Truyền thuyết Trung Quốc thường nói về (những) thanh kiếm thiêng liêng có một không hai, được rèn từ vật liệu thiên thạch, mang lại cho kiếm sỹ một lợi thế siêu việt vượt trội so với đối thủ. Việc tạo ra một thanh kiếm như vậy có vẻ ngoài khả năng của công nghệ cổ đại. Nhưng với Chen Shih-Tsung, nghệ nhân chế tạo kiếm độc nhất vô nhị thời hiện đại, đó không hoàn toàn là điều bất khả.
Chen Shih-Tsung ngồi đó trên chiếc trường kỷ cổ, trong của căn hộ của ông ở phía nam Đài Loan. Sau lưng Chen là một giá gỗ lớn chứa hàng trăm kg hợp kim quý hiếm, cùng những thanh kiếm đã được chế tác thành công có giá trị cả triệu USD. Chen, cho tới thời điểm này, là người đầu tiên và duy nhất có khả năng chế tác những thanh kiếm truyền thuyết.
Chen đặc biệt nổi tiếng trong thế giới võ thuật Trung Quốc. Lớn lên cùng những tiểu thuyết kiếm hiệp, chịu ảnh hưởng cực lớn từ tư tưởng Võ Hiệp, ông đã chọn cho mình 1 con đường mà rất ít người dám đi: trở thành một nghệ nhân chế tác kiếm. Chen là người đầu tiên thời hiện đại sở hữu năng lực đặc biệt trong việc tái tạo các loại thanh kiếm (được cho là) đã sử dụng ở Trung Quốc cổ đại.
Trên 60 tuổi, cao, gầy, trong trang phục truyền thống Võ gia, Chen bình thản và chậm rãi kể về cuộc sống của ông, về hành trình theo đuổi việc chế tác những thanh kiếm huyền thoại
Chen đã dành nhiều năm làm việc tại một đại lý xe cũ, nơi giúp ông tích lũy kha khá tài sản. Chen đọc rất nhiều. Những cuốn sách mô tả các thanh kiếm truyền thuyết, những ghi chú về nơi cất giấu bảo kiếm và tất nhiên cả cách rèn kiếm của những nghệ nhân thời xưa. Dù vậy, quá trình tìm kiếm của Chen trong gần chục năm không thu được những thành tựu cụ thể bởi cuộc cách mạng Văn Hóa Trung Quốc đã phá hủy rất nhiều những di tích, địa chi, tư liệu về kiểm cổ.
Lắng nghe câu chuyện của Chen cũng hệt như việc bạn đang bước vào Thế giới của những tiểu thuyết võ hiệp. Chen trong nỗ lực tìm kiếm của mình, rốt cuộc cũng tìm được 1 chỉ dấu quan trọng: đa số những thanh kiếm huyền thoại thời cổ đại đều được rèn từ vật-liệu-thiên-thạch-nóng-chảy. Tuy nhiên, chỉ dấu này lại dẫn ông tới một ngõ cụt trong ý niệm: bằng cách nào mà người xưa, có thể tạo ra những thanh kiếm như vậy khi nền tảng khoa học kỹ thuật là vô cùng thô sơ?
Trước khi thành công với thanh kiếm đầu tiên, Chen đã có một giấc mơ vô cùng sống động. Ánh sáng, các vị thần và những thiên thể chói lòa, từng bước đưa ra những chỉ dẫn cho ông về cách tạo ra những thanh kiếm huyền thoại. Những giấc mơ tương tự, đến một cách thường xuyên hơn, đặc biệt là trong mỗi quãng thời gian nghỉ ngắn ngủi ở xưởng rèn kiếm, khi Chen bắt đầu theo đuổi công việc đặc biệt của mình.
Không giống như các thợ rèn Trung Quốc thời phong kiến, Chen thường rèn… mười thanh kiếm trong một lần. Khi một thanh kiếm được làm mát, hoặc khi bánh mài kiếm đã đạt đủ độ nóng tiêu chuẩn, ông sẽ chuyển sang những thanh kiếm tiếp theo.
Kiếm của Chen, thường không làm từ một loại thép thuần nhất, mà là một dạng hợp kim được pha trộn theo công thức đặc biệt với độ cứng tối thiểu 58 – theo thang đo độ cứng HRC (Rockwell Hard Scale), thậm chí có thanh kiếm đạt độ cứng lên đến 65. Để tiện so sánh, những lưỡi rừu thường dùng để chặt cây- gỗ chỉ có độ cứng 40-45 HRC. Ý niệm và yêu cầu về độ cứng ở vật liệu tạo kiếm của Chen là đặc biệt quan trọng. Kiếm của Chen đơn giản là phải làm đứt đôi một tảng đá, trong chỉ 1 lần chém duy nhất.
Chi phí nguyên liệu thô và chi phí vận hành sản xuất (rất cao) là một trong số những yếu tố khiến Chen trở thành nghệ nhân rèn kiếm độc nhất vô nhị thời hiện đại. Các thợ rèn khác có thể tạo ra các tác phẩm của mình bằng cách nung nóng vật liệu và sau đó đóng chúng thành hình dạng theo khuôn, hoặc bằng tay hoặc với sự hỗ trợ của máy móc cơ bản. Đấy là cách truyền thống nhưng nó không phải phương pháp của Chen.
Chen đã mất gần chục năm để tìm ra công thức chế tạo kiếm đặc biệt của riêng mình. Kiếm của Chen không chỉ cứng, sắc mà còn phải linh hoạt trong việc biến đổi hình dạng. Trong cuộc nói chuyện, Chen đã lấy một thanh kiếm trên giá xuống và uốn cong nó một góc 60 độ như cách để chứng tỏ sự đặc biệt của những thanh kiếm mang thương hiệu Chen.
Trong việc chế tạo kiếm, cái Tâm của người rèn kiếm giữ vai trò quan trọng nhất. “Tâm phải luôn thanh tịnh!” Chen giải thích. Ông luôn ngồi thiền trong một giờ trước khi bắt đầu một phiên rèn kiếm. Bởi, theo Chen, mỗi thanh kiếm phải luôn mang tinh thần và ý niệm của người tạo ra nó.
Một trong những bước khó nhất và phải dụng công lâu nhất trong việc chế tạo kiếm chính là là mài kiếm. Chen kể rằng, công việc mài kiếm tất cả được thực hiện tại một xưởng riêng ở ngoại ô, nơi đặc biệt yên tĩnh cách rất xa những ồn ào phố thị. Như một nghệ sỹ với nguồn cảm hứng tinh khiết và bất tận, để hoàn tất công đoạn mài kiếm Chen phải làm việc tối thiểu 20 giờ liền, chỉ dừng lại để ăn, uống và vệ sinh.
Toàn bộ quá trình mài kiếm phải được thực hiện liên tục, không ngừng cho đến khi hoàn tất. Theo Chen, công việc mài kiếm là khó nhất và quyết định sự thành bại trong việc chế tạo một thanh kiếm tốt bởi nó hoàn toàn phụ thuộc và “cảm giác tay”, kinh nghiệm và cái Tâm của người làm. Một khi cảm giác bị mất, người chế tạo kiếm sẽ không bao giờ có thể lấy lại được.
Mài thanh thép thành kiếm đòi hỏi độ chính xác đáng kinh ngạc. Căn chỉnh trọng tâm lưỡi kiếm, chỉ sai lệch 1mm trong quá trình mài hay đường biên kiếm bị cắt quá sâu, cũng đủ để hủy hoại sản phẩm. Căn nhiệt không chuẩn có thể làm hỏng lưỡi kiếm. Yếu tố con người là đặc biệt quan trọng, vì xử lý việc giãn nở nhiệt trong chế tạo thanh kiếm dựa trên các kỹ năng và kinh nghiệm – thứ không phải ai cũng có.
Tuy nhiên, mài kiếm chỉ là một nửa câu chuyện. Khi thanh kiếm được đưa ra khỏi lò nung, xả trong nước lạnh, đánh bóng và cho vào bao kiếm, một quá trình khác sẽ bắt đầu. Một quá trình có thể biến 1 thanh kiếm đắt giá trở nên vô giá.
Theo Chen, mỗi ngày ông hoặc chủ nhân mới của thanh kiếm cần chà nhẹ nó bằng một miếng vải mềm. Việc lau kiếm tạo ra nhiệt và từ đó cấu trúc phân tử của thép từng bước thay đổi. Hai đến ba năm đều đặn lau mỗi ngày, cấu trúc thép của thanh kiếm sẽ đạt đến trạng thái ổn định cao nhất. Kể từ thời điểm này, thanh kiếm sẽ không bao giờ gỉ sét nữa.
Việc lau kiếm thường xuyên trong 2-3 năm đầu tiên, thực ra dựa trên một nguyên tắc hóa học đơn giản. “Vật liệu sắt và thép rỉ sét khi chúng tiếp xúc với không khí vì không khí chứa hơi ẩm”, Chen giải thích.
"Độ ẩm trong không khí được hấp thụ qua các lỗ nhỏ li ti (mà mắt thường không thể nhìn thấy) trên bề mặt thanh kiếm và sau đó kết hợp với tinh thể kim loại, dẫn đến một sự thay đổi hóa học gây ra quá trình oxy hóa và rỉ sét. Nói cách khác, vật liệu sắt và thép sẽ không rỉ sét nếu những lỗ này bị loại trừ”
Cách duy nhất để loại bỏ các lỗ nhỏ này là chà xát thanh kiếm cho đến khi nó nóng dần lên, buộc lượng nhôm nhỏ trong nó tan chảy. Vì nhôm có điểm nóng chảy thấp, nó sẽ lan dần đến bề mặt thanh kiếm và tan chảy, từ đó bịt dần các lỗ. Phải mất nhiều năm để hoàn thành điều này.
Gìn giữ truyền thống chế tạo kiếm là mục tiêu và trách nhiệm mà Chen theo đuổi lúc này. Và ông đang tranh thủ từng ngày để truyền nghề cho các con trai mình. "Giá trị của một thanh kiếm kiệt tác không bao giờ có thể được tính bằng tiền," ông giải thích. “Nó là một kho báu vô giá và công thức để tạo ra những thanh kiếm kiệt tác cần phải gìn giữ, trân trọng và nối tiếp bởi những thế hệ sau”.
Tầm Hoan (SHTT)