Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ cho Ukraine
Tuần trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns cho biết, việc hỗ trợ quân sự nhanh chóng cho Ukraine là rất quan trọng, đồng thời cảnh báo Kiev có thể thua vào cuối năm 2024 nếu không nhận được viện trợ bổ sung từ Mỹ.
Việc Mỹ chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí đã buộc quân đội Ukraine phải mất nhiều tháng để phân bổ nguồn cung đạn dược đang cạn kiệt.
Theo Giám đốc CIA, hai lữ đoàn Ukraine, với hơn 2.000 binh sĩ, chỉ được bắn 15 quả đạn pháo và 42 quả đạn cối mỗi ngày.
“Chúng tôi rất mong muốn có thể tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine với số lượng mà chúng tôi nghĩ rằng họ cần để có thể thành công trên chiến trường”, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder cho biết.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine. Sau khi được Hạ viện thông qua, gói viện trợ này sẽ được Thượng viện cân nhắc và bỏ phiếu thông qua trước khi được đưa lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Dự kiến dự luật sẽ được Thượng viện thông qua sớm nhất là vào 23/4.
Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ biết ơn, nói rằng các nghị sĩ Mỹ đã hành động để “giữ lịch sử đi đúng hướng".
“Dự luật viện trợ quan trọng của Mỹ được Hạ viện thông qua ngày hôm nay sẽ giữ cho xung đột không lan rộng, cứu sống hàng nghìn, hàng nghìn sinh mạng và giúp cả hai quốc gia chúng ta trở nên hùng mạnh hơn”, ông Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội X.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ ký ban hành dự luật này ngay khi ông nhận được.
“Nếu gói viện trợ được thông qua, chúng tôi có một mạng lưới hậu cần rất mạnh mẽ cho phép vận chuyển trang thiết bị một cách thần tốc. Chúng tôi có thể chuyển vũ khí cho Ukraine trong vòng vài ngày”, ông Ryder cho hay.
Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sẵn hàng viện trợ cho Ukraine trong nhiều tháng nhưng chưa thể chuyển đi vì cạn kiệt ngân sách. Họ đã chi toàn bộ số tiền viện trợ mà Quốc hội Mỹ cấp trước đó để hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm gửi vũ khí, bảo trì, đào tạo và phụ tùng thay thế trị giá hơn 44 tỷ USD kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
AP đã chỉ ra những cách Mỹ có thể nhanh chóng chuyển vũ khí tới Ukraine sau khi gói viện trợ được thông qua.
Gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine gồm những gì?
Gói viện trợ được chờ đợi từ lâu nhằm giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu với Nga trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm, với các ưu tiên bao gồm việc Washington cung cấp tên lửa đạn đạo và hỗ trợ chiến lược dài hạn cho Kiev.
Hơn 1/3 gói viện trợ, tương đương 23,2 tỷ USD, dùng để bổ sung hệ thống vũ khí và đạn dược cho quân đội Mỹ. 13,8 tỷ USD để mua vũ khí từ Mỹ, gần giống với dự luật của Thượng viện, điểm khác biệt chính là dự luật của Hạ viện cung cấp hơn 9 tỷ USD hỗ trợ kinh tế cho Ukraine dưới dạng các khoản vay. Ngoài ra, 11,3 tỷ USD được sử dụng cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực.
Dự luật quy định rằng trong vòng 45 ngày kể từ ngày ban hành, các cơ quan liên bang phải đưa ra chiến lược kéo dài trong nhiều năm để tiếp tục hỗ trợ Ukraine đối phó Nga. Điều này đồng nghĩa họ phải thiết lập các mục tiêu cụ thể, dễ dàng đạt được cũng như xác định và ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Dự luật này cũng bao gồm việc chuyển giao hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), hệ thống tầm xa được Ukraine sử dụng lần đầu tiên để chống lại Nga vào tháng 10/2023. Ukraine từ lâu đã kêu gọi các quốc gia phương Tây hỗ trợ tăng cường khả năng chiến đấu tầm xa của họ trong cuộc xung đột hiện tại với Nga.
Thẩm quyền chi ngân sách của tổng thống
Khi gói viện trợ cho Ukraine được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, vũ khí sẽ được cung cấp thông qua thẩm quyền chi ngân sách của tổng thống (PDA). Cơ chế này cho phép quân đội Mỹ ngay lập tức rút vũ khí khỏi kho dự trữ, hoặc thông qua hỗ trợ an ninh, tài trợ cho các hợp đồng dài hạn hơn với ngành công nghiệp quốc phòng để có được vũ khí.
Lầu Năm Góc từng sử dụng PDA để gửi hàng tỷ USD đạn dược, bệ phóng tên lửa phòng không, xe tăng, xe chở quân và các thiết bị khác tới Ukraine.
“Trước đây, chúng ta từng thấy rất nhiều lần vũ khí được chuyển giao thông qua thẩm quyền chi ngân sách của tổng thống”, Brad Bowman, Giám đốc Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ, nói.
Những vũ khí từ kho dự trữ đó được lấy từ các căn cứ hoặc cơ sở lưu trữ ở Mỹ hoặc từ các địa điểm ở châu Âu, nơi Washington đã tăng cường chuyển trang thiết bị tới nhằm cắt giảm thời gian cần thiết để giao sau khi nguồn tài trợ được phê duyệt.
Kho lưu trữ vũ khí của Mỹ
Lầu Năm Góc có các cơ sở lưu trữ vũ khí khổng lồ ở Mỹ với hàng triệu viên đạn đủ kích cỡ, sẵn sàng sử dụng trong trường hợp xung đột nổ ra.
Ví dụ, Nhà máy Đạn dược Quân đội McAlester ở Oklahoma có nhiệm vụ lấp đầy tới 435 container vận chuyển, mỗi container có thể chở 15 tấn đạn dược, nếu có lệnh từ tổng thống. Cơ sở này cũng là nơi lưu trữ chính một trong những loại đạn dược được sử dụng nhiều nhất trên chiến trường ở Ukraine, đó là đạn pháo 155mm.
Nhu cầu sử dụng đạn pháo 155m của Ukraine đã gây áp lực lên kho dự trữ của Washington và buộc quân đội Mỹ phải nguồn cung từ những nơi khác. Kết quả là hàng chục nghìn viên đạn 155mm đã được chuyển từ Hàn Quốc về nhà máy McAlester để trang bị thêm cho Ukraine.
Kho vũ khí ở châu Âu
Việc vận chuyển viện trợ quân sự từ Mỹ bằng máy bay chở hàng và tàu biển thường được điều phối từ trụ sở của Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ, đặt ở vùng nông thôn Illinois, nơi duy trì cơ sở dữ liệu rộng lớn về các cảng hàng hóa, đường sắt và đường bộ có thể được sử dụng bởi các phương tiện vận tải quân sự và dân sự trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, vũ khí và đạn dược gửi đến Ukraine thường được lấy từ tài sản của Lầu Năm Góc ở châu Âu, với các chuyến hàng được điều phối bởi một tổ chức được thành lập vào cuối năm 2022 có tên là Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine, có trụ sở tại Đức và hoạt động trong Bộ Tư lệnh Châu Âu của Lầu Năm Góc. Nhóm này có một đội ngũ nhân viên khoảng 300 người.
Theo một quan chức quân sự Mỹ, Washington sẽ có thể gửi một số loại đạn dược “gần như ngay lập tức” tới Ukraine vì có kho chứa ở châu Âu.
Trong số các loại vũ khí có thể di chuyển nhanh chóng có đạn 155mm và các loại đạn pháo khác, cùng với một số loại đạn phòng không.
Một loạt cơ sở vũ khí trên khắp Đức, Ba Lan và các đồng minh châu Âu khác cũng đang giúp Ukraine duy trì và bảo dưỡng các hệ thống được gửi ra mặt trận. Chẳng hạn, Đức đã thành lập một trung tâm bảo trì cho đội xe tăng Leopard 2 của Kiev ở Ba Lan, gần biên giới Ukraine. Các trung tâm bảo trì như vậy đẩy nhanh tốc độ sửa chữa để Ukraine tiếp tục sử dụng hệ thống của phương Tây.
Theo Mai Trang (Vov.vn)