Bí mật phía sau cái chết của Từ Hi Thái hậu
Tháng 9 năm 1908, Hoàng đế Quang Tự băng hà. Từ Hi Thái hậu lập Phổ Nghi làm tân đế. Ai cũng nghĩ rằng vị nữ hoàng không ngai vàng này sẽ tiếp tục nắm quyền, với thân phận Thái hoàng thái hậu, tiếp tục tác oai tác quái ở triều đình nhà Thanh. Thế nhưng, một ngày sau khi Phổ Nghi đăng cơ, bà cũng đột ngột qua đời.
Sự trùng hợp về thời gian này khiến người ta không khỏi nghi ngờ về cái chết của Từ Hi. Tuy nhiên, do lúc bấy giờ nhà Thanh vẫn còn, không ai dám công khai bàn luận. Mãi đến năm 1912, sau khi nhà Thanh sụp đổ, người ta mới dám đưa chuyện này ra ánh sáng. Đặc biệt là chị gái của Lý Liên Anh, trước những câu hỏi của mọi người, bà thẳng thắn nói: "Từ Hi Thái hậu không phải chết vì bệnh!".
Ở thời đại đó, 74 tuổi được coi là thọ. Nhưng khi hay tin Từ Hi qua đời, mọi người đều tỏ ra kỳ lạ. Bởi chỉ một ngày trước đó, Hoàng đế Quang Tự vừa băng hà, tân đế lên ngôi chưa được một ngày. Tại sao thời điểm Từ Hi qua đời lại trùng hợp như vậy? Hàng loạt sự trùng hợp khiến người ta không thể không nghi ngờ.
Ai là hung thủ?
Theo ghi chép trong "Thanh sử cảo", Từ Hi thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến tình trạng tiêu chảy triền miên. Việc ăn uống quá độ những món sơn hào hải vị đã khiến hệ tiêu hóa của bà bị quá tải. Tình trạng này khiến cơ thể bà suy nhược dần, dù có bao nhiêu thái y giỏi cũng đành bó tay. Nếu chứng tiêu chảy là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng hơn như viêm nhiễm đường ruột hay ung thư, thì cái chết của Từ Hi càng trở nên bí ẩn. Năm Quang Tự thứ 34 (1908), bệnh tình của Từ Hi trở nặng và bà qua đời.
Nhưng nhiều lời đồn đại lan truyền trong dân gian là bà bị đầu độc. Lời đồn này không phải là không có căn cứ. Khi nghiên cứu hài cốt của Từ Hi và hoàng đế Quang Tự, các nhà khoa học cũng tìm thấy một số chất độc. Tất cả những điều này dường như đủ để chứng minh Từ Hi có khả năng bị ám sát. Nhưng nếu bà chết vì bị đầu độc, thì ai là hung thủ? Cần phải biết rằng, vào thời điểm đó, Từ Hi là người nắm quyền tuyệt đối, ai gặp bà cũng phải kiêng dè.
Mặc dù khi còn sống thường xuyên xảy ra xung đột, nhưng sau khi chết, cả Từ Hi Thái hậu và Hoàng đế Quang Tự đều phải đối mặt với những nghi ngờ của người đời về nguyên nhân cái chết của mình. Mâu thuẫn giữa Quang Tự và Từ Hi đã có từ lâu, sự bất hòa giữa hai người cũng là điều ai cũng thấy. Khi mới lên ngôi, Quang Tự tuy có danh hiệu hoàng đế nhưng không có quyền lực, mọi việc triều chính đều phải nghe theo sự chỉ đạo của Từ Hi Thái hậu.
Theo thời gian, Quang Tự dần trưởng thành, đương nhiên sẽ không cam chịu hiện trạng. Ông bắt đầu cố ý chống lại ý kiến của Từ Hi Thái hậu, cố gắng giành lấy quyền lực thuộc về mình. Biến pháp canh tân chính là minh chứng cho cuộc đấu tranh giữa ông và Từ Hi. Nhưng nền móng của Quang Tự không vững chắc như Từ Hi, không nằm ngoài dự đoán, ông đã thất bại, thậm chí mất hoàn toàn tự do. Không khó để tưởng tượng Từ Hi sẽ làm gì với kẻ thua cuộc trong cuộc đấu tranh quyền lực này. Có lẽ khi bệnh nặng, Từ Hi đã nghĩ đến vị hoàng đế từng chống đối mình. Vì không cam tâm giao quyền lực vào tay ông, bà đã chọn cách đầu độc Quang Tự, cùng ông xuống suối vàng.
Lý Liên Anh - Kẻ thân tín hay kẻ thù giấu mặt?
Tất nhiên, đây chỉ là một giả thuyết trong dân gian. Bề ngoài, Từ Hi chết vì bệnh nặng, điều này khiến người ta băn khoăn, bởi ngày thường Từ Hi rất chú trọng dưỡng sinh, lẽ ra không dễ mắc bệnh nặng. Vì vậy, có người cho rằng Từ Hi bị người ta lén bỏ độc, nên mới lâm bệnh nặng. Theo lời chị gái của Lý Liên Anh, em trai bà từng nói với bà rằng Từ Hi Thái hậu đã dùng quá nhiều thuốc độc mãn tính, nên mới có biểu hiện cơ thể suy nhược. Khi phát hiện ra vấn đề thì đã quá muộn, không thể cứu chữa được nữa.
Vì Lý Liên Anh là người thân cận của Từ Hi Thái hậu, chị gái của Lý Liên Anh cũng là cung nữ bên cạnh Từ Hi Thái hậu, nên những gì bà nói ra cũng không phải là không đáng tin cậy. Có lẽ đúng như lời bà nói, Từ Hi đã bị người ta đầu độc. Nhưng điều này lại dẫn đến một câu hỏi khác, đó là ai dám ra tay độc ác với Từ Hi?
Vào thời điểm đó, những người muốn trừ khử Từ Hi trong nước không phải là ít, nhưng cần phải biết rằng những người phụ trách cuộc sống hàng ngày của Từ Hi rất nhiều, nếu không cẩn thận, việc đầu độc sẽ bị bại lộ. Dựa vào đó suy luận ngược lại, một điều kỳ lạ đã xảy ra: Lý Liên Anh, người được Từ Hi coi là tâm phúc, lại là người đáng ngờ nhất.
Lý Liên Anh đứng bên cạnh Từ Hi Thái hậu luôn được coi là tâm phúc của bà. Hơn nữa, với tư cách là một đại thái giám, quyền lực của Lý Liên Anh hầu như đều đến từ Từ Hi Thái hậu. Việc một người như vậy lại ra tay với Từ Hi, quả thực khiến người ta khó hiểu. Tuy nhiên, nếu nói Lý Liên Anh làm vậy là để tranh giành quyền lực lớn hơn, thì cũng không phải là không có khả năng. Suy cho cùng, việc ông cam tâm tình nguyện hầu hạ bên cạnh một Từ Hi Thái hậu tính khí thất thường, cũng là vì quyền lực có thể khiến ông đứng trên vạn người.
Từ Hi Thái hậu có thực sự bị đầu độc không? Cũng không hẳn như vậy. Trên thực tế, mặc dù các học giả đã tìm thấy một lượng độc tố nhất định trong cơ thể Từ Hi Thái hậu, nhưng lượng độc tố này không nhiều. "Thuốc nào cũng có ba phần độc", những độc tố này rất có thể đã xâm nhập vào cơ thể Từ Hi Thái hậu cùng với thuốc. Hơn nữa, so với việc chết vì bị đầu độc, Từ Hi Thái hậu có nhiều khả năng chết vì bệnh đường ruột. Đối với người hiện đại, bệnh đường ruột không phải là bệnh nặng, chỉ cần uống thuốc kịp thời là có thể khỏi. Nhưng trong quá khứ, đó là căn bệnh có thể gây tử vong.
Thường ngày, với thân phận Thái Hậu và sở thích xa hoa, Từ Hi ăn toàn sơn hào hải vị, ít khi vận động. Hơn nữa, với tư cách là người cai trị triều đình nhà Thanh, để có thể nắm giữ quyền lực trong tay, bà còn phải chịu áp lực rất lớn từ triều chính. Lâu dần, việc bà mắc bệnh đường ruột cũng không có gì lạ. Bệnh lâu ngày thành bệnh mãn tính, dù được các ngự y tận tình cứu chữa, nhưng bệnh trong người Từ Hi cũng khó mà chữa khỏi. Hơn nữa, tuổi bà đã cao, các thái y không dám dùng những phương pháp có hiệu quả nhanh chóng. Nhiều yếu tố kết hợp lại đã dẫn đến cái chết của Từ Hi Thái hậu, điều này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dù là giả thuyết nào, suy cho cùng cũng chỉ là suy đoán của hậu thế.
Theo Nguyệt Phạm (Nguoiduatin.vn)