Ấn Độ liên tiếp loại biên tàu chiến
Cả khinh hạm cùng các tàu quét mìn mà Hải quân Ấn Độ vừa loại biên đều đã phục vụ hơn 30 năm. Trong đó, INS Ganga - khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Godavari do Ấn Độ tự đóng được loại biên trong buổi lễ diễn ra ở Mumbai hôm 22/03. Tham dự buổi lễ có các sĩ quan, thủy thủ, những người đã và đang vận hành con tàu này.
Khinh hạm INS Ganga được đóng tại nhà máy Mazagon Dock Limited ở Mumbai và được đưa vào biên chế ngày 30/12/1985.
3 tàu quét mìn lớp Karwar được loại biên trong 1 buổi lễ ở Visakhapatnam vào hôm 23/03. Các tàu gồm INS Konkan, Cannanore và Cuddalore được chế tạo ở Liên Xô và biên chế cho Hải quân Ấn Độ lần lượt vào năm 1987 và 1988.
Các tàu quét mìn lớp Karwar được dự định thay thế bởi các tàu mới được đóng bởi nhà máy Goa Shipyard Limited hợp tác với Tập đoàn Kangnam của Hàn Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ hồi đầu năm nay do chi phí cao cũng như các vấn đề cần tuân thủ là những yếu tố chính dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ.
Hiện tại, Hải quân Ấn Độ vẫn chưa công bố thông tin về việc xử trí các tàu này sau khi loại biên và việc chuyển giao các tàu này qua một quốc gia khác vẫn còn để ngỏ.
Việt Nam có nên tiếp nhận lại các tàu chiến này của Ấn Độ?
Không tính đến các tàu quét mìn, khinh hạm INS Ganga vừa được Hải quân Ấn Độ loại biên là loại tàu chiến có kích thước khá lớn. Tàu có chiều dài 126,5m, rộng 14,5m và lượng giãn nước đầy tải là 3.850 tấn.
Trên tàu được trang bị khá nhiều loại vũ khí gồm: 1 pháo hạm OTO Melara cỡ nòng 76mm, 4 ống phóng dành cho họ tên lửa Styx (tương tự trên các tàu lớp OSA II và Molniya đề án 1241RE của Việt Nam), 4 pháo bắn nhanh AK-630, 3x8 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa phòng không Barak-1.
Ngoài ra, vũ khí trên tàu còn có 2x3 ống phóng ngư lôi cỡ 324mm cùng sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng. Tàu còn được trang bị radar và hệ thống cảm biến tương đối hiện đại khác.
Nếu được tiếp nhận tàu chiến INS Ganga, Việt Nam sẽ nhanh chóng sở hữu một loại tàu chiến có kích thước lớn và khả năng chiến đấu cao đồng thời, tuy theo yêu cầu con tàu cũng có thể dễ dàng nâng cấp các loại cấu hình vũ khí phù hợp hoặc hiện đại hơn.
Đơn cử như hệ thống tên lửa chống hạm gồm 4 ống phóng cho tên lửa Styx có thể được thay thế bằng 4 bệ phóng KT-184 dùng cho tên lửa Uran-E bởi Ấn Độ cũng đã có lớp tàu Brahmaputra (bản nâng cấp của lớp Godavari) sử dụng tên lửa chống hạm Uran-E thay cho Styx.
Tuổi đời gần 33 năm (tàu được biên chế cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm 1985) của con tàu vẫn còn có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cho Hải quân Việt Nam nếu trải qua quá trình đại tu ở trong nước (tương tự như chúng ta đang sửa chữa, nâng cấp tàu hộ vệ săn ngầm 18 (chế tạo năm 1987) vừa tiếp nhận từ Hàn Quốc.
Với kích thước lớn, con tàu sẽ giúp nâng cao năng lực hoạt động dài ngày trên biển, trong các điều kiện thời tiết phức tạp cho Hải quân Việt Nam. Và với khả năng mang theo được 2 trực thăng trong nhà chứa, nó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra chống ngầm bằng trực thăng hoặc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khi cần thiết.
Theo Ly Vy (Soha/Thời Đại)