Nhân sự giới công nghệ vỡ mộng làm giàu
Khi kỹ sư phần mềm Bruce Wang nghỉ việc tại công ty giao thực phẩm Meituan vào năm ngoái, anh đã đặt ra 2 lựa chọn: trở thành nhà đầu tư Bitcoin hoặc làm việc ở công ty gia sư. Đây đều là những ngành đầy hứa hẹn, khi giá trị tiền số và cổ phiếu ngành giáo dục tư nhân đều tăng bùng nổ. Cuối cùng, Wang đã trở thành một gia sư để có công việc ổn định hơn, nhưng đây lại là một quyết định sai lầm.
Cuộc trấn áp của Bắc Kinh trong năm nay đối với cả các công ty dạy kèm và khai thác Bitcoin - cùng phần còn lại của lĩnh vực công nghệ, đã ảnh hưởng đến hàng chục triệu người. Ngoài ra, bước đi này còn định hình lại cách thức và nơi các nhân sự trẻ, đầy tham vọng trong ngành công nghệ tận dụng khả năng của họ.
Gần đây, Wang vẫn lạc quan đối với ngành gia sư. Nhu cầu đối với giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Vốn đầu tư mạo hiểm theo đó cũng ồ ạt đổ vào lĩnh vực này, giúp giá cổ phiếu tăng vọt. Cổ phiếu New Oriental và TAL Education tại New York đã tăng 50% vào năm ngoái, trong khi Gaotu Group tăng gấp đôi.
Trong bối cảnh đó, Wang đã nhận đề nghị từ một trong số họ với cơ hội sở hữu "gói" quyền chọn cổ phiếu đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc yêu cầu các công ty này hoạt động phi lợi nhuận, khối tài sản mới "chớm nở" của Wang đã biến mất chỉ sau 1 đêm.
Anh chia sẻ: "Thu nhập của tôi tăng 30% sau khi nhận công việc mới. Tôi đã sử dụng toàn bộ số tiền đó để mua cổ phiếu để có thể chốt lời vào năm sau." Wang dự đoán khoản lỗ của anh là khoảng 2 triệu tệ (310.000 USD).
Chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định đối với hoạt động khai thác Bitcoin trong năm nay, theo đó giá đồng tiền số đã giảm mạnh. Tuy nhiên, Bitcoin lại hồi phục mạnh mẽ và đang cao hơn nhiều so với giá trung bình năm ngoái.
Dịch vụ dạy thêm và tiền số chỉ là 2 trong số các "nạn nhân" của cuộc trấn áp quy định lớn đối với toàn bộ lĩnh vực công nghệ. Thị trường chứng khoán nước này đã mất hàng nghìn tỷ tệ vốn hoá, trong nỗ lực kiểm soát "sự tăng trưởng vốn bất hợp lý."
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu mạnh tay kể từ cuối năm ngoái, khi đình chỉ đợt IPO của Ant Group. Sau đó, họ tổ chức một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Ant, phạt Didi Chuxing vì có thể vi phạm bảo mật dữ liệu và yêu cầu Tencent hủy bỏ các thỏa thuận thâu tóm và quan hệ với các đối tác để độc quyền các sản phẩm âm nhạc. Ngoài ra, chính các luật và quy định mới về quản lý dữ liệu cũng được ban hành, khiến các công ty khó có thể kiếm tiền từ thu thập dữ liệu người dùng.
Công nghệ tạo cơ hội, mức thu nhập hấp dẫn cho nhiều người
Khi Alibaba niêm yết tại New York vào năm 2014, 10.000 triệu phú đã "ra đời" và đẩy giá bất động sản Hàng Châu - trụ sở của công ty. Năm 2018, thương vụ IPO của Xiaomi ở Hồng Kông đã giúp khoảng 5.500 nhân sự công ty này sở hữu số cổ phiếu trị giá khoảng 10 triệu tệ/người.
Tại Trung Quốc, công nghệ là một trong lĩnh vực mang lại cơ hội việc làm nhiều nhất. Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã tuyển dụng hàng trăm nghìn nhân sự. Riêng ByteDance đã nâng số lượng nhân viên lên tới 100.000 vào năm ngoái, hầu hết là làm việc tại đại lục.
Mức lương của lĩnh vực này cũng rất cạnh tranh, cao hơn cả ngành tài chính trong 1 vài năm trước. Năm 2010, các cử nhân có thể nhận được mức lương cao nhất nếu làm việc trong các ngân hàng, công ty chứng khoán hoặc bảo hiểm, với trung bình khoảng 3.370 tệ/tháng. Năm 2019, phần mềm và truyền thông có mức lương hậu hĩnh nhất là 6.570 tệ/tháng.
Các nền tảng như Didi và Meituan cũng mang lại nhiều cơ hội mới cho "xe ôm, tài xế công nghệ". Họ có hơn 11 triệu nhân viên giao hàng và tài xế, theo báo cáo vào tháng 8 của People’s Daily. Do đó, cuộc trấn áp của Bắc Kinh hiện đang đe dọa cơ hội việc làm của một trong những ngành có lực lượng lao động trẻ nhất. Trong khi đó, quốc gia này sẽ chứng kiến 9 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
Các nhân sự tại Big Tech đang lo lắng hơn khi họ già đi trong viễn cảnh những người từ 35 tuổi sẽ bị cho thôi việc. Một số người đang chuyển sang làm công việc dân sự, với mức lương thấp nhưng vị trí ổn định hơn. Năm 2020, hơn 1,5 triệu người đã đăng ký tham gia kỳ thi công chức để cạnh tranh vào 1 vị trí, con số này cao hơn 110.000 người so với năm trước.
Tháng 8, Wang quyết định nghỉ việc vì cổ phiếu ngành dịch vụ gia sư ít có cơ hội tăng trở lại. Ngoài ra, anh dự đoán công ty cũng không sớm nộp đơn phá sản. Tuy nhiên, Wang vẫn không muốn là công chức vì muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ.
Doanh thu của các gã khổng lồ công nghệ đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc trấn áp mới của Bắc Kinh. Một cựu nhân viên của ByteDance đã hối hận vì đổi toàn bộ tiền thưởng hàng năm lấy quyền chọn cổ phiếu vào đầu năm nay, trong khi công ty đang phải tạm hoãn đợt IPO.
Người này chia sẻ: "Nếu chương trình đổi cổ phiếu diễn ra sau vụ của Didi, tôi đã không mua cổ phiếu với mức giá 126 USD. Tôi rời công ty vì 3 lý do: muốn thay đổi môi trường và công việc, tốc độ làm việc chậm hơn và khối lượng công việc ít hơn."
Song, một số nhân viên ngành này lại ưa thích công việc này và những áp lực từ đó. Một nhân viên của Tencent đã làm việc trong 7 năm cho biết, gần đây cô bận rộn hơn rất nhiều.
Cô thường làm việc đến 10 giờ tối và thi thoảng làm việc cả cuối tuần ngay cả khi không được trả lương tăng ca. Dù khối lượng công việc lớn, nhưng cô lại không muốn "nhảy việc" vì mức lương cạnh tranh và cơ hội học hỏi tại đây. Dù cổ phiếu Tencent lao dốc "thảm" trong thời gian gần đây, cô lại không lo lắng nhiều về sự biến động đó.
Theo Chi Lan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)