở thành thiếu nữ. Có đêm, Northcote bị mẹ lôi ra khỏi giường ngủ để hỏi xem liệu cô có quan hệ tình dục hay chưa. Mẹ Northcote bị ám ảnh với ý nghĩa con gái quan hệ tình dục với đàn ông và nỗi ám ảnh ấy khiến Northcote thậm chí còn không thể nhận ra sự thật về bản thân mình, rằng cô là một người đồng tính nữ.
Niềm tin bất chấp minh chứng khoa học và những hệ lụy đau đớn
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những quan niệm sai lầm của con người về màng trinh, rằng màng trinh sẽ rách trong lần quan hệ tình dục đầu tiên, song không ít người vẫn từ chối tin vào điều đó.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1906 cho thấy màng trinh của một phụ nữ bán dâm vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2004, một nghiên cứu khác được thực hiện trên 36 phụ nữ mang thai và 34 người trong số đó vẫn còn màng trinh.
Được biết, màng trinh của mỗi người phụ nữ là khác nhau. Ở một số người, màng trinh có hình chiếc nhẫn trong khi người khác lại có màng trinh hình lưỡi liềm, thậm chí người còn chẳng có màng trinh.
Trong một buổi diễn thuyết trên diễn đàn TED, bác sĩ Nina Dølvik Brochmann và Ellen Støkken Dahl cho biết màng trinh của một số phụ nữ khá đàn hồi, không bị rách sau khi quan hệ tình dục. Việc màng trinh bị rách không hề chứng minh việc quan hệ tình dục và việc phụ nữ chảy máu trong lần đầu tiên quan hệ tình dục chẳng khác gì chuyện kể dân gian, không có minh chứng khoa học.
Dù vậy, mỗi năm, vẫn có rất nhiều phụ nữ thực hiện "vá" màng trinh. Hàng chục nghìn phụ nữ đặt mua bộ dụng cụ màng trinh giả mỗi năm, trong đó hàng nghìn người đến từ Mỹ. Màng trinh giả được đặt vào âm đạo trước khi quan hệ tình dục để giúp tiết ra máu chứng tỏ đó là lần đầu tiên của người phụ nữ.
Nói với The Guardian, các công ty bán dụng cụ màng trinh giả cho biết các khách hàng của họ nói họ cần chúng để bảo vệ bản thân. Nhiều người phụ nữ biết rõ bản thân còn trong trắng nhưng vẫn muốn sử dụng màng trinh giả để đảm bảo có thể... chảy máu trong đêm tân hôn để không ai nghi ngờ. Ngoài ra, nhiều người còn phải sử dụng máu giả để đánh lừa bố mẹ, người sẽ kiểm tra ga trải giường vào sáng hôm sau.
"Rất nhiều cô gái nói với chúng tôi rằng: 'Chồng tôi biết tôi sẽ dùng nó và chúng tôi phải đảm bảo ga giường phải dính máu sau đêm tân hôn" - đại diện của một công ty bán màng trinh giả, Daniela Lindeman, cho hay.
Công ty của Lindeman biết rõ cả máu và màng trinh đều không phải là biểu hiện của trinh tiết phụ nữ nhưng họ cảm thấy việc cho ra đời những dụng cụ như màng trinh giả chính là đạo đức. Lindeman nói rằng màng trinh giả không đơn thuần chỉ là một bộ dụng cụ mà nó còn mang lại một thông tin mà mọi người muốn tin vào.
"Bạn không bao giờ có thể lấy suy nghĩ ấy ra khỏi đầu của nhiều người. Đó là điều mà họ đã tin tường trong suốt 2.000 năm, rằng phụ nữ cần giữ trinh tiết và phải chứng minh theo cách đó" - Lindeman nói. Cô cho rằng công ty cô sản xuất ra các dụng cụ như màng trinh giả chính là việc làm cứu sống nhiều phụ nữ.
Bác sĩ phụ khoa Jennifer Gunter tin rằng quan điểm trên đã khiến những người phụ nữ bị cưỡng bức không có tiếng nói vì trong nhiều trường hợp, việc kiểm tra trinh tiết sẽ là bằng chứng cho thấy họ có bị tấn công tình dục hay cưỡng bức hay không. Ngoài ra, điều đó còn khiến phụ nữ trở thành một món đồ của đàn ông và khiến họ sợ hãi khi quan hệ tình dục.
"Việc ra máu sau đêm tân hôn cho thấy một sự tổn thương sinh học và về mặt văn hóa, nó là cần thiết. Nhưng điều này lại là sự xúc phạm ở cấp độ con người lẫn sinh học" - Gunter nói.
Việc kiểm tra màng trinh không chỉ đơn giản là để đảm bảo một cô gái còn trinh trắng mà nó còn gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Có trường hợp, một người phụ nữ đã bị đánh đến gãy tay vì bị phát hiện không còn màng trinh. Trường hợp khác, có người đã phải tự tử. Những người phụ nữ la hét, khóc lóc và ngất xỉu trong các bài kiểm tra, rồi sau đó, họ lại trở nên căm ghét bản thân và cảm thấy đánh mất lòng tự trọng.
Ashley Lee, 20 tuổi, đến từ Missouri, bị bố mẹ đe dọa gần như mỗi năm về việc kiểm tra màng trinh trước khi cô bỏ nhà ra đi. Đó chẳng khác gì sự khủng bố đói với Lee bởi vì cô đã bị một người bạn của anh trai lạm dụng tình dục khi còn nhỏ.
"Tôi sợ mình sẽ gặp rắc rối chỉ bởi một việc không phải lỗi của bản thân. Tôi cảm giác không ai giúp đỡ tôi và tôi sẽ bị chê cười với những gì xảy ra với mình. Tất cả mọi thứ làm tôi tin rằng đó là lỗi của tôi" - Lee trả lời phỏng vấn qua điện thoại.
Một cú twist bất ngờ trong câu chuyện của Lee là bố mẹ cô hay biết chuyện con gái bị lạm dụng tình dục nhưng vẫn không ngừng bắt đứa trẻ của mình phải trải qua bài kiểm tra. Họ không cho phép Ashley cảm thấy thoải mái khi quan hệ tình dục trong nhà của họ.
"Bố mẹ nói bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo và ấn vào các bộ phận trong tử cung để kiểm tra liệu tôi có quan hệ tình dục hay không. Điều đó khiến tôi cảm thấy kinh hãi" - Lee nói.
Tất cả mọi thứ đã thôi thúc Lee bỏ nhà ra đi vào năm 16 tuổi nhưng sự đe dọa của bố mẹ nhiều năm trời không bao giờ buông bỏ cô. Nó khiến Lee không coi trọng cơ thể của chính mình: "Họ làm tôi cảm thấy thứ ở giữa 2 chân tôi là thứ làm nên con người tôi, đó là giá trị của tôi".
Thực trạng khó thay đổi
Y học là một nghề rất dễ tạo ra những quan điểm sai lầm. Gunter đưa ra ví dụ: "Một người đàn ông nào đó đã đưa những nội dung liên quan đến màng trinh vào sách giáo khoa năm 1920 và chết tiệt, nó ăn sâu vào tâm trí của con người. Chúng ta phải làm rất nhiều thứ để loại bỏ những quan điểm đó".
Để văn hóa y tế thay đổi, thì thứ cần thay đổi đầu tiên là sự phân biệt giới tính.
"Bạn nên nhớ rằng bác sĩ là một phần của xã hội, tất cả họ đều phải chịu những định kiến và niềm tin tôn giáo như người bình thường. Nói thẳng ra: Bằng cấp y khoa không đảm bảo nó có thể chống lại sự hiểu biết của một bác sĩ" - Gunter nói.
Khi Gunter còn học ở trường y, màng trinh hầu như không được đề cập đến và nếu có được nói tới thì đa số đều là góc nhìn của nam giới. Bác sĩ nữ, những người bị vây quanh bởi bác sĩ nam và các nguyên tắc về sự trong trắng, cũng buộc phải truyền đạt rằng: "Lần đầu tiên phụ nữ quan hệ tình dục sẽ bị đau và chảy máu. Khi đó, bạn sẽ nghĩ bạn không cảm thấy như vậy nhưng bạn không thể nói ra".
Hiện tại, việc kiểm tra màng trinh là hoàn toàn hợp pháp. Nhưng một nữ dân biểu ở New York, Michaelle Solages, vẫn mong tạo ra sự khác biệt hữu hình bằng cách thay đổi luật.
Nếu dự luật của bà Solages được thông qua thì việc kiểm tra màng trinh sẽ bị cấm, tất cả những hình thức thực hiện nó đều sẽ khiến bác sĩ đối mặt với nguy cơ bị tước bằng hành nghề. Nếu như kiểm tra màng trinh được thực hiện ở Mỹ, dù là trong hay ngoài văn phòng y tế thì nó vẫn bị coi là tấn công tình dục.
Cả Gunter và Solages tin rằng nếu thu hút được nhiều sự ủng hộ của phụ nữ thì sự thay đổi sẽ xảy ra. Nhưng ở thời điểm hiện tại, vẫn tồn tại một tiểu chuẩn kép rõ ràng rằng: Đàn ông không phải trải qua quá trình kiểm tra trinh tiết. Anh em của Northcote và Lee đều được bố mẹ họ nuôi dưỡng nhưng họ không phải tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn trinh tiết nào.
Không dừng lại ở đó, kiểm tra trinh tiết còn khiến những người phụ nữ bị tổn hại nhiều hơn khi họ phải gánh chịu nạn bạo lực tình dục sau này.
"Tôi luôn lấy ví dụ, rằng mọi người sẽ lợi dụng bạn. Thậm chí, dù đó là những người đáng lẽ phải bảo vệ bạn, họ cũng sẽ lợi dụng bạn mà thôi" - Northcote nói.
Về phía Lee, mất nhiều năm để cô bắt đầu coi mình là một con người có giá trị.
"Tôi đã từng nghĩ rằng việc bị ai đó kiểm soát là bình thường. Tôi không thể đưa ra quyết định bởi vì mọi thứ dành cho tôi vốn đã được định sẵn" - Lee nói.
Khi được hỏi liệu có muốn nói gì với các bậc phụ huynh, người vẫn yêu cầu các con đi kiểm tra màng trinh, Lee đáp rằng: "Tôi muốn nói làm ơn đi, bạn hãy nghiên cứu đi. Bạn không hề biết mình đang hủy hoại cuộc đời của các con, thay vì bảo vệ chúng đâu".
Theo Thái Anh (Pháp luật & Bạn đọc)