Đây là nhận định do giáo sư Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi, trong bài bình luận có tiêu đề “Bắc Kinh sao chép chiến lược Biển Đông trên dãy Himalaya” đăng trên trang web của Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) ngày 10/3.
Áp dụng chiến lược “cắt lát salami” ở Biển Đông
Ông Chellaney cho rằng, Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các ngôi làng mới dọc theo biên giới tranh chấp để mở rộng hoặc củng cố quyền kiểm soát những khu vực có vai trò quan trọng về mặt chiến lược mà Ấn Độ, Bhutan và Nepal cũng tuyên bố chủ quyền.
Mục đích của Bắc Kinh đưa người dân lên sinh sống tại vùng biên giới hoang vu, không có người ở này là nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng các cơ sở quân sự mới. Những cơ sở này bao gồm trạm tác chiến điện tử, trận địa phòng không và kho đạn ngầm.
Việc quân sự hóa các ngôi làng này đã khiến nhiều người chú ý đến chiến lược mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng sau các cuộc đụng độ tại khu vực biên giới giữa hai nước vào năm 2020.
Các cuộc đụng độ tái diễn vào tháng 5/2020 sau khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc âm thầm chiếm đong các đỉnh núi cùng nhiều địa điểm chiến lược khác dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) chạy qua khu vực Ladakh. Dù hai bên đã đạt được thỏa thuận rút quân khỏi biên giới tranh chấp vào tháng 2/2021, nhưng nguy cơ xung đột vẫn luôn tiềm ẩn.
Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng, những ngôi làng biên giới mà Trung Quốc xây dựng trên dãy Himalaya cũng giống như những hòn đảo mà Bắc Kinh cải tạo và bồi lấp trái phép ở Biển Đông theo chiến lược cắt lát salami. Nói cách khác Trung Quốc muốn vẽ lại bản đồ địa chính trị mà không cần tốn một viên đạn nào.
Trung Quốc đã đẩy mạnh chủ nghĩa bành trướng trên Biển Đông thông qua chiến lược chiến tranh lai (sự kết hợp các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, trong đó quân sự chỉ giữ vai trò thứ yếu), tạo ra một tình huống dưới ngưỡng xung đột vũ trang. Chiến lược này là sự kết hợp giữa hành vi xâm lấn dần dần (còn gọi là cắt lát salami hay tằm ăn dâu - nhằm tạo bằng chứng về sự hiện diện liên tục của Trung Quốc tại khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền) với thao túng tâm lý, tung tin giả và ngoại giao cưỡng ép.
Giờ đây, Trung Quốc đang áp dụng mô hình này tại khu vực biên giới nằm trên dãy Himalaya. SCMP trích dẫn một tài liệu của chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này đang có ý định xây dựng 624 ngôi làng tại các khu vực biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya. Với danh nghĩa “xóa đói giảm nghèo”, Trung Quốc kêu gọi những người du mục định cư tại các ngôi làng biên giới này.
Ý đồ thực sự của Trung Quốc
Theo giáo sư Brahma Chellaney, tạo ra một tranh chấp mà trước đây chưa từng tồn tại là bước đầu tiên của Trung Quốc để khẳng định yêu sách chủ quyền trước khi chiếm đóng khu vực mà họ muốn. Trung Quốc thường điều động dân quân đi tiên phong trong chiến lược này.
Giống như việc triển khai tàu đánh cá dân sự được lực lượng hải cảnh hậu thuẫn để phục vụ cho chiến lược bành trướng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc cử những người chăn thả gia súc vào các khu vực biên giới hoang vu trên dãy Himalaya trước khi triển khai quân đội, để tạo ra tình huống tranh chấp sau đó áp đặt tuyên bố chủ quyền. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp Bắc Kinh từng bước thực hiện tham vọng mở rộng lãnh thổ.
Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia được coi là có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó chứng minh được họ đã chiếm hữu, thực thi, quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách nhà nước một cách liên tục, hòa bình. Bằng việc xây dựng các làng định cư mới ở biên giới tranh chấp, Trung Quốc dường như tìm cách chứng minh rằng họ đang "kiểm soát liên tục" khu vực tranh chấp. Các cuộc tuần tra có vũ trang không chứng minh được khả năng kiểm soát lãnh thổ một cách hiệu quả, nhưng các khu định cư thì ngược lại.
Việc Trung Quốc nhanh chóng và bí mật thay đổi thực trạng trên dãy Himalay mà không quan tâm đến hậu quả về địa chính trị cũng phản ánh những toan tính khác. Chẳng hạn, sự xuất hiện của các làng biên giới sẽ khiến quân đội đối phương phải kiềm chế sử dụng vũ lực, trong khi hỗ trợ Trung Quốc thu thập thông tin tình báo và thực hiện các hoạt động xuyên biên giới.
Những hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy các ngôi làng này đang mọc lên như nấm, kèm theo đó sự mở rộng đường sá và các căn cứ quân sự. Chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây đã biện minh cho việc xây dựng một ngôi làng mới bên trong vùng lãnh thổ thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, nói rằng Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận chủ quyền của New Dehli đối với khu vực này.
Trung Quốc đã đẩy mạnh chương trình xây dựng làng biên giới sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2017 kêu gọi những người chăn thả gia súc Tây Tạng định cư ở các vùng biên giới và trở thành “những người bảo vệ lãnh thổ đất nước”. Trong bài phát biểu ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Nếu không có hòa bình ở các vùng lãnh thổ đó, sẽ không có cuộc sống hòa bình cho hàng triệu gia đình”.
Bắc Kinh chưa lường hết hậu quả
Trong bài bình luận, giáo sư Brahma Chellaney đã bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc áp dụng chiến lược cắt lát salami ở Himalaya. Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 nêu rõ, việc Trung Quốc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã “gây tổn hại nghiêm trọng môi trường sống của các rạn san hô”. Tương tự, việc Trung Quốc xây dựng làng mạc và căn cứ quân sự ở vùng biên giới có nguy cơ tàn phá hệ sinh thái vốn rất dễ tổn thương của Himalaya – nơi khởi nguồn của nhiều con sông lớn ở châu Á. Tác động tiêu cực đối với môi trường đã thể hiện rõ nét trên cao nguyên Doklam (khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc) sau khi Bắc Kinh quân sự hóa khu vực này kể từ năm 2017.
Tư lệnh lục quân Ấn Độ, Tướng Manoj Mukund Naravane gần đây tuyên bố rằng, chiến lược cắt lát salami của Trung Quốc sẽ “không hiệu quả”. Tuy nhiên, theo ông Brahma Chellaney, Ấn Độ đang phải nỗ lực rất nhiều để tìm ra cách thức hiệu quả đối phó với chiến lược này tại một trong những vùng biên giới nguy hiểm và khắc nghiệt nhất thế giới./.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)