Trung Quốc đón năm Kỷ Hợi với… nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt giống lợn quý

05/02/2019 01:46:00

Các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc cho biết, nhiều giống lợn hơi truyền thống của quốc gia này đang dần tuyệt chủng, kéo theo sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì các món ăn đặc trưng Trung Hoa.

Là nơi sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã thuần hóa lợn từ hơn 8.000 năm trước. Nhưng số lượng các loại lợn bản địa Trung Quốc, từng chiếm tới 90% tổng lượng tiêu thụ thịt lơn ở quốc gia này, hiện thậm chí không đạt 2%. Đây là kết quả được công bố bởi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cuối năm 2018.

Trung Quốc đón năm Kỷ Hợi với… nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt giống lợn quý
Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt giống lợn hơi bản địa

Các giống lợn như Kim Hoa và Đại Hổ, vốn gắn liền với ẩm thực nổi tiếng vùng miền của Trung Quốc, đang dần cạn kiệt nguồn cung bởi nhu cầu người tiêu dùng hiện đại đã thay đổi, cộng thêm giá thành rẻ của lợn hơi nhập khẩu và lợn lai được sản xuất theo phương pháp công nghiệp.

Lợn Kim Hoa thường được sử dụng trong ẩm thực Quảng Đông, thậm chí trong một quãng thời gian được coi là linh hồn của ẩm thực vùng này. Tuy nhiên, thống kê cho thấy lượng lợn Kim Hoa, vốn được cung cấp chủ yếu bởi các trại chăn nuôi ở Chiết Giang đã giảm mạnh trong những năm gần đây.

Từ 250.000 con/năm trong năm 1980, lượng lợn Kim Hoa cung cấp ra thị trường đẫ giảm xuống còn chỉ 5.000/năm vào năm 2012. Con số của năm ngoái, theo ghi nhận của Bộ nông nghiệp, là trên dưới 3.000 con/năm.

Theo các nhà phân tích, nhu cầu thị trường thịt lợn tại Trung Quốc đã thay đổi bởi sự xuất hiện của số lượng lớn những người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe. Người tiêu dùng hiện đại chủ trương hướng tới các loại thực phẩm ít béo. Thực tế này mở đường cho các giống lợn phương Tây giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc cạnh tranh thị phần thịt lợn ở Trung Quốc, dẫn tới sự suy giảm các giống lợn bản địa.

Trung Quốc đón năm Kỷ Hợi với… nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt giống lợn quý - 1
Lợn Chenghua, cực phẩm trong các bữa ăn của vua đời Minh, hiện chỉ cung cấp ra thị trường thịt lợn Trung Quốc... 50-60 con/năm

Jiang Yanzhi, giáo sư Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, trong một nghiên cứu của ông vào năm ngoái, cho biết số lượng lợn Chenghua thuần chủng, gốc Tứ Xuyên, cung cấp ra thị trường tiêu dùng giờ chỉ đạt mức 50-60 con/năm. Lợn Chenghua từng được coi là cực phẩm trong các bữa ăn của vua đời Minh và cũng là thành phần chính làm nên đặc sản số 1 vùng Tứ Xuyên “Hồi Oa Nhục – thịt hai lần chín”.

Lý do chính là bởi hàm lượng chất béo cao ở lợn Chenghua bản địa đang đẩy chúng ra khỏi sự ưu ái với người tiêu dùng vốn ngày càng ưa thích thịt nạc hơn. Lợn Chenghua thuần chủng chỉ có khoảng 40% thịt nạc. Tỉ lệ thịt nạc ở các loại lợn nhập khẩu, trong khi đó, thường trên 60%.

“Không được thị trường chấp nhận, đồng nghĩa với việc những đặc điểm độc nhất vô nhị của lợn Chenghua, như lớp da dầy, thịt mềm và ngọt, có nguy cơ biến mất vĩnh viễn trong tương lai không xa”, ông Jiang bình luận.

Theo Nhật Báo Thanh niên Trung Quốc, chính phủ nước này đã vào cuộc trước nguy cơ tuyệt chủng của giống lợn quý này. Hiện một nhóm nhân giống đặc biệt loài lợn Chenghua, với 20 lợn đực giống và 300 lợn nái, đã đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái, tại một số trang trại chăn nuôi ở Tứ Xuyên.

Trung Quốc đón năm Kỷ Hợi với… nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt giống lợn quý - 2
Nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến nhiều giống lợn hơi quý của Trung Quốc không còn được thị trường ưa chuộng

Quá trình chăn nuôi và sản xuất lợn hơi, đối với các giống lợn bản địa Trung Quốc cũng mất nhiều thời gian hơn so với các loại lợn nhập khẩu. Sự chênh lệch thậm chí là rất lớn giữa lợn bản địa (1 năm mới có thể sẵn sàng để giết mổ lấy thịt) và giống lợn nhập khẩu, hoặc lợn lai – thường chỉ 6 tháng. Giá trị sinh lợi thấp khiến đội ngũ chăn nuôi - sản xuất không còn mặn mà với những giống lợn bản địa.

Các giống lợn phương Tây - như Landrace của Đan Mạch, Duroc từ Mỹ và Yorkshire từ Anh - thường được sử dụng trong các hệ thống lai giống hướng đến việc sản xuất thịt nạc, bắt đầu thâm nhập và dần chiếm lĩnh thị trường thịt lợn của Trung Quốc từ cuối thế kỉ 20.

Từ năm 1980 đến năm 2000, số lượng lợn nái đốm lớn (Đại Hổ) ở miền nam Trung Quốc đã giảm từ 13.000 xuống chỉ còn vài trăm, theo báo cáo của tờ Nhật Báo thanh niên trung Hoa. Nhiều giống lợn khác, bao gồm Bama tỉnh Quảng Tây, Wujin từ các vùng núi Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên hay Bamei Vân Nam cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Trung Quốc đón năm Kỷ Hợi với… nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt giống lợn quý - 3
Hồi Oa Nhục - thịt lợn 2 lần chín - đặc sản Tứ Xuyên gắn liền với loại lợn Chenghua

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong số 90 giống lợn bản địa của nước này, 37 giống đang trên đà tuyệt chủng. Một số giống lợn quý, như lợn đen Longyou hay lợn Ding, thậm chí đã biến mất hoàn toàn.

Lợn bản địa không phải là vật nuôi lấy thịt duy nhất ở Trung Quốc phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên Hợp Quốc ước tính rằng vào cuối năm 2017, hơn 1/4 các loài vật nuôi ở các trang trại địa phương có nguy cơ biến mất và gần 100 giống đã tuyệt chủng từ năm 2000 đến 2014.

Các nhà nghiên cứu ở trại chăn nuôi Thành Đô mới đây tuyên bố họ đang tiến hành nhân giống một loài lợn da dày mới tương tự như giống Chenghua, một mặt vẫn đảm bảo những đặc điểm phù hợp để duy trì món “Hồi Oa Nhục”, nhưng vẫn đạt được lượng thịt nạc cũng như tốc độ tăng trưởng không thua kém các giống lợn nhập từ phương Tây.

TẦM HOAN (SHTT)

Nổi bật