Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ vận hành đường ống khí đốt ở ngoại ô thủ đô Ankara. Ảnh: AP |
Sau vụ nổ súng của tàu chiến Nga, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sự kiên nhẫn của nước này "có giới hạn", nhưng ông này không nói rõ Ankara sẽ có những biện pháp đáp trả như thế nào nếu Nga vượt giới hạn, theo Reuters. Giới phân tích nhận định nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ mối quan hệ căng thẳng với Nga, đặc biệt là vấn đề khí đốt. Đây thực sự là một "gọng kìm" mà Nga đang siết chặt lên Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang phải loay hoay tìm cách tháo gỡ với những thử thách không nhỏ về kinh tế và chính trị.
Từ cuối tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động một cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế khi Nga tuyên bố dừng dự án cung cấp khí đốt qua nước này, và mục tiêu mà Ankara nhắm tới là các nước xuất khẩu năng lượng như Qatar, Azerbaijan và gần đây nhất là Israel.
Theo chuyên gia Atilla Yesilada thuộc tổ chức tư vấn Global Source Partners, những căng thẳng liên tiếp trong thời gian gần đây cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể làm hòa và xích lại gần nhau trong thời gian ngắn, đồng nghĩa với việc Ankara sẽ phải lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng lâu dài có thể khiến nước này bị tê liệt.
"Mâu thuẫn giữa hai nước sẽ còn kéo dài bởi Ankara không hề có ý định thay đổi chính sách ở Syria với mục tiêu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gấp rút giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, nước hiện cung cấp 55% lượng khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ", ông Yesilada nhận định.
Các quan sát viên chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn rất cần tới nguồn khí đốt khổng lồ của Nga trong vòng ít nhất ba năm tới, và nếu tìm được bất cứ đối tác nào, họ cũng phải mất tới vài năm để xây dựng hệ thống truyền dẫn khí đốt cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một hợp đồng cung cấp khí hóa lỏng với quốc gia đồng minh hiếm hoi trong khu vực là Qatar, một động thái được coi là biện pháp đề phòng khả năng Nga cắt đứt hệ thống dẫn khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ.
"Trong trường hợp Nga lấy lý do trục trặc kỹ thuật để chặn đường ống dẫn khí đốt trong ngắn hạn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể có nguồn khí hóa lỏng dự phòng, nhưng chỉ đủ dùng trong 2-3 ngày. Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng lượng khí hóa lỏng nhập khẩu, nhưng kho bãi tại các bến cảng hiện nay đã quá tải, không thể tiếp nhận thêm được nữa", ông Yesilada cho biết.
Trước tình cảnh này, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị dư luận chỉ trích vì đã không xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp cho một chiến lược năng lượng bền vững hơn.
Nguy cơ mùa đông lạnh giá
Theo giới phân tích, trong trường hợp căng thẳng với Nga tiếp tục leo thang, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự, khi họ phải đối mặt với quá nhiều thách thức về chính trị và kinh tế trong việc thoát ly nguồn khí đốt của Nga.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Semih Idiz của tờ Cumhuriyet, tất cả những nguồn cung cấp khí đốt khác cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực đều tiềm ẩn những rủi ro về chính trị rất lớn, khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên "lạnh giá" trong mùa đông theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
"Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang dựa vào Azerbaijan và một số nước cộng hòa Trung Á khác để nhập khẩu khí đốt, nhưng họ đang quên đi một thực tế rằng các nước này chịu ảnh hưởng rất lớn từ Nga. Một khi Nga quyết ra tay, khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày càng chồng chất", ông Idiz nói.
Một nguồn cung cấp khí đốt khác mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm chính là khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq, nơi chính quyền Ankara có những ảnh hưởng nhất định. Thế nhưng mạng lưới cung cấp khí đốt của người Kurd này quá nhỏ, không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, và thường xuyên bị đe dọa bởi nhóm vũ trang PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào diện khủng bố.
Trước sức ép năng lượng ngày càng tăng, mới đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ tuyên bố ông muốn bình thường hóa quan hệ với Israel. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã xấu đi trông thấy từ khi Ankara lên tiếng chỉ trích vụ đặc nhiệm Israel đột kích vào một con tàu chở đồ cứu trợ cho người dân Palestine ở dải Gaza năm 2010.
Năm 2014, ông Erdogan thậm chí còn tuyên bố rằng Israel đã "vượt mặt Hitler về mức độ tàn bạo", đồng thời tố cáo Tel Aviv đàn áp phong trào vũ trang Hamas ở dải Gaza, lực lượng có quan hệ mật thiết với phong trào Anh em Hồi giáo được Thổ Nhĩ Kỳ tích cực hậu thuẫn.
Theo chuyên gia phân tích Aaron Goldstein của American Spectator, sở dĩ ông Erdogan có sự thay đổi đột ngột về giọng điệu này là vì Israel dang xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt chạy qua Hy Lạp, đảo Syprus (đảo Síp) để tới châu Âu, và Thổ Nhĩ Kỳ rất khao khát tham gia vào mạng lưới này.
Ông Goldstein cho rằng để có thể nhận được nguồn khí đốt từ Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đáp ứng một điều kiện tiên quyết, đó là chấm dứt sự ủng hộ đối với phong trào vũ trang Hamas ở Gaza và ngừng các luận điệu công kích Israel. Thế nhưng điều này sẽ tạo ra những chia rẽ và rủi ro trong nội bộ đảng cầm quyền của ông Erdogan, đảng bắt nguồn từ phong trào Anh em Hồi giáo.
Về phần mình, Israel sẽ không hề vội vàng trong việc bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi đảng Hồi giáo cầm quyền của ông vẫn còn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào Anh em Hồi giáo vốn đã gây nhiều bất ổn ở các nước Trung Đông, giới phân tích nhận định.
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)