Thời xưa, chúng ta thường nghe đến những câu chuyện tình yêu cảm động, "không sinh cùng tháng cùng ngày, nhưng chết phải cùng tháng cùng năm", hai người yêu nhau nguyện chết cùng lúc để được ở bên nhau trọn đời suốt kiếp. Nhưng, có một loại phong tục mai táng cổ xưa đi ngược lại ước nguyện cao cả kia. Đó chính là tuẫn táng.
Trung Quốc cổ đại có một phong tục gọi là tuẫn táng, đây là một trong những phong tục tàn khốc nhất thời đại lúc bấy giờ. Khi đó, nhiều thê thiếp cung nữ sẽ trở thành vật bồi táng theo Hoàng đế. Chế độ tuẫn táng khiến cho người đời khiếp sợ bởi sự tàn ác và vô tình đến vô độ.
Chế độ tuẫn táng của Trung Quốc cổ đại được ghi chép lại rất nhiều trong sử sách. Từ thời vua Tần Thủy Hoàng đã có chế độ mai táng đáng sợ này. Tần Thủy Hoàng Doanh Chính là vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.
Sau khi ngài mất, Tần Nhị Thế Hồ Hợi đã tuẫn táng tất cả phi tần cung nữ chưa từng có con cùng xuống mồ với cha của mình. Theo đó, hàng nghìn phi tần cung nữ trong hậu cung của triều Tần đã bị chôn sống mà chết. Cảnh tượng thảm khốc khiến cho hậu nhân nghìn năm sau không khỏi khiếp đảm khi mỗi lần nhắc tới.
Mãi đến thời nhà Hán và sau đó là nhà Nguyên, chế độ tuẫn táng mới bị hạn chế. Đơn cử như Tào Tháo trước lúc chết đã từng nhắc nhở rằng không được mang thê thiếp bồi táng theo mình, thậm chí còn nói thê thiếp của mình hãy đi thêm bước nữa để tìm hạnh phúc mới.
Từ đó có thể thấy, Tào Tháo giết người trên chiến trường vô cùng tàn nhẫn, nhưng ông lại hết mực thiện chí với người thân thuộc xung quanh mình. Thế nhưng đến thời nhà Minh, phong tục tuẫn táng người sống này một lần nữa "hưng thịnh" trở lại. Mãi đến cuối những năm cai vị của Hoàng đế Minh Anh Tông thì chế độ tuẫn táng mới chính thức bị bài trừ.
Bên cạnh đó, người ta phát hiện đa số phi tần cung nữ bị tuẫn táng đều là những phi tần chưa từng có con hoặc khi sống chỉ có nhiệm vụ "ngủ" cùng Hoàng đế mà thôi, hoặc thậm chí còn là Hoàng phi ngoại tộc bị trở thành cống phẩm tiến cung.
Đương nhiên, những phi tần này đều không phải tự nguyện, nhưng một khi đã có tên trong danh sách tuẫn táng thì phải phục tùng theo lệnh, nếu không sẽ bị chịu tội đến sống không bằng chết, thậm chí còn liên lụy đến cả người thân gia đình, nên họ chỉ có thể ngậm ngùi chấp nhận vùi mình dưới hầm mộ trong nước mắt.
Một số phi tần không cam chịu số phận, không chấp nhận mình phải chết theo Hoàng đế, nhưng cuối cùng cũng bị binh sĩ cưỡng chế, thậm chí còn phải chịu những nỗi đau thể xác đến cùng cực. Vì vậy, đa số phi tần cung nữ sẽ không dám có tư tưởng phản kháng.
Chế độ tuẫn táng là một minh chứng tàn khốc cho địa vị thấp bé của người phụ nữ trong xã hội xưa, họ không có sự tự do và không thể tự chọn lựa hạnh phúc cho chính mình.
Không những thế, người ta còn phát hiện hài cốt của những phi tần cung nữ trong các hầm mộ tuẫn táng đều có tư thế rất kì lạ, phần chân mở rộng, không thể khép lại.
Phương thức tuẫn táng các phi tần cung nữ vô cùng đơn giản nhưng cũng rất tàn bạo. Họ bị chôn sống trong các khu hầm mộ. Khi các lối thông hoàn toàn bị niêm phong, dưỡng khí bên trong sẽ dần cạn kiệt.
Các phi tần cung nữ bắt đầu bị ngộp thở, chỉ có thể giãy giụa trong tuyệt vọng, kêu gào trong bất lực và chết đi một cách tức tưởi. Chính vì thế, thi hài của những người phụ nữ này sau khi chết đã có tư thế rất lạ, thân thể co rúm vặn vẹo, chân tay không thể khép hay duỗi thẳng như bình thường.
Theo chiều dài phát triển của lịch sử, con người đã bước sang thời đại văn minh, chế độ mai táng bất nhân này đã bị hủy bỏ triệt để. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không thể chối bỏ được hiện thực tàn khốc đã gây ra đối với người phụ nữ địa vị thấp bé khi xưa.
(Nguồn: 163)
Theo Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)