Những ngày vừa qua, ngành y tế Hàn Quốc đã phải hứng chịu "cơn bão" nặng nề khi hơn 10.000 bác sĩ nội trú tại 100 bệnh viện đồng loạt xin nghỉ việc để phản đối chính sách tăng tuyển sinh của Chính phủ vào năm 2025.
Cuộc đình công tập thể này đã khiến Bộ Y tế Hàn Quốc buộc phải nâng mức khủng hoảng y tế của đất nước lên mức "cảnh báo" cao nhất khi nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, các bệnh nhân không được chữa trị, chăm sóc kịp thời.
Trước tình hình này, vào hôm 27/02, Bộ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong cho biết nếu các bác sĩ không quay trở lại làm việc vào ngày 29/02, họ sẽ phải đối mặt với hình phạt pháp lý, bao gồm cả việc đình chỉ giấy phép hành nghề và truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, tính đến 00h00 ngày 29/02, hầu hết các bác sĩ nội trú vẫn chưa quay trở lại làm việc và dường như không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ sớm chấm dứt cuộc đình công này.
Tờ Yonhap cho biết, vào sáng ngày 01/03 (giờ địa phương), Cảnh sát Hàn Quốc được cho là đã đột kích một số văn phòng của các lãnh đạo của một hiệp hội bác sĩ chính thống với cáo buộc vi phạm luật y tế, liên quan đến việc đình công của các bác sĩ thực tập.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul cũng đã cử các nhà điều tra đến một số văn phòng, bao gồm cả văn phòng của ủy ban khẩn cấp của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) và Hiệp hội Y tế Seoul, để thu thập thông tin liên quan từ điện thoại di động và máy tính của các quan chức.
Trước đó, vào hôm 27/02, Bộ Y tế Hàn Quốc đã đệ đơn khiếu nại cáo buộc các thành viên của KMA bao gồm Người đứng đầu ủy ban khẩn cấp - Kim Taek-woo cùng ba thành viên khác của KMA; Lim Hyeon-taek, người đứng đầu Hiệp hội Nhi khoa Hàn Quốc về tội xúi giục các bác sĩ nội trú từ chức hàng loạt bằng cách bày tỏ sự ủng hộ và hỗ trợ pháp lý cho các bác sĩ.
Nguồn: Yonhap
Theo Thanh Tâm (Phụ Nữ Mới)