Tên lửa hành trình BrahMos lần đầu tiên được phóng thử thành công từ tiêm kích Su-30MKI
Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 22/5 cho biết, cơ quan này đã lần thứ hai liên tiếp phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu âm BrahMos từ một thao trường tích hợp ở huyện duyên hải Balasore thuộc bang miền Đông Odisha.
Cụ thể, tên lửa BrahMos được Ấn Độ phóng đi từ một bệ phóng di động lúc 11:45 và đã bay theo đúng quỹ đạo định trước, hoàn thành tất cả các mục tiêu đặt ra. Mục đích chính của đợt phóng thử lần này là để kiểm định khả năng tấn công của tên lửa.
"Quan vụ phóng thử lần này, các bộ phận chủ chốt sản xuất trong nước, gồm cả hệ thống quản lý nhiên liệu và thiết bị phi kim dùng để chế tạo khung sườn tên lửa đều đã đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng", Sudhir Mishra - Giám đốc điều hành Chương trình BrahMos của Ấn Độ cho biết.
BrahMos là dự án liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ và tập đoàn NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga, được đặt theo tên gọi của 2 dòng sông Brahmaputra và Moskva ở hai nước.
Tên lửa có tốc độ tối đa từ Mach 2.8 đến Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh) và được đánh giá là một trong những dòng tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới hiện đang được sử dụng thực tế.
Ngày 21/5, Ấn Độ cũng đã thực hiện một vụ phóng thử thành công để đánh giá khả năng gia tăng vòng đời cho tên lửa. Vụ thử này được tiến hành tại một bệ phóng cố định và cũng đã chứng tỏ được hiệu quả và độ bền của tên lửa.
BrahMos hiện đang nổi lên như một lựa chọn tối ưu trong chiến tranh hiện đại nhờ sức hủy diệt kinh hoàng, vận tốc và độ chính xác cao của nó.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, tên lửa BrahMos đã chứng tỏ là vũ khí có thể làm gia tăng sức mạnh trong các môi trường tác chiến hiện đại, phức tạp nhờ khả năng chống hạm và tấn công mặt đất "hoàn hảo".
Theo Anh Tú (Trí Thức Trẻ)