Bi kịch trong lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc: Từ cậu bé 'đệ nhất thần đồng', 10 tuổi đỗ ĐH, 17 tuổi làm giảng viên đến kẻ mất phương hướng, sớm tìm lối thoát nơi cửa Phật

10/09/2021 06:12:57

“Nếu được chọn lại tôi sẽ không bao giờ tham gia lò đào tạo thiên tài nữa. Bởi chính nó đã gián tiếp đẩy cuộc đời tôi đi vào bế tắc”. Ninh Bạc, người một thời được cả Trung Quốc thừa nhận là "đệ nhất thần đồng" nhưng nay lại chọn cửa Phật làm chốn nương thân.

Lò đào tạo thiên tài hay Lớp học thần đồng là một dự án được thành lập lần đầu vào năm 1978 tại Đại học Khoa học và Công nghệ tỉnh An Huy, Trung Quốc. Mục đích để chọn sinh viên trẻ tài năng vào các trường đại học.

Dự án này đã thành công rực rỡ khi đào tạo ra nhiều người tài cho xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chôn vùi tuổi thơ của nhiều thiên tài, khiến họ gặp cú sốc tâm lý lớn và có bước trượt dài. Chỉ tập trung vào việc học và không được tham gia các hoạt động vui chơi, cũng như không được rèn luyện các kỹ năng sống đã khiến những thần đồng gặp phải nhiều bi kịch.

Bi kịch trong lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc: Từ cậu bé 'đệ nhất thần đồng', 10 tuổi đỗ ĐH, 17 tuổi làm giảng viên đến kẻ mất phương hướng, sớm tìm lối thoát nơi cửa Phật
Lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc. Ảnh: NetEast163

Mỗi năm, trên thế giới có rất nhiều trẻ em dưới 15 tuổi trở thành sinh viên đại học. Dư luận xã hội ngay lập tức gán cho những sinh viên nhí này nhãn hiệu "thần đồng". Không ít bi kịch đã bắt đầu từ đây...

Đệ nhất thần đồng cùng tài năng kinh động Phó Thủ tướng

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Giang Tây, Trung Quốc, Ninh Bạc (1965) ngay từ nhỏ đã bộc lộ tài năng phi thường, trí nhớ tuyệt vời và có thể học mà không cần thầy dạy. Năm 2 tuổi, Ninh Bạc đã đọc thuộc lòng hơn 30 bài thơ trong tuyển tập thơ Mao Trạch Đông; năm 3 tuổi, ông phân biệt được các con số từ 1 đến 100; năm 4 tuổi đã biết hơn 400 chữ Hán.

Nhờ trí thông minh vượt trội, Ninh được cha mẹ cho đi học sớm khi mới 5 tuổi. Điều này đã giúp cho ông tích lũy kiến ​​thức sâu rộng và mở mang tầm nhìn của mình. Một năm sau đó, ông bắt đầu say mê đọc cuốn "Khái luận về Trung y học" và những sách nói về thảo dược dành cho sinh viên Đại học Y.

Khả năng "phân tâm nhị dụng" của Ninh cũng được báo chí nhiều lần thử nghiệm và công nhận: 8 tuổi đã có thể vừa đánh cờ vây vừa đọc vanh vách các chương trong truyện Thủy Hử. Ninh Bạc cũng biết ngâm thơ, làm thơ khi 9 tuổi. Không làm mọi người thất vọng, năm 10 tuổi, ông được nhận vào Đại học Khoa học và Công Nghệ Quốc gia Trung Quốc.

Lịch sử Trung Quốc ghi nhận thiếu niên đầu tiên được đặc cách vào đại học khi mới 10 tuổi là Ninh Bạc. 12 tuổi thắng 2 ván cờ vây với Phó thủ tướng Trung Quốc, Phương Nghị. Ninh Bạc khi đó là hiện tượng phủ sóng khắp các mặt báo. Mọi người tôn sùng gọi ông là "thần đồng của các thần đồng".

Bi kịch trong lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc: Từ cậu bé 'đệ nhất thần đồng', 10 tuổi đỗ ĐH, 17 tuổi làm giảng viên đến kẻ mất phương hướng, sớm tìm lối thoát nơi cửa Phật - 1
Ninh Bạc chơi cờ cùng Phó Thủ tướng. Ảnh: Sohu

Cuộc đời ngang trái – Bi kịch bắt đầu

Trong năm đại học thứ 2, Ninh Bạc được một giáo sư là người bạn của cha mình giới thiệu với Phó Thủ tướng Phương Nghị, cũng là chủ tịch của Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc. Lúc đó, Phó Thủ tướng đang chuẩn bị thành lập một lớp học dành cho những người trẻ tài năng trên toàn quốc. Ninh Bạc đã tham gia bài kiểm tra và đạt được điểm số rất cao.  

Năm 1978, Ninh Bạc là một trong 21 thiếu niên toàn Trung Quốc được chọn vào lò đào tạo thiên tài. Trong lớp này, người lớn nhất 16 tuổi còn người nhỏ nhất chỉ mới 11 tuổi. Những học viên ưu tú nhất của lớp gồm Ninh Bạc, Tạ Nhiêm Bác và Tiền Chính.

Bi kịch trong lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc: Từ cậu bé 'đệ nhất thần đồng', 10 tuổi đỗ ĐH, 17 tuổi làm giảng viên đến kẻ mất phương hướng, sớm tìm lối thoát nơi cửa Phật - 2
Ninh Bạc từ nhỏ đã rất giỏi toán, ngoan ngoãn, đúng chuẩn "con nhà người ta" trong truyền thuyết. Ảnh: NetEast163

Hình tượng Ninh Bạc được tô vẽ hết sức tốt đẹp, đến mức người ta gọi ông là "Thần đồng hoàn hảo". Báo chí khắp các tỉnh Trung Quốc viết về ông, còn tại các gia đình, người ta rất hay nói với con cái: "Hãy học tập Ninh Bạc kìa".

Sau này, tuy Ninh Bạc từ chối nói về bức thư được cho là đã thay đổi cuộc đời ông, nhưng vị giáo sư từng thừa nhận trên mặt báo: "Tôi rất đau khổ vì lá thư ấy. Nếu để Ninh Bạc học xong cấp 3 rồi thi đại học như những học sinh khác, có lẽ cậu ấy đã không phải đi tu".

Con đường chông gai

Tuy hào quang là vậy nhưng đường đời của Ninh lại không xán lạn như mọi người tưởng tượng. Khi vào lò đào tạo thiên tài, Ninh không hạnh phúc và luôn cảm thấy có áp lực vô hình đè nặng lên vai.

Ninh thậm chí phải học môn mình ghét là Vật Lý. Ông từng muốn đến Nam Kinh học Thiên văn học nhưng nhà trường không đồng ý. Họ ép Ninh sống theo khuôn mẫu, sống vì mọi người, vì nhà trường, xã hội chứ không được tự do theo ý mình. Nhà trường nói với Ninh: "Em là tấm gương cho trẻ em và thanh thiếu niên trong nước. Hãy ngoan ngoãn và làm gương tốt".

Bi kịch trong lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc: Từ cậu bé 'đệ nhất thần đồng', 10 tuổi đỗ ĐH, 17 tuổi làm giảng viên đến kẻ mất phương hướng, sớm tìm lối thoát nơi cửa Phật - 3
Ninh Bạc khi trưởng thành. Ảnh: Sohu

Vì quá trình trưởng thành của Ninh Bạc khác với bạn bè cùng trang lứa nên ông có những hành vi kỳ lạ và khác biệt về thể chất so với những người xung quanh. Ninh Bạc được nhận vào lớp xuất sắc của Đại học, nhưng việc học của ông ở trường lại không tốt, thậm chí còn trượt một số môn. Có lẽ chính áp lực từ những người xung quanh và những thất bại trong học tập đã khiến Ninh Bạc ngày càng không thích chuyên ngành của mình tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Năm 1982, Ninh Bạc tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường giảng dạy, báo chí Trung Quốc gọi ông với cái tên "giảng viên trẻ nhất Trung Quốc". Ít lâu sau khi làm giảng viên, Ninh Bạc bắt đầu có những biểu hiện lạ thường. Ông ba lần đăng ký thi nghiên cứu sinh, nhưng cả ba lần đều bỏ cuộc khi đặt chân đến cửa phòng thi. Giám thị phòng thi đi tìm thì thấy ông đang trốn ở phía sau cửa ký túc xá. Giám thị này túm lấy cổ áo Ninh Bạc bắt làm bài thi, ông nói nếu tiếp tục ép buộc ông sẽ nhảy xuống đất.

Cuối cùng, trong một cuộc phỏng vấn năm 34 tuổi, Ninh Bạc đã công khai chỉ trích lò đào tạo thiên tài và nhấn mạnh: "Tôi không phải thần đồng. Tôi chỉ là một sản phẩm của thời đại. Nếu tuổi trẻ có thể quay lại, tôi sẽ không bao giờ vào lò đào tạo này nữa".

Sau này, Ninh Bạc chuyển sang nghiên cứu chiêm tinh học và dành nhiều thời gian cho triết học, tôn giáo. Hôn nhân không hạnh phúc, ông dành hết thời gian học khí công, ăn chay và dần tách mình khỏi xã hội. 

Tìm lối thoát cho bản thân- nương nhờ nơi cửa Phật

Bi kịch trong lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc: Từ cậu bé 'đệ nhất thần đồng', 10 tuổi đỗ ĐH, 17 tuổi làm giảng viên đến kẻ mất phương hướng, sớm tìm lối thoát nơi cửa Phật - 4
Đệ nhất thần đồng Trung Quốc tìm lối thoát nơi cửa Phất. Ảnh: NetEast163

Kỳ vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Do không tạo ra kỳ tích nên mọi người không còn kỳ vọng vào thiên tài này nữa. Họ còn bắt đầu nghi ngờ tài năng của ông.

Ở tuổi 38, Ninh Bạc quyết định đi tu ở núi Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Có thể nói, Ninh Bạc là một trường hợp "giành chiến thắng ở vạch xuất phát nhưng không thể nở nụ cười ở vạch đích".

Trở thành đệ tử Phật gia, Ninh Bạc cuối cùng cũng đạt được ước nguyện của mình. Nhìn lại cuộc đời của ông, ai cũng xót xa cho sự vô thường của thế gian. Đối với mọi người, sự sa ngã của một đứa trẻ thần đồng là điều đáng tiếc. Đối với Ninh Bạc, việc trở nên nổi tiếng khi còn trẻ giống như một chiếc cùm đã giam cầm cuộc đời.

Theo điều tra của tờ Thẩm Dương ngày nay, chính sự gượng ép trong nền giáo dục Trung Quốc, cụ thể là Đại học Khoa học kỹ thuật nước này đã đẩy thần đồng đi quá "giới hạn chịu đựng của một con người".

Trả lời trong một buổi phỏng vấn, "đệ nhất thần đồng" năm xưa cho biết: "Tôi đã nghiên cứu Phật pháp để giải quyết những ưu tư trong đời sống cá nhân mình. Đó là những điều tôi phải chịu đựng suốt những năm tháng tuổi trẻ, và phải mất nhiều năm mới tìm ra câu trả lời".

Khi than thở, chúng ta nên hoạch định cuộc sống của chính mình. Khi gặp áp lực và thất bại, chúng ta nên dũng cảm đối mặt và lựa chọn cuộc sống cho bản thân. Chúng ta là người bình thường, không có tài năng như Ninh Bạc. Do vậy, chúng ta cần làm việc chăm chỉ, cố gắng hết sức mình để bù đắp những điểm yếu và tạo ra cuộc sống rực rỡ. Hy vọng tấm gương của Ninh Bạc sẽ là bài học quý báu giúp mọi người đối mặt với tương lai và vững tin vào sự lựa chọn của bản thân.

Theo Mai Ngọc (Trí Thức Trẻ)