Trong gần 1 thập kỷ từ năm 1928 đến 1937, Viện Lịch sử và Triết Học Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 15 cuộc khai quật khảo cổ với quy mô lớn ở Ân Khư, Hà Nam. Kết quả cuộc khai quật thu được thành tựu cực lớn khi phát hiện được những dấu tích về cung điện, đền thờ, lăng tẩm của nhà Thương (1566 TCN – 1046 TCN theo Trúc thư kỉ niên).
Bên cạnh đó, những hiện vật bằng đồng, đá, ngọc, xương được chạm khắc cùng bộ tiền cổ cũng cho thấy trình độ tiên tiến của ngành mỹ nghệ thủ công nhà Thương hơn 3000 năm trước.
Nhưng phát hiện khảo cổ quan trọng nhất chính là những chữ viết khắc trên mai rùa và xương – được gọi là Giáp cốt văn,với hơn 160 nghìn mảnh giáp cốt, chứa 4500 kí tự và khoảng 3000 mẫu có thể đọc-hiểu được. Đây là bằng chứng khảo cổ cho thấy Nhà Thương là triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa sáng tạo, thực hành và phát triển một bộ chữ viết hoàn chỉnh và phong phú về ngữ nghĩa.
Di tích Ân Khư – kinh đô cuối cùng của nhà Thương – đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới năm 2006. Dù vậy, những cuộc khảo cổ với quy mô nhỏ hơn vẫn diễn ra ở các khu vực lân cận Ân Khư trong nhiều năm qua.
Tháng 7/2017, trong 1 cuộc khảo cổ cách Ân Khư khoảng 5 dặm về phía Tây, người ta đã khai quật được 2 sọ người có những vết tích lạ cho thấy dấu hiệu đã trải qua phẫu thuật hộp sọ.
Ngay lập tức, các chuyên gia hàng đầu của Viện Lịch sử và Triết Học Trung Quốc (CASS) đã vào cuộc. Và kết luận đầu tiên, sau 3 tháng nghiên cứu – phân tích được đưa ra: đích xác, một trong hai hộp sọ có vết tích của việc phẫu thuật.
Đó là hộp sọ của một bé trai 10 tuổi. Trên hộp sọ, ở phần trước, có một vết cắt tròn mảnh với kích thước chừng 1cm. Yue Hongbin, chuyên gia hàng đầu của CASS khẳng định: “rất nhiều dấu hiệu cho thấy hộp sọ vẫn phát triển sau khi chịu tác động bởi những vết cắt. Và đấy là bằng chứng cho thấy cuộc phẫu thuật này đã thành công”.
Phẫu thuật não hay giải phẫu hộp sọ là 1 trong những loại phẫu thuật khó nhất trong Y học. Đến thế kỉ 19, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân trải qua phẫu thuật hộp sọ, tại các bệnh việt tốt nhất châu Âu thậm chí còn không vượt quá 10%. Tất nhiên, y học hiện đại đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong lịch vực phẫu thuật não, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ mổ nội soi, cắt bỏ các khối u não mà không cần phải tác động tới hộp sọ.
Nhưng điều mà chúng ta cần phải nhấn mạnh ở đây, là những vết tích và bằng chứng cho thấy một ca phẫu thuật hộp sọ đã thành công cách đây hơn 3000 nghìn năm. Đó đích xác là một thành tựu y tế - khoa học không thể tin nổi.
Trước đó, dựa vào những dòng chữ khắc trên Giáp cốt văn, các chuyên gia Trung Quốc đã sớm khẳng định những Lang y đời nhà Thương sở hữu kiến thức sâu sắc về thảo dược và chế thuốc. Một số dụng cụ y tế phẫu thuật cũng đã được tìm thấy ở khu di tích Ân Khư, bao gồm bốn kim xương được dùng trong việc chữa trị các tổn hại về xương.
Cũng có những khám phá về đầu lâu với các dấu vết của phẫu thuật được tìm thấy ở các vùng khác của Trung Quốc. Năm 2007, 13 chiếc sọ đã được đục lỗ đã được khai quật ở vùng Tây Bắc Tân Cương. Phẫu thuật đục hộp sọ được cho là xuất hiện ở nhiều nơi trong Thế giới cổ đại từ Siberia đến vùng Andes, từ cách đây hơn 5000 năm.
Nhưng sự khác biệt là rất rõ ràng: Hộp sọ của cậu bé 10 tuổi được tìm thấy gần An Khư thể hiện vết cắt mảnh, tinh xảo của một chuyên gia bậc thầy, không phải vết đục tròn có bán kính lớn như tất thảy các hộp sọ được tìm thấy trước đó.
Theo Xinhuanet, phát hiện khảo cổ mới nhất này sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự phát triển của y học Trung Quốc thời cổ đại. Nó cung cấp bằng chứng rằng Nhà Thương có rất nhiều kỹ thuật phẫu thuật tinh vi vượt tầm thời đại. Từ hơn 3 thiên niên kỉ trước…
TẦM HOAN (SHTT)