Theo đó tổng giá trị tiền thách cưới đối với nhà trai, bao gồm cả vật phẩm và tiền mặt không được vượt qua mức 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 206 triệu VNĐ) ở khu vực nông thôn, và 50.000 Nhân dân tệ cho khu vực thành thị
Theo một cuộc khảo sát của cổng thông tin Yidian Zixun, tổng giá trị bình quân tiền và quà thách cưới, ở tỉnh Hà Nam, trong năm 2017, lên tới 139.000 Nhân dân tệ , tức gần 480 triệu VNĐ. Trong khi, mức thu nhập bình quân mỗi năm của một người dân tỉnh này chỉ hơn 18.000 Nhân dân tệ
Theo chính quyền thành phố Bộc Dương, do khoảng cách về cân bằng giới quá lớn, khiến nhà trai phải chi tiêu rất nhiều cho các vật phẩm cũng như những hoạt động liên quan tới lễ cưới, từ đó dẫn tới gánh nặng tài chính quá lớn cho người dân. Thực tế này buộc giới chức Bộc Dương phải vào cuộc
Quy định về “mức giá trần” cho tiền thách cưới của Bộc Dương còn khắt khe hơn khi đối tượng là những nhân viên nhà nước hay quan chức đảng: tối đa 30.000 Nhân dân tệ cho công thức khu vực nông thôn và 20.000 Nhân dân tệ với trường hợp tương tự ở thành phố.
Quy định của chính quyền Bộc Dương cụ thể đến mức, không chế cả quy mô tiệc cưới: tối đa 15 bàn, với đơn giá trần cho mỗi bàn tiệc ở nông thôn là 600 Tệ và 300 tệ cho khu vực thành phố. Những người vi phạm các quy định nêu trên, như vẫn đưa ra mức thách cưới cao hay tổ chức những bữa tiệc cưới xa hoa lãng phí, sẽ bị bêu tên trên các phương tiện truyền thông công cộng và chịu phạt hành chính.
Nhà gái thách cưới nhà trai là một phần không thể thiếu trong phong tục hôn nhân Trung Quốc nói riêng và Á Đông nói chung. Nhưng phong tục này càng trở nên đắt đỏ hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nơi tỷ lệ giới tính mất cân bằng nghiêm trọng khiến hàng triệu đàn ông phải vật lộn để tìm vợ. Chính quyền Bộc Dương tự tin rằng, những quy định và chế tái mới này sẽ giúp giảm tải áp lực tài chính cho nhà trai, và theo đúng lộ trình sẽ xóa bỏ hoàn toàn “hủ tục” thách cưới vào năm 2020.
Theo khảo sát của Cục Thống kê Quốc gia, trong nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên và chưa kết hôn, thì tỉ lệ nam nữ chênh lệch tới 1,5 lần. Còn theo số liệu của World Bank, trong nhóm dân số nêu trên, số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới tới 42 triệu người.
Năm ngoái, Ủy ban Nhân Dân quận Lan Khảo, cũng thuộc Hà Nam, cũng đưa ra quy định về giới hạn mức “thách cưới”: chỉ được tối đa 20.000 nhân dân tệ. Nếu những đối tượng liên quan (nhà trai và nhà gái) trả - nhận nhiều hơn con số trần nêu trên, họ sẽ bị khép vào tội “buôn bán người bất hợp pháp”. Quả là một quy định mạnh tay!
Còn nhớ, hơn 1 năm trước, tại Thang Âm, tỉnh Hà Nam, một cuộc tranh cãi về món tiền thách cưới giữa nhà trai và nhà gái, đã kết thúc bằng máu và nước mắt, khi chú rể dùng búa giết chết cô dâu ngay trong đêm tân hôn. Trước đó, gia đình chú rể đã phải vay nóng tới 300.000 nhân dân tệ, trong đó có 150 nghìn trả tiền thách cưới và phần còn lại để lo chi phí đám cưới.
TẦM HOAN (SHTT)