'Bộ tộc chiếm chỗ' ở KFC Trung Quốc: Phía sau những người đàn ông 'ăn thừa, ngủ ké', tìm mọi cách giảm bớt sự tồn tại trong mắt người xung quanh

10/09/2021 07:17:43

Câu chuyện "ăn thừa, ngủ ké" của những người đàn ông thuộc "bộ tộc chiếm chỗ" ở cửa hàng KFC Trung Quốc khiến cho nhiều người không khỏi tò mò.

Gần đây, một "bộ tộc rảnh rỗi" tập trung rất đông tại cửa hàng KFC ở tầng hầm B1 trung tâm thương mại Metro City, khu Từ Gia Hối, Thượng Hải, Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận ở đất nước tỷ dân. Theo một số cư dân mạng, những người thuộc "bộ tộc" này đa phần là đàn ông khoẻ mạnh trong độ tuổi 30-40 (tất nhiên cũng có một số người trong đó mất khả năng lao động), tuy nhiên họ không làm gì mà chỉ ăn thừa ngủ ké ở KFC. Bởi "đóng đô" suốt ở KFC, nên họ còn được gọi là "bộ tộc chiếm chỗ".

Những người đàn ông này thường ngồi nhiều tiếng đồng hồ trong cửa hàng, khi đói sẽ đi lục lọi đồ ăn thừa của khách hàng khác, còn lúc buồn ngủ sẽ tựa lưng vào ghế đánh một giấc ngon lành. Nhiều người không khỏi thắc mắc bọn họ là ai mà lại ngang nhiên chiếm chỗ như vậy?

Bộ tộc chiếm chỗ

'Bộ tộc chiếm chỗ' ở KFC Trung Quốc: Phía sau những người đàn ông 'ăn thừa, ngủ ké', tìm mọi cách giảm bớt sự tồn tại trong mắt người xung quanh

Vào khoảng gần 20h ngày 23/8, phóng viên đã đến cửa hàng KFC nằm ở tầng 1 và B1 của trung tâm thương mại Metro City để tìm hiểu về "bộ tộc" mới nổi này. Cửa hàng khá đông khách, chỗ ngồi kín tới 2/3. Ở khu vực dùng bữa tại tầng hầm B1, nhiều người tất bật bê khay đồ ăn mới nhận về chỗ ngồi, một số người khác không gọi đồ mà tự lấy lương thực mang theo ra đặt lên bàn. Nhưng thu hút sự chú ý hơn cả vẫn là những người đàn ông da ngăm đen đang lặng lẽ ngồi cạnh chiếc balo, không khó để nhận ra họ chính là người trong "bộ tộc chiếm chỗ".

Những người thuộc "bộ tộc" này thường là đàn ông trẻ hoặc trung niên. Trên mặt bàn của họ không có gì ngoài một chiếc điện thoại đang được tranh thủ sạc pin từ ổ cắm của cửa hàng. Một số người trong đó chỉ ngồi im một chỗ nhìn điện thoại, một số khác lại nhìn ngang ngó dọc, dường như đang tìm kiếm thứ gì đó.

Một người đàn ông trung niên mặc áo phông xanh đứng ngồi không yên, cứ một lúc anh ta lại đứng dậy, rời khỏi chiếc bàn dài được coi là điểm tập kết của "bộ tộc" để đi tìm đồ ăn thừa ở những bàn xung quanh. Đây có lẽ là người hoạt bát nhất trong "bộ tộc" vào buổi tối hôm đó.

'Bộ tộc chiếm chỗ' ở KFC Trung Quốc: Phía sau những người đàn ông 'ăn thừa, ngủ ké', tìm mọi cách giảm bớt sự tồn tại trong mắt người xung quanh - 1

Để không gây ảnh hưởng tới khách hàng của KFC, người đàn ông áo xanh căn đúng lúc khách vừa rời đi và nhân viên cửa hàng chưa kịp đi tới dọn dẹp. Anh ta nhanh nhẹn lục các túi giấy, lắc cốc nước... để tìm kiếm đồ ăn thừa. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ, anh ta đã nhặt nhạnh ở 5 bàn ăn khác nhau. Nhưng rất không may là mọi người đều ăn khá sạch sẽ phần ăn của mình, thế nên tất cả những gì người đàn ông áo xanh thu được chỉ là nửa cốc nước được trộn lẫn đủ loại với nhau.

Đến gần 21h, khách hàng ra vào KFC ngày càng thưa dần, vì vậy rất dễ để nhận ra những người thuộc "bộ tộc chiếm chỗ". Nhìn chung họ đều mặc quần áo cộc tay, đi giày thể thao, đem theo balo và chỉ ngồi không ở KFC.

Sau một hồi xông xáo, người đàn ông áo xanh ban nãy may mắn tìm được một bữa ăn khá thịnh soạn. Thu hoạch xong, anh ta quay về nhập hội lướt điện thoại với những người cùng "bộ tộc", tiếp tục lặng lẽ ngồi yên một chỗ.

Có lẽ vì mệt mỏi, một số người đã bắt đầu tựa vào bàn hoặc ghế để ngủ một giấc ngắn. Bọn họ cứ âm thầm làm việc riêng cho đến khoảng 23h - giờ KFC đóng cửa.

Cuộc sống của những người ăn thừa, ngủ ké

'Bộ tộc chiếm chỗ' ở KFC Trung Quốc: Phía sau những người đàn ông 'ăn thừa, ngủ ké', tìm mọi cách giảm bớt sự tồn tại trong mắt người xung quanh - 2

Tại cửa hàng KFC Metro City, dường như "bộ tộc chiếm chỗ" đã tìm được con đường sống nhất định cho mình, bởi ở đây có diện tích lớn, điều hoà đầy đủ, có chỗ sạc pin điện thoại và wifi miễn phí, hơn nữa vào lúc bình thường cũng có nhiều người rảnh rỗi tới đây ngồi không. Đôi khi, người trong "bộ tộc" sẽ tận dụng nhà vệ sinh ở KFC để lau rửa cơ thể.

Ngoài "bộ tộc chiếm chỗ", tại cửa hàng này còn đón tiếp nhiều thành phần khách hàng khác nhau, từ học sinh tới ngồi làm bài tập, thanh niên đến bàn kế hoạch khởi nghiệp, các cặp đôi đi mua sắm mệt cần tìm chỗ nghỉ chân... Nhân viên của KFC Metro City đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, cũng không can thiệp vào việc riêng của họ.

"Có khoảng 4-5 người đến ngồi ở đây trường kỳ, chúng tôi cũng không biết bọn họ muốn gì nữa." - Một nhân viên của KFC chia sẻ. Khách hàng ở đây cũng không còn xa lạ hay ngạc nhiên gì khi nhìn thấy những người thuộc "bộ tộc chiếm chỗ" ấy. Đa phần đều không cảm thấy bị họ làm phiền, thế nhưng lại rất tò mò về nguyên nhân khiến họ chỉ ngồi không một chỗ mãi như vậy.

Qua vài ngày quan sát, phóng viên nhận thấy những người thuộc "bộ tộc chiếm chỗ" hầu như không phải chi tiêu, bọn họ chỉ tận dụng đồ ăn thừa trong cửa hàng, nhẹ nhàng hành động để không gây ảnh hưởng đến khách hàng, thậm chí còn cố gắng làm mọi cách để trở nên giống một thực khách bình thường nhằm giảm bớt sự tồn tại của "bộ tộc" trong mắt mọi người.

Những người thuộc "bộ tộc chiếm chỗ" ở KFC Metro City đôi lúc cũng nói chuyện với nhau, nhưng kỳ thực mối quan hệ giữa họ không hề thân thiết.

'Bộ tộc chiếm chỗ' ở KFC Trung Quốc: Phía sau những người đàn ông 'ăn thừa, ngủ ké', tìm mọi cách giảm bớt sự tồn tại trong mắt người xung quanh - 3

Phóng viên bắt chuyện với một ông chú tự giới thiệu đến từ Cáp Nhĩ Tân, đã làm việc ở Thượng Hải được 5 năm. Ông chú tiết lộ bản thân sống bằng nghề sửa chữa đường ống nước, lắp đặt đồ gia dụng. Những lúc không phải làm việc, ông chú thường đến KFC để được sạc pin điện thoại và lên mạng miễn phí.

Ông chú sống tiết kiệm hết sức có thể: thuê chỗ ngủ với giá 20 tệ (tương đương 70,5 nghìn đồng)/ngày, đồ ăn thì đến kiếm ở những khu nhà ăn tập thể dành cho nhân viên văn phòng là dễ dàng nhất. Ông chú cho biết có thể tìm thuê chỗ ngủ trên mạng, còn công việc thì nhờ người quen hoặc thông qua trung gian, nhưng như thế thì phải trả tiền giới thiệu nên chịu không nổi.

Những người giống như ông chú kể trên thường rời khỏi KFC trước 22h để kịp bắt các phương tiện công cộng quay về chỗ ngủ. Nhưng vẫn còn không ít người trong "bộ tộc chiếm chỗ" ngồi lại KFC đến quá 22h, bọn họ chính là những người sống cảnh màn trời chiếu đất. Và người đàn ông áo xanh mà phóng viên gặp hôm trước chính là một trong số đó.

Người đàn ông này không có nhà ở, cũng chẳng có công việc, và anh ta cũng không đồng tình với chỗ ngủ 20 tệ của ông chú ở trên, bởi "quá nhiều người ở trong một căn phòng lớn, rất loạn". Hàng ngày, anh ta đi bộ khắp mọi nẻo đường và coi đó là niềm vui, tối đến thì tìm đại một chỗ để ngả lưng.

Một người đàn ông ngoại tỉnh thuộc "bộ tộc chiếm chỗ" chia sẻ, anh ta không có việc làm ổn định vì "mất căn cước công dân". Thế nhưng, khi phóng viên ngỏ ý muốn giúp anh ta tìm cách làm lại căn cước mới thì anh ta lại liên tục từ chối.

Nhiều luồng ý kiến trái chiều

'Bộ tộc chiếm chỗ' ở KFC Trung Quốc: Phía sau những người đàn ông 'ăn thừa, ngủ ké', tìm mọi cách giảm bớt sự tồn tại trong mắt người xung quanh - 4

Đây không phải lần đầu tiên "bộ tộc chiếm chỗ" thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng ở đất nước tỷ dân. Trước đó cũng từng có không ít trường hợp ăn dầm ở dề tại cửa hàng McDonald's suốt nhiều tháng trời, hoặc những người già "đóng đô" tại cửa hàng Muji hay IKEA, khiến cho cửa hàng sau đó buộc phải đưa ra các biện pháp mạnh để chỉnh đốn.

Trước những hoàn cảnh này, dư luận Trung Quốc cũng chia làm nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng "bộ tộc chiếm chỗ" sẽ gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của các cửa hàng, một số khác lại cảm thấy nên tạo điều kiện hơn cho những hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng việc dung túng cho "bộ tộc chiếm chỗ" chính là sự nhân đạo của nhân viên ở các cửa hàng...

Theo DingDang TT (Trí Thức Trẻ) 

Nổi bật