Trong lịch sử thời nhà Thanh, Hoàng đế và Hoàng hậu sau khi qua đời đều có thụy hiệu. Thụy hiệu dùng để tóm tắt công đức cả đời của Hoàng đế và Hoàng hậu.
Với nhà Thanh, các Hoàng hậu đều có thụy hiệu bắt đầu bằng chữ "Hiếu", có 16 chữ, sau đó thêm chữ cuối cùng trong thụy hiệu của Hoàng đế vào để thành 17 chữ.
Tuy nhiên trong lịch sử triều Thanh lại tồn tại một vị hoàng hậu chỉ có 12 chữ trong thụy hiệu, đã vậy thụy hiệu của bà không có đế thụy kèm theo.
Đó chính là Hiếu Hiến Trang Hoà Chí Đức Tuyên Nhân Ôn Huệ Đoan Kính Hoàng hậu, hay còn được nhiều người biết đến với cái tên quen thuộc hơn là Đổng Ngạc phi.
Đổng Ngạc thị sinh năm 1639, là phi tần được sủng ái nhất của vua Thuận Trị. Đổng Ngạc thị xuất thân Mãn Châu Chính Bạch kỳ, cha bà là Ngạc Ngạc - một sĩ quan thống lĩnh.
Từ năm hai Thuận Trị trở đi, Ngạc Ngạc tuân mệnh vua đi Nam chinh và thường đóng quân tại Tô Châu, Hàng Châu, Hồ Châu. Vậy nên Đổng Ngạc thị từ khi sinh ra đã tiếp xúc với văn hóa người Hán tại Giang Nam, điều này có ảnh hưởng khá nhiều đến lí do bà được đắc sủng sau này.
Đổng Ngạc thị giỏi thư pháp, rành rẽ sách sử lại có phong thái nhã nhặn, dịu dàng của một tài nữ nên rất được lòng người. Tuy nhiên có thuyết cho rằng bà đã từng lấy chồng trước khi nhập cung. Bởi Đổng Ngạc thị nhập cung khi đã 18 tuổi (tính theo âm lịch), khá già dặn so với các thiếu nữ khác vì lứa tuổi tuyển tú thường thấy là tầm 13-16 tuổi.
Thế nhưng tuổi tác dường như không ảnh hưởng đến vị thế của bà. Bằng chứng là vừa nhập cung bà đã được phong Hiền phi, một tháng sau được tấn phong Hoàng quý phi. Tốc độ tấn phong "quá nhanh quá nguy hiểm" này là cực kì hiếm thấy với các hoàng đế nhà Thanh.
Không chỉ vậy, vì Đổng Ngạc phi mà Thuận Trị đã hai lần ban chiếu đại xá thiên hạ. Lần đầu là khi phong bà làm Hoàng Quý phi, lần sau là khi Đổng Ngạc phi sinh ra hoàng tứ tử. Đây là chuyện chưa từng có trong lịch sử nhà Thanh.
Nhận được sự sủng ái có một không hai từ Hoàng đế nhưng có lẽ bởi thế mà cuộc đời Đổng Ngạc phi lại kết thúc trong bi kịch.
Đổng Ngạc phi qua đời khi mới hơn 21 tuổi, tức bà chỉ mới ở trong cung vỏn vẹn gần 4 năm. Liên quan đến cái chết của bà, người ta dựa theo các tư liệu lịch sử và cho rằng nhiều yếu tố tác động khiến sức khỏe của Đổng Ngạc phi suy giảm ở tuổi còn rất trẻ.
Ví như việc được đắc sủng nhất hậu cung khiến Đổng Ngạc phi chịu áp lực tinh thần rất lớn. Chính nỗi niềm này khiến bà phải sống dè dặt, cẩn trọng để tránh đem lại phiền phức.
Hoàng Thái hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, hay thậm chí là các phi tần trong cung sinh bệnh thì Đổng Ngạc phi đều muốn tự mình tới chăm nom. Thân thể phải lo toan nhiều thứ hơn người bình thường nên sức khỏe Đổng Ngạc phi giảm sút là điều có thể hiểu được.
Thêm vào đó, việc Hoàng Tứ tử - con trai ruột của bà và Thuận Trị chết yểu chỉ sau khi sinh hơn 100 ngày đã trở thành sự đả kích khiến tinh thần Đổng Ngạc phi rệu rã, thường xuyên rơi vào trạng thái u uất.
Sau khi Đổng Ngạc phi qua đời, Thuận Trị đau lòng khôn nguôi. Ông truy phong bà làm Hoàng hậu trong khi kế hậu của ông vẫn còn đang tại vị. Không chỉ vậy, Thuận Trị ngưng thiết triều suốt mấy tháng trời vì cái chết của ái phi và còn định tuẫn táng thêm 30 cung nữ, thái giám đi theo Đổng Ngạc phi vì sợ bà thiếu người phục vụ ở thế giới bên kia.
Chưa dừng lại ở đó, triều Thanh vốn có lệ chỉ dùng bút màu xanh lam khi Tiên Hoàng hoặc Thái hậu qua đời, bình thường Hoàng đế phê duyệt tấu chương chỉ dùng bút màu đỏ son. Ấy thế mà trong hơn 4 tháng tang lễ của Đổng Ngạc phi, Thuận Trị lại dùng bút màu lam để phê duyệt tấu chương trong khi mẹ ông - Hiếu Trang Thái hậu vẫn còn sống.
Chính hành vi sủng ái quá mức bình thường, vượt qua mọi luật lệ nhà Thanh từng có của Thuận Trị đã khiến các Hoàng đế đời sau, cụ thể là Khang Hi không thích sự tồn tại của Đổng Ngạc phi.
Tuy Đổng Ngạc phi được hợp táng với Thuận Trị (điều vốn chỉ dành cho Hoàng đế với nguyên phối Hoàng hậu) và được truy phong Hoàng hậu nhưng Hoàng đế Khang Hi không thêm đế thụy "Chương" vào thụy hiệu của bà, cũng không cho đặt bài vị của bà vào Phụng Tiên điện và thái miếu.
Nên có thể nói, Đổng Ngạc phi là Hoàng hậu có địa vị thấp nhất trong lịch sử nhà Thanh.
Theo VIVIAN (Pháp Luật & Bạn Đọc)