Thời nhà Thanh có năm trường hợp là anh em họ lấy nhau, gồm có: Thuận Trị đế và em họ là Tĩnh phi, Điệu phi; Quang Tự đế và chị họ là Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu; hai trường hợp còn lại là Khang Hi đế lấy hai cô em họ gồm Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu và Khác Huệ Hoàng Quý phi.
Trong năm trường hợp trên, có 3 người làm Hoàng hậu, một người làm Quý phi, người còn lại được truy phong Điệu phi - đều là vị thế cao trong hậu cung, minh chứng rõ ràng cho việc kết hôn cùng họ để bành trướng thế lực.
Nhưng nhìn theo một góc độ khác, trong 5 trường hợp trên có một Hoàng hậu bị phế, một Hoàng hậu trở thành quả phụ, một người còn chưa kịp lớn lên đã chết yểu - như vậy cũng đủ để ta thấy hệ quả của việc ép duyên giữa người cùng họ.
Xét chung ra trong cả 5 cuộc hôn nhân trên, người phụ nữ trải qua hôn nhân tương đối êm đềm nhất có thể nói chính là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu. Tuy bà là Hoàng hậu tại vị ngắn nhất lịch sử nhà Thanh nhưng lại là người vợ được ở bên chồng lâu nhất.
Hiếu Ý Nhân hoàng hậu Đông thị (không rõ năm sinh) là em họ của Khang Hi đế. Cha bà là Đông Quốc Duy - em trai Hiếu Khang Chương Hoàng hậu (mẹ đẻ của Khang Hi đế), còn mẹ bà là Nhất phẩm Phu nhân Hách Xá Lý thị.
Đông gia có thể phất lên như diều gặp gió tại nhà Thanh phải kể đến công ơn của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu.
Tuy bà mất sớm lại không được Thuận Trị yêu thương quan tâm đúng nghĩa, nhưng ít ra bà vẫn kịp mang thai và sinh ra đứa con trai Huyền Diệp (tức Khang Hi đế) vô cùng tài giỏi.
Có Khang Hi dìu dắt, Đông thị lập tức nhanh chóng gia nhập vào giới quý tộc, trở thành nhất đẳng thế gia Mãn Châu. Dĩ nhiên cũng bởi gen của Đông thị quá xuất sắc, đời đời đều sản sinh ra toàn nhân tài nên Khang Hi mới dìu dắt thành công.
Xuất thân hiển hách như thế nên ngay từ khi còn bé, Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu đã thừa hưởng nền giáo dục tốt đẹp và vào cung từ rất sớm. Sách sử không ghi thời gian cụ thể bà nhập cung, chỉ biết năm Khang Hi thứ 16 (1677), bà được phong làm Quý phi, còn Nữu Hỗ Lộc thị được sách lập làm Hoàng hậu.
Tuy nhiên, Nữu Hỗ Lộc thị tại vị Hoàng hậu chỉ mới nửa năm đã qua đời, Quý phi Đông thị lập tức trở thành người có vị thế cao nhất trong hậu cung lúc bấy giờ. Đến năm Khang Hi thứ 20 (1681), Khang Hi tấn phong bà làm Hoàng Quý phi.
Trong lịch sử nhà Thanh thì Hoàng quý phi có thể nói là tương đương với chức Phó hậu. Sau khi Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị mất, về cơ bản quyền hành hậu cung đều do Đông thị nắm giữ, vậy tại sao Khang Hi không trực tiếp lập bà làm Hoàng hậu luôn mà chỉ để bà làm Hoàng Quý phi?
Thật ra Khang Hi rất yêu quý cô em họ của mình, tuy nhiên sau nhiều biến cố trong cuộc đời nên ông có phần hơi mê tín, cảm thấy mệnh cách của mình không tốt - hay nói nặng hơn là Khang Hi tự thấy mình có số khắc chết người thân. Bằng chứng là 8 tuổi ông đã mất cha, 10 tuổi mất mẹ, chưa đầy 25 tuổi đã mất liên tiếp cả hai vị Hoàng hậu.
Việc mất liên tiếp cả hai vị Hoàng hậu ở tuổi còn rất trẻ, dù cho là người có tâm lý mạnh thế nào cũng sẽ suy nghĩ: Nếu giờ lập em họ mình làm Hoàng hậu thì liệu có đột ngột qua đời như hai người vợ trước của mình không? Nếu có thì liệu người đời có nghĩ mệnh cách của mình quá đen đủi không?
Thế nên Khang Hi quyết định để Đông thị hưởng thụ đãi ngộ như một vị Hoàng hậu trên danh nghĩa Hoàng Quý phi, vừa "giúp" giữ tính mạng cho bà vừa bảo toàn danh tiếng cho mình.
Nói cách khác, việc Đông thị ngồi ở vị trí Hoàng Quý phi 8 năm không phải là vì bà không đủ phẩm chất để lên ngôi vị Hoàng hậu, mà là Khang Hi không dám hoặc không nỡ để bà làm Hoàng hậu.
Mãi cho đến năm Khang Hi thứ 28 (1689), Hoàng Quý phi Đông thị lâm trọng bệnh. Lúc này đây Khang Hi đế đã bỏ qua nỗi lo khắc vợ, lập tức ra chỉ dụ dặn Lễ bộ sách lập Đông thị lên làm Hoàng hậu nhằm xung hỉ, mong rằng bà sẽ sớm vượt qua đại nạn.
Đáng tiếc sau khi điển lễ hoàn thành, chỉ một ngày rưỡi sau Hiếu Ý nhân Hoàng hậu đã qua đời, trở thành Hoàng hậu có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử nhà Thanh.
Theo Vivian (Pháp Luật & Bạn Đọc)