Tây Ban Nha và Pháp đang phải trải qua đợt nắng nóng như đổ lửa, mặc dù những quốc gia này từ lâu đã phải chịu đựng sự bất thường về nhiệt độ. Nhưng điều tồi tệ nhất là ở Anh. Các tờ báo địa phương viết rằng: Tình cảnh ở Anh chưa bao giờ tồi tệ như vậy. Tờ The Guardian, kể từ ngày 24.2, mỗi số báo đều đưa thông tin về tình hình thời tiết như địa ngục ở London.
Ấn bản chỉ ra rằng, ở xứ sở sương mù thực tế không có máy điều hòa nhiệt độ, điều này đã khiến mọi người trên bờ vực của một thảm họa nhân đạo. Thêm vào đó, giao thông đường sắt bị hạn chế do lo ngại đường ray có thể bị biến dạng. Các chuyến bay đến và đi từ sân bay London Luton đã bị đình chỉ sau khi nhiệt độ gây ra những "khiếm khuyết" trên bề mặt đường băng. Một số trường học đã phải lắp đặt hồ bơi cho trẻ em.
Nhìn chung, đối với người Anh, cuộc sống tươi đẹp của họ trong những ngôi nhà rộng lớn đã kết thúc. Vào tháng 6, chính phủ Anh cuối cùng đã đưa ra các tiêu chuẩn xây dựng mới đặt ra các tiêu chí cao về cách nhiệt.
Các chuyên gia cho rằng, người Anh sẽ phải dọn vào ở trong những căn hộ nhỏ do chi phí xây dựng và bảo trì nhà ở tăng mạnh. Cũng có quá nhiều người gặp khó khăn vì thiếu năng lượng, và chi phí nhiên liệu, điện và thực phẩm sẽ ăn vào thu nhập của người dân.
Hơn nữa, theo các giáo sư địa phương, khí hậu thay đổi quá nhanh, không có thời gian để kịp chuẩn bị đối phó. Báo động đỏ có hiệu lực vào cả ngày 18 và 19.7, khi nhiệt độ lần đầu tiên tăng trên 40 độ C (104 độ F), khiến những người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và thậm chí tử vong, theo Văn phòng Met của Anh.
Đợt nắng nóng thiêu đốt Châu Âu và làm bùng phát các đám cháy rừng dữ dội ở Tây Ban Nha và Pháp khiến hàng nghìn người phải sơ tán và người ta đã phải cử các máy bay và lính cứu hỏa đến Anh để chữa cháy.
Vào ngày 18.7, London nóng hơn so với vùng Caribê, Tây Sahara và các điểm đến nghỉ lễ nổi tiếng ở Châu Âu, và vào ngày 19.7, nhiệt độ lên tới 44 độ C. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận vào chiều 18.7 là 37,5 độ C ở Kew Gardens, phía tây London, theo Văn phòng Met.
Nhiệt độ tăng cao buộc Cơ quan An toàn Y tế Vương quốc Anh ban hành cảnh báo nhiệt cấp độ 4, được mô tả là “Tình huống khẩn cấp”, trong khi Văn phòng Met đưa ra cảnh báo nhiệt độ cực cao màu đỏ đầu tiên của Vương quốc Anh.
Một tuần trước đó, thời tiết oi bức đã vượt qua Tây Ban Nha - người dân thị trấn chạy trốn khỏi cái nóng 39 độ C - 41 độ C.
Theo Viện Tây Ban Nha Carlos III, nơi ghi lại các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ hàng ngày, có 237 người liên quan đến nhiệt độ cao từ ngày 10 đến 14.7.
Đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha dự kiến sẽ giảm bớt, nhưng thời gian nghỉ ngơi sẽ rất ngắn ngủi vì nhiệt độ tăng trở lại, đặc biệt là ở khu vực phía tây khô hạn của Extremadura.
Sáng sớm 18.7, các nhà chức trách Slovenia cho biết, các nhân viên cứu hỏa đã có thể kiểm soát được đám cháy. Croatia đã cử một máy bay phun nước tới đó để giúp dập lửa sau khi nước này chống chọi với đám cháy rừng dọc bờ biển Adriatic vào tuần trước. Một đám cháy ở Šibenik đã buộc một số người phải chạy khỏi nhà của họ, nhưng sau đó đã được dập tắt.
Ở Bồ Đào Nha, thời tiết mát mẻ hơn nhiều vào 18.7 đã giúp các đội cứu hỏa đối phó với ngọn lửa. Hơn 600 lính cứu hỏa đã chiến đấu với 4 đám cháy lớn ở miền bắc Bồ Đào Nha.
Theo Nguyễn Quang (Lao Động)