Bới rác để tìm tóc và bán sang Trung Quốc: cứu cánh cho dân nghèo Pakistan

06/02/2019 21:19:59

Hassan Khan, 9 tuổi, là một trong hơn chục ngàn trẻ em vô gia cư Pakistan. Công việc chính hàng ngày của Khan là… bới rác để tìm kiếm tóc người ở ngoại ô thủ đô Islamabad.

Khan, dù nhỏ bé và vô danh nhưng là một mắt xích trong ngành công nghiệp thương mại tóc toàn cầu, ước tính trị giá hơn 81 triệu USD theo số liệu công bố cuối năm 2017.

Bới rác để tìm tóc và bán sang Trung Quốc: cứu cánh cho dân nghèo Pakistan
Khan, 9 tuổi, chú nhóc vô gia cư hành nghề bới rác tại Islamabad, là một mắt xích trong hoạt động xuất khẩu tóc từ Pakistan sang Trung Quốc

Pakistan hiện là một trong những nhà cung cấp tóc thô hàng đầu thế giới. Theo công bố của Bộ Thương mại nước này vào tháng 12/2018: kinh ngạch xuất khẩu tóc của Pakistan trong 5 năm qua (từ 2013) đạt tới 1,6 triệu USD.

“Tóc rối là một trong những “mặt hàng” quan trọng của cháu, bao gồm cả nhựa và các vật liệu có thể bán ra tiền khác”, Khan nói. Chú nhóc vô gia cư 9 tuổi này kể, mỗi ngày cậu kiếm được khoảng 0,7 USD từ công việc bới rác kiếm tóc của mình.

Rao Shahzad, có 10 năm hoạt động trong ngành xuất khẩu tóc sang Trung Quốc tại thành phố cảng Karachi cho biết: “gần 3 triệu người ở Pakistan có liên quan đến ngành công nghiệp tóc”.

“Nếu có sự hỗ trợ của chính phủ, thì ngành công nghiệp (xuất khẩu) tóc ở Pakistan có thể mang lại lợi nhuận gấp 10 lần so với hiện tại. Bởi vì độ dài và chất lượng tóc ở Pakistan rất tốt” - Shahzad bình luận.

Bới rác để tìm tóc và bán sang Trung Quốc: cứu cánh cho dân nghèo Pakistan - 1
Khoảng 3 triệu người Pakistan hoạt động trong nghành công nghiệp (xuất khẩu) tóc

Chính quyền Islamabad, sau tất cả, cũng đã nhận ra nguồn lợi quan trọng từ loại hình kinh doanh và xuất khẩu tóc . Báo chí Pakistan mới đây đưa tin: lần đầu tiên trong lịch sử, ngành xuất khẩu tóc Pakistan và giá trị thương mại quan trọng của nó, đã được đề cập tới trong cuộc họp của Hạ viện vào tháng trước.

Phần lớn tóc Pakistan được xuất khẩu sang thị trường ở Trung Quốc, nơi nó được sử dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm liên quan tới tóc giả, dệt và nối tóc, vốn bùng nổ mạnh mẽ ở quốc gia này. Nhật báo Dawn cho biết Pakistan đã xuất khẩu hơn 105.000kg tóc sang Trung Quốc trong 5 năm qua.

Theo một bảng xếp hạng (chưa chính thức), Pakistan được coi là nước xuất khẩu tóc thô lớn thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Hồng Kông và Singapore. Bất chấp hoạt động thu gom - xuất khẩu tóc vẫn chưa được xếp vào bất kì hạng mục kinh doanh chính thức nào của quốc gia này.

Bới rác để tìm tóc và bán sang Trung Quốc: cứu cánh cho dân nghèo Pakistan - 2
Một cơ sở xử lý tóc (vệ sinh, gỡ rối, phân loại) sau khi thu gom tại Pakistan

Những người bới rác, như chú nhóc Khan kể trên, nhặt tóc từ bãi rác hoặc bất kì chỗ nào và bán cho các đại lý với giá khoảng 18 USD/kg. Các đại lý thu gom tóc, sau đó sẽ bán tóc cho các công ty. Tại đây, tóc trải qua một quá trình vệ sinh và phân loại, trước khi đến tay các thương nhân Trung Quốc với giá không dưới 36 USD/kg.

Nguồn cung tóc khác, khá lớn, đến từ chính những gia đình có phụ nữ để tóc dài ở Pakistan. Những người này khi chải tóc, thường giữ lại tóc rụng, đến khi hòm hòm thì bán chúng cho những đại lý thu gom tóc. Loại tóc có giá trị nhất là tóc dài và tự nhiên, tức chưa từng trải qua uốn hay nhuộm.

Theo ước tính, có khoảng 100 đại lý nhập khẩu tóc của Trung Quốc hoạt động tại Pakistan. Con số này, dù vậy, đã giảm trong những năm gần đây, bởi ảnh hưởng tới từ thị trường cung tóc ở Afganishtan.

Hầu hết các đại lý ở Pakistan thích giao dịch với các thương nhân Trung Quốc có mặt ở Pakistan, trước khi tóc được “quá cảnh” và xử lý (vệ sinh, gỡ rối, phân loại) tại Myanmar rồi tiếp tục hành trình sang Hồng Kông và Trung Quốc.

Bới rác để tìm tóc và bán sang Trung Quốc: cứu cánh cho dân nghèo Pakistan - 3
Tóc người Pakistan rất được ưa chuộng trên thị trường, nhờ độ dài và chắc của tóc

Chang Lee, 42 tuổi, một nhà thầu Trung Quốc, có trụ sở tại Karachi từ bảy năm qua cho biết, chất lượng tóc ở Pakistan khá tốt và khỏe mạnh, rất được thị trường toàn cầu ưa chuộng. Tuy nhiên, theo ông, Pakistan cần xây dựng nhiều địa điểm chế biến, xử lý tóc nếu muốn cạnh tranh với các nước châu Á khác.

Tại Pakistan, hầu hết việc vệ sinh và gỡ rối tóc sau khi thu gom, thường được thực hiện bằng tay chứ không qua các khâu xử lý công nghiệp. “Chúng tôi thường vận chuyển tóc tới Myanmar để xử lý và nếu “khâu” này được thực hiện ngay tại Pakistan thì đây chắc chắn sẽ là một thị trường cung tóc hoàn hảo”, Lee cho biết thêm.

TẦM HOAN (SHTT)

Nổi bật