Hãng tin Reuters hôm 2-3 dẫn lời một số quan chức trong Chính phủ Đức xác nhận kế hoạch đưa một khinh hạm (hay tàu hộ vệ tên lửa) tới châu Á vào tháng 8 tới. Trên đường về nước, con tàu sẽ đi ngang Biển Đông, đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến của Đức đi qua khu vực kể từ năm 2002.
Trước động thái trên, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3/3 cho biết: "Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp mà không bị cản trở, tự do hàng hải và các hoạt động hợp pháp khác trên biển".
"Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải mở", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trong một thông cáo ngày 3-3.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng nhanh chóng trước ý định của Berlin.
Vương Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố mọi quốc gia đều có quyền tự do đi lại trên biển và bay qua không phận ở Biển Đông. "Nhưng những điều đó không nên được sử dụng như một cái cớ để đe dọa chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển", ông Vương Văn Bân cảnh báo trong cuộc họp báo ngày 3-3.
Các quan chức Đức cho biết khinh hạm sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.
Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và gần đây nhất là Pháp đã đưa tàu chiến đến Biển Đông huấn luyện, tuần tra. Mặc dù có thể không áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, sự hiện diện của những nước này là một tín hiệu cho thấy tranh chấp Biển Đông vẫn thu hút được sự chú ý của quốc tế.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)