Khách sạn kỳ lạ
Đầu năm 1992, cảnh sát tuần tra họ Trần thuộc Cục Công an huyện Khúc Ốc, thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, bất ngờ được một số người dân cung cấp những thông tin đáng ngờ liên quan đến một người đàn ông trong vùng. Người này tên là Hầu Lâm Sơn, sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng lại rất lười biếng. Cũng vì vậy nên gia cảnh của anh ta bao năm vẫn nghèo khó.
Tuy nhiên vào mấy năm trước, Hầu Lâm Sơn bỗng “giàu lên sau 1 đêm”, mua ô tô, sắm đồ hiệu, đi ăn nhà hàng sang trọng suốt ngày. Không những thế, người đàn ông này còn có tiền tỷ xây khách sạn kinh doanh khiến hàng xóm rất bất ngờ.
Kỳ lạ nhất là khách sạn của anh ta chỉ “tiếp đón” những người ở ngoài thị trấn. Điều này càng khiến cảnh sát phải đặt ra câu hỏi về cách thức hoạt động của nó cũng như sự giàu có bất thường của người chủ sở hữu.
Để làm rõ sự việc này, cảnh sát Trần đã lập tức báo cáo tình hình lên cơ quan cấp trên và nhận được lệnh điều tra đối tượng này. Sau mấy ngày theo dõi, cảnh sát đã phát hiện thêm nhiều chi tiết đáng ngờ khác.
Theo đó, khách sạn do Hầu Lâm Sơn điều hành có phí lưu trú rất rẻ. Hơn nữa, có 8 người khách quen thường xuyên ra vào nơi này. Những người này luôn mang theo một vài chiếc hộp lớn thần bí khi đến khách sạn. Không những thế, mỗi khi họ rời đi đều rất vội vàng, lén la lén lút như sợ bị ai đó bắt gặp.
Với những thông tin thu thập được, cảnh sát Trần nghi ngờ khách sạn này có thể là hang ổ của một nhóm tội phạm nào đó. Tuy nhiên, nghi ngờ cũng chỉ là nghi ngờ. Để chứng minh được phán đoán của mình là chính xác, cảnh sát này đã gọi thêm đồng đội và thay thường phục để tiếp tục bí mật điều tra sâu hơn.
Một đêm nọ, khi Hầu Lâm Sơn và nhóm 8 người quen thuộc kia đi ra khỏi khách sạn, cảnh sát Trần và một số cảnh sát đang phục kích gần đó đã nhanh chóng đi theo họ. Xe của những người này đi khi đang đi trên tuyến đường quen thuộc bỗng rẽ sang một lối đi bí mật đã đến khu đất cao ở ngoại ô Khúc Ốc. Cảnh tượng sau đó khiến cả đội cảnh sát vô cùng bất ngờ.
Bí mật bị lẩy tẩy
Đến nơi, Hầu Lâm Sơn và những người khác xuống xe và bắt đầu lấy các dụng cụ như xẻng, quốc,... và thay phiên đào một ụ đất ở gần đó. Khúc Ốc vốn là địa điểm nổi tiếng có nhiều nơi có nhiều lăng mộ cũng như di vật văn hóa dưới lòng đất. Do đó, cảnh sát lập tức phán đoán những đối tượng này có thể là những tay trộm mộ, chuyên ăn cắp cổ vật, di vật văn hóa quốc gia để đi bán. Sau một lúc theo dõi, cảnh sát phát hiện chúng có chuẩn bị cả thuốc nổ để hành sự nên đã lập tức hành động để ngăn chặn những đối tượng trên phá hoại của công.
Tại đồn cảnh sát, sau khi bị thẩm tra, những đối tượng này cuối cùng cũng thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Hầu Lâm Sơn khai rằng sau một thời gian thăm dò và tìm kiếm, nhóm của anh ta đã phát hiện dưới gò đất ở ngoại ô Khúc Ốc có một ngôi mộ cổ nên lên kế hoạch đi trộm. Nếu thành công, chúng sẽ bán những di vật tìm thấy cho dân buôn đồ cổ để kiếm giá hời.
Chưa hết, Hầu Lâm Sơn cũng thừa nhận vì bản thân là dân bản địa nên rất rõ dưới phần đất của huyện Khúc Ốc có nhiều ngôi mộ cổ. Sau một vài lần cùng đồng bọn dò tìm và trộm mộ thành công, anh ra đã có tiền và quyết định mở khách sạn để che mắt mọi người. Thực chất, khách sạn này là nơi ẩn náu cũng như là địa điểm diễn ra các thương vụ mua bán di vật văn hóa.
Cũng theo thông tin từ phía cảnh sát, những ngôi mộ bị Hầu Lâm Sơn trộm có nhiều di vật văn hóa từ thời nhà Tấn. Phần lớn, những ngôi mộ này đều đã hoặc đang được đội khảo cổ ở địa phương khai quật vào thời điểm đó. Do đó, cảnh sát đã nhanh chóng thông báo tình hình với Phòng di tích văn hóa địa phương để có phương án giải cứu những di vật văn hóa còn sót lại ở những ngôi mộ cổ này.
Sau khi các chuyên gia đến nơi, họ tìm thấy được một số di vật có từ thời Tây Chu có niên đại hơn 2.000 năm. Các chuyên gia từ Bắc Kinh cũng đã được mời về để nghiên cứu và thẩm định số cổ vật này. Phía cảnh sát sau đó cũng đã thành lập một tổ điều tra để tiếp tục truy quét những phi vụ buôn bán trái phép di vật văn hóa trong địa bàn.
Về phần Hầu Lâm Sơn và 8 đối tượng khác trong băng nhóm trộm mộ, họ đã bị tòa án xét xử và trừng trị theo đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dân trong vùng bởi theo quy định của pháp luật Trung Quốc, mọi di tích văn hóa còn sót lại trong lòng đất, nội thủy và lãnh hải ở nước này đều thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.
Vì vậy, khi người dân vô tình phát hiện ra chúng, thay vì giữ làm của riêng, phải báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc và bảo tồn những món đồ đó. Bất cứ ai buôn bán di vật văn hóa sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Theo Ánh Lê (Nhịp Sống Thị Trường)