Năm 2021, Vương Hoa (Trung Quốc) nhận thấy ngôi nhà một tầng của mình đã cũ và không còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Ông quyết định phá bỏ và xây dựng lại thành một tòa nhà ba tầng. Tuy nhiên, việc xây dựng này đã dẫn đến một tranh chấp pháp lý với người hàng xóm, Trương Cường.
Theo đó, không lâu sau khi ngôi nhà mới của Vương Hoa khởi công xây dựng, Trương Cường phát hiện ngôi nhà hai tầng của mình nằm liền kề gặp vấn đề. Ông mô tả rằng tường và mái nhà xuất hiện các vết nứt, dẫn đến bị thấm nước. Thậm chí ông còn cho biết căn nhà của mình đang nghiêng về hướng Tây. Thực tế này khiến gia đình ông sinh sống bên trong nhưng nơm nớp lo sợ.
Nghi ngờ rằng các vấn đề này liên quan đến việc xây dựng nhà của Vương Hoa, ông Cường đã nói chuyện với hàng xóm nhằm tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, cả hai không đạt được thỏa thuận. Cuối cùng, ông quyết định đưa vụ việc ra tòa án địa phương.
Tại phiên tòa, Trương Cường yêu cầu giám định để xác định liệu các hư hỏng trong ngôi nhà của hàng xóm có mối quan hệ nhân quả với việc xây dựng nhà của mình hay không?
Theo yêu cầu, tòa án đã ủy quyền cho một bên thứ 3 là công ty giám định thực hiện đánh giá. Báo cáo giám định chỉ ra rằng: Nhà của Vương Hoa nằm liền kề nhà Trương Cường. Trong quá trình đào móng, Vương Hoa không áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thiết, gây ảnh hưởng đến ngôi nhà của Trương Cường. Các vết nứt trên tường tầng hai của nhà Trương Cường chủ yếu liên quan đến việc xây dựng nhà của Vương Hoa. Các vấn đề còn lại, bao gồm hư hỏng ở tầng một, có liên quan đến kết cấu của chính ngôi nhà, cũng như tác động từ việc xây dựng lân cận.
Theo điều 295 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, chủ sở hữu bất động sản khi đào đất, xây dựng công trình, lắp đặt đường ống, thiết bị… không được gây nguy hiểm đến các bất động sản lân cận. Điều 1165 trong bộ luật này cũng chỉ rõ người nào xâm phạm đến quyền dân sự của người khác gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong vụ việc này, Vương Hoa đã cung cấp đầy đủ báo cáo giám định. Nội dung của bản báo cáo cho thấy có mối quan hệ nhân quả nhất định giữa việc xây nhà của Trương Cường và những thiệt hại mà ngôi nhà nằm liền kề phải gánh chịu.
Từ đây tòa án kết luận: Đối với các vết nứt trên tường tầng hai, do chủ yếu liên quan đến việc xây dựng nhà của Vương Hoa, trách nhiệm được chia theo tỷ lệ 30% (Trương Cường) và 70% (Vương Hoa).
Đối với các hư hỏng còn lại ở tầng một, do liên quan đến kết cấu nhà, và tác động của các công trình xây dựng lân cận, trách nhiệm được chia đều 50% cho mỗi bên.
Tòa án ra phán quyết rằng Vương Hoa phải bồi thường cho Trương Cường tổng cộng gần 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) trong vòng 10 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực.
Thông qua vụ việc này, một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc đã chỉ ra một số lưu ý khi tiến hành khởi công xây dựng, giúp hạn chế được những tranh chấp nêu trên. Vị này cho biết cần tuân thủ nghiêm quy định kỹ thuật trong xây dựng. Việc Vương Hoa không áp dụng các biện pháp hỗ trợ khi đào móng đã gây xáo trộn đất, dẫn đến hư hỏng cho nhà hàng xóm.
Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi xây dựng. Trước khi tiến hành xây dựng, đặc biệt là các công trình lớn như nhà nhiều tầng, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc cơ quan chức năng để đánh giá tác động đến môi trường xung quanh, bao gồm các công trình lân cận.
Nếu không may việc xây dựng xảy ra những sai sót, bạn nên giao tiếp và phối hợp với hàng xóm để có phương án giải quyết phù hợp, tránh tranh chấp và khởi kiện ra tòa. Bởi khi đó, mối quan hệ láng giềng khó có thể hàn gắn, gây khó khăn cho cuộc sống về sau.
Vụ việc giữa Vương Hoa và Trương Cường là một bài học về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định kỹ thuật trong xây dựng, đặc biệt khi công trình có thể ảnh hưởng đến các công trình lân cận. Phán quyết của tòa án đã giải quyết tranh chấp, đảm bảo trách nhiệm được phân chia công bằng dựa trên kết quả giám định.
Theo Đinh Anh (Nguoiduatin.vn)