Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo ba nước châu Á - Thái Bình Dương trong nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ), gồm Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison, đã có cuộc thảo luận trực tuyến đầu tiên hôm 12/3.
Tuyên bố chung sau hội nghị không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, nhưng khẳng định Bộ Tứ "thống nhất về tầm nhìn chung đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". "Chúng tôi phấn đấu vì một khu vực tự do, rộng mở, bao trùm, lành mạnh, được neo giữ bởi các giá trị dân chủ và không bị ràng buộc bởi hành vi chèn ép", tuyên bố có đoạn.
Nhóm 4 nước nhất trí ủng hộ luật pháp, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Bộ Tứ cũng cam kết thành lập nhóm phụ trách về công nghệ mới như 5G và trí tuệ nhân tạo, hợp tác chống biến đổi khí hậu, đối phó Covid-19, phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.
Toshi Yoshihara, thành viên cấp cao của Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách ở Washington, cho rằng dù tuyên bố chung không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, thông điệp gửi tới Bắc Kinh "xuất hiện ở khắp nơi trong tài liệu này".
Yoshihara nhận định thông điệp của Bộ Tứ dường như chỉ đề cập tới những gì họ ủng hộ hơn là phản đối, nhưng đằng sau ngôn từ lịch sự là một chiến lược rõ ràng.
"Cán cân sức mạnh hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là đa phương. Nếu cộng năng lực hàng hải của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, tương quan lực lượng sẽ thay đổi khá nhiều so với Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu quá rõ điều này", chuyên gia này nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại buổi họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh cũng xác nhận bốn lãnh đạo đã thảo luận về "hành vi chèn ép Australia, quấy rối quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, gây hấn ở biên giới với Ấn Độ của Trung Quốc".
"Các lãnh đạo đã bàn về thách thức mà Trung Quốc tạo ra và họ khẳng định không ai ảo tưởng về Trung Quốc, nhưng hội nghị lần này về cơ bản không tập trung vào Bắc Kinh", Sullivan nói, thêm rằng trọng tâm của hội nghị là các cuộc khủng hoảng cấp bách, như khí hậu và Covid-19.
Trên mặt trận Covid-19, nơi Bắc Kinh đang tìm cách thu hút ủng hộ từ dư luận quốc tế thông qua "ngoại giao vaccine", nhóm 4 nước cũng thông báo thiết lập "Quan hệ Đối tác Vaccine Bộ Tứ", để thúc đẩy nỗ lực chấm dứt đại dịch.
"Các lãnh đạo Bộ Tứ đang thực hiện hành động chung cần thiết để thúc đẩy sản xuất vaccine Covid-19 an toàn, hiệu quả trong năm 2021, đồng thời hợp tác để tăng cường và hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng của các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết hợp với những cơ chế đa phương hiện có gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", tuyên bố chung cho biết.
Cuộc họp thượng đỉnh 4 nước diễn ra vài ngày sau khi Biden công bố tài liệu sơ bộ về chính sách an ninh quốc gia, nhấn mạnh Washington cần phải tăng cường liên minh với các nước cùng chí hướng và xem Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất" có tiềm lực kinh tế, ngoại giao, quân sự và sức mạnh công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài đối với hệ thống quốc tế tự do và ổn định.
"Ngoại giao đã trở lại. Liên minh đã trở lại", Biden khẳng định trong tài liệu. Đây được xem là lời chỉ trích rõ ràng các chính sách của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, người đã dành phần lớn thời gian 4 năm nhiệm kỳ cáo buộc đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, không đóng góp đủ cho hoạt động quân sự chung tại khu vực.
Rorry Daniels, chuyên gia phân tích an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Ủy ban Quốc gia về Chính sách đối ngoại của Mỹ, nói tuyên bố chung của Bộ Tứ sẽ trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng thêm rằng thành công của nhóm không chắc sẽ gây tổn hại cho Bắc Kinh.
"Chỉ có Bắc Kinh mới có thể thay đổi hành vi của Bắc Kinh", Daniels nói, thêm rằng Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi nhiều từ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19 của khu vực. "Thách thức với Trung Quốc là liệu họ có muốn tuân theo hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế hay không, nhất là khi cam kết đó đi kèm với một số hạn chế về sử dụng quyền lực".
Mỗi thành viên của Bộ Tứ đều đang phải đối phó căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Biden cho đến nay vẫn giữ nguyên các lệnh trừng phạt của Trump đối với quan chức chính phủ Trung Quốc cùng các đòn thuế quan với nước này.
Tàu hải cảnh Trung Quốc gần đây thường xuất hiện tại vùng biển tranh chấp với Nhật Bản gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới vào tháng trước, cho phép lực lượng này có thể sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài mà Bắc Kinh xem là "xâm nhập lãnh hải trái phép".
Trung Quốc cũng hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm của Australia, như rượu vang, lúa mạch và than đá hồi tháng 11, giữa lúc quan hệ hai nước xấu đi vì Canberra kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19.
Cuộc đụng độ ở biên giới hồi tháng 6 khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng đã khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng trong nhiều tháng.
Biden cũng đang tìm cách xây dựng liên minh để chống lại nhiều hành động của Trung Quốc, từ thay đổi hệ thống bầu cử Hong Kong nhằm ngăn chặn ứng viên được xem không đủ yêu nước, cho tới các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tuy nhiên, chính quyền Biden chưa cắt đứt mọi liên lạc với Bắc Kinh. Sau các cuộc thảo luận của Bộ Tứ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị gặp Dương Khiết Trì, quan chức đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc và Ngoại trưởng Vương Nghị vào tuần tới ở Anchorage, Alaska. Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan hôm 12/3 mô tả cuộc gặp là cơ hội để làm rõ "các giá trị và lợi ích cơ bản" của Washington.
"Tôi không kỳ vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ là chủ đề lớn trong cuộc thảo luận tuần tới", Sullivan nói. Thay vào đó, ông cho biết cuộc gặp sẽ bàn về nhiều vấn đề chiến lược lớn hơn như Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và căng thẳng của Trung Quốc với ba thành viên còn lại của Bộ Tứ.
Sullivan thêm rằng Bộ Tứ không chỉ là liên minh quân sự mà còn là "cơ hội cho 4 nền dân chủ hợp tác và làm việc với những quốc gia khác về các vấn đề cơ bản gồm kinh tế, công nghệ, khí hậu và an ninh".
Tuy nhiên, chính quyền Biden cũng tiếp tục xây dựng quan hệ quân sự với đồng minh khác trong khu vực. Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dự kiến có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản và Hàn Quốc, trước thềm cuộc gặp với quan chức Trung Quốc ở Alaska.
"Trung Quốc sẽ là vấn đề nổi bật, nhưng tôi không cho rằng nó sẽ thống trị các cuộc thảo luận tại Tokyo và Seoul. Có rất nhiều vấn đề quan trọng khác trong quan hệ đối tác của chúng tôi với Hàn Quốc và Nhật Bản", Sung Kim, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết.
Kim nói thêm kế hoạch chuyến thăm cũng bao gồm vấn đề hợp tác chống Covid-19, biến đổi khí hậu, phối hợp về chính sách Triều Tiên, nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và luật pháp.
Giới quan sát nhận định cuộc họp thượng đỉnh và các động thái của Mỹ gần đây cho thấy Biden đang từng bước thực hiện cam kết đưa Mỹ trở lại và "xoay trục" mạnh về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để ngăn chặn ảnh hưởng từ Trung Quốc.
"Cuộc họp thượng đỉnh và những động thái sau đó chính là lời tuyên bố rằng Bộ Tứ luôn ở đây", Tanvi Madan, chuyên gia tại Viện Brookings, nói.
Theo Thanh Tâm (Vnexpress.net)