Con đường về 7 người phụ nữ giữ gìn trinh tiết rồi tự tử cùng nhau
Đường Tsat Tsz Mui nằm trong khu vực Tsat Tsz Mui và phía đông North Point, được xây dựng từ năm 1939. Nơi đây hiện đang tập trung nhiều tòa cao ốc, trung tâm mua sắm, khu văn phòng và những nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, con đường Tsat Tsz Mui từng là một bãi biển và có một quá khứ ám ảnh đối với những người Hong Kong.
Được biết, đây là nơi sinh sống của 7 người phụ nữ không cùng họ hàng, họ chỉ là những người chị em thân thiết, nhưng sống cùng nhau như người thân ruột thịt. Cuối cùng, quá khứ của họ là gì mà khiến mọi người ám ảnh?
Theo lời đồn của những người lớn tuổi từng sống ở đây cho hay, 7 chị em này đã thề sẽ không bao giờ kết hôn, buộc tóc của 7 người vào nhau, làm nghi lễ đánh dấu rằng họ sẽ trở thành những bà cô không chồng và nguyện ở bên nhau làm chị em vĩnh cửu. Tuy nhiên, mọi thứ đã không như ý muốn.
Người chị thứ 3 bị gia đình buộc phải kết hôn, nhưng cô không muốn phá vỡ lời thề, nên quyết định tự kết liễu cuộc đời để giữ gìn trinh tiết. Khi các chị em khác biết kế hoạch của cô, họ cũng quyết định theo chị quyên sinh, cả 7 người nắm tay nhau nhảy xuống biển tự vẫn trước ngày diễn ra lễ cưới.
Ngoài ra, có những tin đồn trái ngược về việc liệu thi thể của họ có được tìm thấy hay không? Những đến ngày hôm sau, thi thể thì không thấy đâu nhưng người dân xung quanh phát hiện có 7 tảng đá, mỗi tảng đá có hình dạng như người phụ nữ xuất hiện theo dọc bờ biển. Những người lớn tuổi cho hay, họ thật sự tin rằng 7 tảng đá này có tồn tại và hiện ra khi nước thủy triều xuống mức thấp nhất. Từ đó trở đi, nơi này được biết đến với tên gọi là quận Seven Sisters (quận 7 chị em).
Câu chuyện sẽ không kết thúc ở đây. Vào năm 1911, một hồ bơi được xây dựng tại khu này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, tại đây không được yên ổn khi bắt đầu xuất hiện nhiều tin đồn về việc nó bị ám, cụ thể là linh hồn của 7 chị em vẫn luôn ở quanh đây dẫn đến nhiều trường hợp chết đuối kỳ lạ khi đang bơi lội của những người đàn ông.
Không lâu sau, nơi này bị phá hủy khi quân đội Nhật Bản chiếm đóng tại Tsat Tsz Mui. Nơi đây dần bị thay thế bởi những tòa cao ốc hiện đại và các tòa nhà công nghiệp. Chỉ còn duy nhất một nơi khiến mọi người giữ lại ký ức về 7 chị em chính là bưu điện Tsat Tsz Mui. Đến ngày nay, câu chuyện về 7 chị em cũng như sự tồn tại của những tảng đá hình hài phụ nữ khi xưa vẫn là con số bí ẩn chưa có lời giải đáp vì không ai đủ can đảm để bơi hoặc ngâm mình vào vùng nước bị cho là ma ám.
Năm 2001, đài truyền hình TVB đã dựa vào truyền thuyết này sản xuất bộ phim mang tên Bảy chị em và nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả lúc bấy giờ. Bộ phim không chỉ khắc họa sinh động câu chuyện được lan truyền năm xưa mà còn thêm thắt những tình huống đặc biệt, kết hợp hoàn hảo giữa tình yêu và tình chị em, pha chút kinh dị. Đồng thời, bộ phim này cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nữ diễn viên Hong Kong nổi tiếng Xa Thi Mạn.
Rạp hát bị bỏ hoang với những lời đồn ma ám rùng rợn
Mặc dù lịch sử của Hong Kong không dài nhưng luôn có những truyền thuyết kỳ lạ ở những nơi quen thuộc mà người dân nơi đây thường hay lui đến, trong đó có rạp hát Kim Mậu Bình tọa lạc ở khu vực Cửu Long, Hong Kong.
Rạp hát Kim Mậu Bình (hay còn gọi là Golden Valley) nằm trên đường Tú Mậu Bình, thuộc khu sầm uất Cửu Long, được cư dân mạng mô tả là một nơi có nhiều người qua lại và nằm ở trung tâm Hong Kong. Mặc dù nằm ở giữa nhiều tòa nhà chung cư nhưng nhà hát Kim Mậu Bình vẫn bị bỏ hoang trong nhiều năm không có lý do cụ thể. Từ đây, trên mạng cũng dần xuất hiện nhiều truyền thuyết kỳ lạ ở nhà hát khiến mọi người không khỏi tò mò.
Rạp được mở cửa vào những năm 1960, là một rạp chiếu phim khá nổi tiếng và được giới trẻ ưa chuộng ở Hong Kong. Trong những năm thập niên 70, 80, khi những bộ phim Hong Kong dần trở nên phổ biến và có độ phủ sóng cao, nhiều người đã ồ ạt đến đây để xem phim.
Tuy nhiên, vào khoảng những năm 1980, rạp hát bất ngờ đóng cửa vì xảy ra hỏa hoạn. Sau một thời gian sửa chữa, rạp Kim Mậu Bình hoạt động lại nhưng lúc này đã xảy ra nhiều câu chuyện kỳ lạ khiến nhiều người hoảng sợ, không ai đến rạp để xem. Cuối cùng, rạp Kim Mậu Bình đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1990.
Theo lời đồn của những người dân sống xung quanh, sau khi rạp hát Kim Mậu Bình đóng cửa vẫn không bị dỡ bỏ vì còn bị ám ảnh nhiều lời nguyền ma ám. Vì vậy, chỉ có một khu nhỏ trong rạp hát được chuyển thành nhà kho và cửa hàng. Trên thực tế, có nhiều lời đồn ma ám ở rạp hát Kim Mậu Bình được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang.
Một số câu chuyện được thêu dệt như sau, vào một tối đêm mưa, có một nữ giáo viên đang đi dạo bên rạp hát thì gặp một cặp mẹ con đứng dưới mưa bên ngoài rạp. Người mẹ ướt sũng nhưng vẫn quỳ gối lau mặt cho đứa trẻ. Nhìn thấy tình cảnh này, cô giáo đã tốt bụng đưa cho người mẹ chiếc ô để che mưa. Thế nhưng khi càng đến gần, cô giáo kinh ngạc khi nhìn thấy mắt mũi miệng của người mẹ không ngừng chảy ra dòng cát khiến cô hoảng sợ bỏ chạy.
Nguồn gốc của lời đồn này là vào năm 1972, nơi rạp hát Kim Mậu Bình tọa lạc đã xảy ra một vụ sạt lở, cướp đi 71 sinh mạng của những cư dân mới nhập cư, mơ ước xây dựng cuộc sống phồn vinh ở Hong Kong, có người thậm chí còn bị chôn sống. Trước đó, nơi đây còn bị đồn là bãi hành hình, nơi lính Nhật xử tử nhiều người dân vô tội.
Kinh khủng hơn là vào năm 1980, có một vụ hỏa hoạn xảy ra ở đây khiến nhiều người chết cháy. Nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn được đồn rằng có một cặp vợ chồng đã tự tử bằng cách đốt lửa trong phòng tắm trên tầng 2 của rạp hát.
Vào thời điểm đó, ngay khi khán giả trong rạp phát hiện đã nhanh chóng thoát khỏi đám cháy, nhưng vì rạp hát quá tối cộng thêm khói dày đặc nên không thể thoát được. Cuối cùng, tất cả mọi người đều bị thiêu sống. Sau tai nạn, người phụ trách rạp hát quyết định đóng cửa để tu sửa trong thời gian ngắn và mở cửa trở lại như không có gì xảy ra. Vài năm sau, dù rạp hát vẫn hoạt động bình thường nhưng khách càng ngày càng vắng đi vì những lời đồn ma ám khiến ai cũng phải rùng mình.
Một bà mẹ không biết rạp hát từng bị hỏa hoạn đã đưa con đến đây xem phim. Trước khi phim chiếu, trong rạp chỉ có 2 mẹ con. Nhưng sau đó, đứa trẻ đi vệ sinh rồi quay lại thì thấy rạp chật kín người, cậu nghĩ thầm họ đến trễ và về chỗ tiếp tục xem hết bộ phim. Sau khi kết thúc, người mẹ quay sang con phấn khích khoe rằng, chỉ bỏ mấy đồng xem phim mà bao cả rạp. Cậu bé sau khi nghe mẹ đã kể lại câu chuyện mình nhìn thấy, từ đó hai mẹ con không quay lại rạp nữa.
Những lời đồn ma ám bắt đầu được lan truyền rộng rãi hơn khiến việc kinh doanh ở rạp ngày càng tồi tệ. Cuối cùng rạp hát Kim Mậu Bình đã bị đóng cửa vô thời hạn. Cho đến ngày nay, khi được hỏi về những chuyện bí ẩn xung quanh rạp hát Kim Mậu Bình, nhiều người dân cũng chỉ nói rằng đúng là có nhiều lời đồn như thế nhưng không có một tư liệu nào lưu lại. Dù nằm ở nơi tấp nập, có trung tâm mua sắm xung quanh, nhưng rạp hát Kim Mậu Bình vẫn ở nơi đó, không ai dám lui tới.
Thác nước đầy thơ mộng và câu chuyện cô dâu chết đuối
Những khách du lịch khi đến tham quan Hong Kong, ngoài việc choáng ngợp với sự sầm uất cùng những tòa nhà cao tầng san sát nhau thì họ còn muốn khám phá những nơi hoang vắng nằm xa trung tâm. Đặc biệt hơn là việc tò mò những câu chuyện rùng rợn đằng sau được truyền miệng từ những người dân sống nơi đây. Một trong những nơi đó chính là Bride's Pool (hay còn gọi là Hồ Tân Nương).
Hồ Tân Nương là một hồ bơi suối với thác nước nằm ở Công viên quốc gia Plover Cove, phía Đông bắc Hong Kong, gần Tai Mei Tuk. Đây được xem là địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài Hong Kong bởi khung cảnh nên thơ không khác gì tranh vẽ. Nhiều người thích đến đây vì dòng nước trong xanh, không bị ô nhiễm, khung cảnh xung quanh cũng tĩnh lặng, thích hợp cho những người yêu thiên nhiên. Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp thơ mộng ấy là câu chuyện rùng rợn kể về một cô dâu chết đuối.
Theo những người lớn tuổi sinh sống tại đây kể lại rằng, ngày trước, tại đây có một vụ tai nạn đuối nước khi một cô dâu được đưa bằng kiệu đến gặp chú rể trong ngày mưa bão. Khi đi ngang qua hồ nước này, một trong những người khiêng kiệu chẳng may bị trượt chân khiến mọi người ngã xuống nước.
Đáng buồn thay, cô dâu đã bị chết đuối do mặc trang phục cồng kềnh. Sau khi biết chuyện, dân làng nơi đây đã cùng nhau tìm kiếm nhưng cả thi thể lẫn kiệu vẫn không thấy. Cho đến tận bây giờ, nhiều người nói rằng, thỉnh thoảng họ vẫn thấy một người phụ nữ mặc bộ đồ sườn xám màu đỏ đang chải tóc tại bờ hồ.
Thác nước tại đây được đặt tên sau khi câu chuyện này được chia sẻ. Nhiều người dân sống tại đây tin rằng, Hồ Tân Nương là một trong những địa điểm bị đồn là ma ám ghê rợn nhất ở Hong Kong. Họ đồn rằng, có rất nhiều vụ chết đuối xuất hiện tại đây, một trong những nguyên nhân đó chính là việc linh hồn của những người từng bị đuối nước dưới hồ Tân Nương vẫn chưa siêu thoát nên đã kéo nhiều nạn nhân xuống cho bớt cô đơn.
Nhiều người cho rằng, linh hồn của cô dâu vẫn còn lang thang trong khu vực, đặc biệt là tại một cung đường được gọi là “khúc cua tử thần" - nơi xảy ra hàng loạt vụ tai nạn chết người. Cụ thể, vào tháng 2/2018, một chiếc xe đã tự động tông vào cái cây trên đường đến Hồ Tân Nương và bốc cháy. Tháng 11/2017, có một cậu bé 12 tuổi nhập viện vì gặp tai nạn trong khu vực này.
Sau 2 vụ tai nạn trên cùng nhiều vụ tai nạn đau lòng khác, khu vực này được Cơ quan hỗ trợ dân sự liệt vào danh sách những khu vực có rủi ro cao, khuyến cáo mọi người không nên đến đây để tránh những trường hợp xấu xảy ra.
Phim trường cũ TVB và lời đồn về câu chuyện kinh dị cùng cảnh hoang tàn ghê rợn
Từ khi thời đại internet phát triển, nền văn hóa của các nước Nhật, Hàn, Thái Lan,... ngày càng phát triển mạnh hơn thì những chương trình truyền hình của TVB không còn thịnh như ngày xưa. Ngay cả những người dân sống ở Hong Kong cũng phải công nhận rằng, TVB đã thật sự là dĩ vãng.
Với tâm trạng hoài niệm cổ xưa, một nhiếp ảnh gia người Hong Kong Trương Nhất Phương đã làm một chuyến thăm lại phim trường TVB ngày xưa (hay còn gọi là phim trường Thiệu Thị), nơi được xem là Hollywood Châu Á do Thiệu Dật Phu sáng lập.
Phim trường Thiệu Thị (Shaw Studio) nằm ở vịnh Thanh Thủy, phía đông Hong Kong, cách xa trung tâm thành phố, muốn đi đến đó phải đi bằng nhiều phương tiện bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt thì mới có thể đến đúng địa điểm. Trong ấn tượng của nhiếp ảnh gia Trương, thứ xuất hiện trước mặt ông khi đến đây là một phim trường tồi tàn. Các bức tường phủ đầy rêu xanh cùng những dây leo. Chỉ có biển hiệu ở ngay cổng vào mới nhắc lại cho người ta biết nơi đây từng lừng lẫy thế nào.
Phim trường Thiệu Thị được xây dựng vào năm 1961, sau đó được chuyển tên sang thành đài truyền hình TVB vào năm 1988. Năm 2003, phim trường TVB lúc bấy giờ phải di dời, chuyển đến Tseung Kwan O và tồn tại đến ngày nay. Có thể nói, phim trường Thiệu Thị chính là nhân chứng cho một thời hoàng kim của điện ảnh và truyền hình Hong Kong, là nơi đưa nhiều tên tuổi vươn ra thế giới và thành công vang dội đến ngày hôm nay.
Trong thời kỳ hoàng kim, phim trường Thiệu Thị được xem là studio hiện đại và lớn nhất Châu Á với hơn 23 tòa nhà nằm trong khu phức hợp có diện tích lên đến 186 ngàn mét vuông với nhiều phòng như phòng lồng tiếng, phòng hậu kỳ, phòng in màu, phòng thí nghiệm,...
Không những thế, nhiều người nói rằng chỉ cần phim do Thiệu Thị sản xuất thì chắc chắn là phim hay. Ngoài ra, có người còn khẳng định Thiệu Thị đã một tay tạo nên ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong bởi những cơ sở vật chất, máy móc được trang bị hiện đại nhất thời bấy giờ. Vào thời kỳ hưng thịnh, đây là nơi làm việc của hơn 3000 nhân viên và sản xuất hàng nghìn bộ phim.
Bước vào cổng chính của phim trường Thiệu Thị có thể thấy được một con dốc cao và kéo dài đến cuối đường. Đó là Tòa nhà Phát thanh Truyền hình TVB HOUSE. Đội ngũ nhiếp ảnh gia đã cố gắng tiến vào sâu hơn nhưng lại vô tình bước vào nơi kích hoạt báo động cảm ứng, nên họ đành nhanh chóng rút lui.
Nhiếp ảnh gia họ Trương cho hay, sau khi từ phim trường Thiệu Thị quay về anh mới biết rằng tại đây có rất nhiều vụ tự tử, đặc biệt là khu nhà nghỉ dành cho nhân viên. Vì vậy, ngày trước có nhiều tin đồn ghê rợn tại nơi đây. Có người nói rằng, vào những năm 60, ở phim trường Thiệu Thị xuất hiện nhiều câu chuyện kinh dị không khác gì phim.
Năm 1966, một nữ diễn viên trực thuộc hãng phim Thiệu Thị tên Lý Đình đã treo cổ tự vẫn tại phòng tắm trong phòng 102, nằm ở tầng 3 của khu nhà dành cho nhân viên cũ. Đến năm 1969, một đạo diễn tên Tần Kiếm, người thất bại trong hôn nhân, từng cờ bạc thiếu nợ và ngoại tình với Lý Đình cũng đã treo cổ cùng một vị trí với nhân tình.
Ngoài ra còn rất nhiều diễn viên khác cũng quyết định quyên sinh tại đây khiến phim trường ngày càng trở nên u ám không gì có thể diễn tả được. Chính vì thế nên không có gì lạ khi phim trường Thiệu Thị được người dân Hong Kong đưa vào danh sách những nơi đáng sợ nhất xứ Cảng Thơm.
Cho đến này, các nghệ sĩ TVB khi nhắc đến phim trường Thiệu Thị còn có một hành động bất thành văn chính là, khi quay phim không nên nhìn trần nhà vì có thể nhìn thấy những điều không nên thấy.
Rời khỏi khu vực nhà nghỉ, đội ngũ nhiếp ảnh gia tiếp tục bước vào trường quay của tòa nhà. Họ nói rằng để tìm kiếm một ánh sáng rõ ràng thật sự rất khó khăn, may mắn thay mọi người đều có đèn pin mạnh nên cũng có thể nhìn được một vài thứ. Đó là những tạp chí rải rác, áp phích phim cũ, đĩa mềm không biết bên trong lưu trữ gì… và nhiều vật phẩm khác. Trong những năm 80, 90, ngành công nghiệp phim Thiệu Thị dần suy tàn, Thiệu Dật Phu đã chuyển sang TVB và xây dựng đế chế truyền hình.
Ngoài ra, lớp đào tạo nghệ sĩ của TVB thời đó cũng sản sinh ra một số lượng lớn diễn viên nổi tiếng như Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Châu Tinh Trì, Trương Mạn Ngọc,... cùng nhiều đạo diễn, nhà biên kịch và nhà sản xuất nổi tiếng.
Vào năm 1995, trong kho đạo cụ bất ngờ bị hỏa hoạn khiến toàn bộ đạo cụ bị thiêu rụi và sau đó cũng được tu sửa lại nhưng không giữ được sự nguyên vẹn như xưa. Năm 2003, phim trường TVB chuyển từ vịnh Thanh Thủy sang Tseung Kwan O sau khi trải qua sự bành trướng, hỏa hoạn và tái định cư hơn nửa thế kỷ. Và phim trường Thiệu Thị ngày ấy ở vịnh Thanh Thủy giờ đây là cảnh hoang tàn và dần bị lãng quên.
Theo JIA YOU (Trí Thức Trẻ)