Bí ẩn ngôi làng bị 'bệnh ngủ li bì' tấn công suốt nhiều năm

21/12/2018 11:16:02

Tại ngôi làng ở Kalachi, miền Bắc Kazakhstan, nhiều người bất ngờ rơi vào trạng thái ngủ mê man nhiều ngày và sau mỗi lần như vậy trí nhớ họ bị giảm sút.

Kalachi - một ngôi làng nằm giữa thảo nguyên phía Bắc Kazakhstan đã trở thành một trong những địa điểm kỳ lạ nhất thế giới khi liên tiếp nhiều người dân của thị trấn này đột nhiên “ngủ thiếp đi” bất kể lúc nào.

Bí ẩn ngôi làng bị 'bệnh ngủ li bì' tấn công suốt nhiều năm
Người dân trong làng lúc nào cũng trong trạng thái buồn ngủ và có thể thiếp đi bất kỳ lúc nào không kiểm soát được. Ảnh: News.

Các bác sĩ nhận định, chứng ngủ gà gật bất thường có khả năng do sự dư thừa quá mức dịch trong bộ não. Tuy nhiên, họ hiện vẫn chưa thể xác định được căn nguyên của hiện tượng này.

Căn bệnh lạ đã tấn công các cư dân của ngôi làng Kalachi suốt nhiều năm. Tình trạng ngày càng trầm trọng, với gần 14% trong tổng số 600 cư dân của làng, cả trẻ em và người lớn, bị rối loạn giấc ngủ kỳ quặc như vậy.

Ngoài việc ngủ lơ mơ nhiều ngày liên tục, những người này thông báo họ còn cảm thấy hoa mắt chóng mặt, không thể đứng vững, mệt mỏi và gặp các vấn đề về trí nhớ. Một số thậm chí còn bị ảo giác nặng nề.

Một người đàn ông (vốn có tiếng là cực kỳ lịch sự) sau khi thức dậy bỗng nhiên quát mắng các nữ y tá là "gái điếm". Một người đàn ông khác, sau khi hồi tỉnh đã nhảy vội xuống giường và đưa tay chào theo kiểu Đức Quốc xã với tiếng hô "Heil Hitler" với các bác sĩ. Có một cụ già 60 tuổi tỉnh dậy tưởng mình là con gà trống nên vỗ hai tay mà gáy! Một số người khác cảm thấy mình là xác sống.

Nhiều người nài nỉ các bác sĩ cho họ đi bộ và một người đàn ông chỉ muốn mặc tã lót của bệnh viện. Trẻ con thì lên cơn mê sảng và nói nhìn thấy quái vật hay con mắt to tướng trên trán của mẹ chúng. Cậu bé 13 tuổi tên là Misha Plyukhin nhìn thấy nhiều bóng đèn và con ngựa bay xung quanh mình.

Các chuyên gia xác định, dân làng Kalachi có thể bị mắc một căn bệnh não chưa rõ nguyên nhân. Kết quả chiếu chụp hé lộ, nhiều người trong số họ dư thừa dịch quá mức trong bộ não – chứng phù não lan tỏa, nhưng không có biểu hiện suy thoái thần kinh. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn e sợ, chứng phù não lan tỏa kéo dài có thể gây ra những hậu quả dài hạn đối với sự phát triển thần kinh của bộ não trẻ em.

Vì mắc phải chứng bệnh kỳ quái này, nhiều em phải nghỉ học ở trường và nhiều người dân đã bỏ đi khỏi ngôi làng "ma ám" này.

Các nhà khoa học nói gì?

Bí ẩn ngôi làng bị 'bệnh ngủ li bì' tấn công suốt nhiều năm - 1
Bảng cảnh báo phóng xạ cấm người dân đến gần các khu mỏ uranium. Ảnh: AP

Các nhóm nhà khoa học đầu tiên xuất hiện tại làng Kalachi và chỉ từ tháng 4/2014, họ mới bắt đầu thường xuyên làm việc ở đây. Nhiều chuyên gia từng làm việc tại bãi thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô ở Semipalatinsk miền Bắc Kazakhstan. Tuy nhiên, người dân địa phương tỏ ý nghi ngờ khi không có một nhà khoa học nào bị bệnh ngủ bí ẩn tấn công.

Một nhà khoa học từ chối tiết lộ danh tính cho biết: "Năm 2014, các đồng nghiệp của chúng tôi đi đến từng ngôi nhà trong làng, thu thập mọi chỉ số phóng xạ cũng như thông tin về những người mắc bệnh và những người không mắc bệnh để biết họ mắc bệnh khi nào và như thế nào, bước vào những con đường mà mọi người đều phải đi qua để vào làng".

Một số căn nhà có chỉ số khí phóng xạ radon cao hơn nhưng không bị bệnh ngủ tấn công. Trong khi đó, một số căn nhà khác có chỉ số khí phòng xạ thấp hơn lại bị bệnh ngủ. Hiện nay, mặc dù mọi kiểm tra đều được thực hiện đầy đủ nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải cho căn bệnh ngủ quái ác.

Bà Olga Polezhayeva, 47 tuổi, kỹ sư  của Viện Thí nghiệm sinh thái Kazakh Stan cho biết: "Chúng tôi bắt đầu làm việc tại làng Kalachi từ tháng 12/2013. Mỗi tháng, chúng tôi có mặt ở đây 10 ngày để thu thập các mẫu nitrogen oxide, nitrogen dioxide, formaldehyde, sulphur, ammonia, carbon monoxide, hydrocarbon. Chúng tôi lấy mẫu đều đặn vào mỗi buổi sáng. Nhưng, mọi kết quả đều bình thường.

Lần đầu tiên khi đến ngôi làng, chúng tôi sợ hãi đến mức không dám đụng chạm vào bất cứ thứ gì, và gần như không dám thở mạnh. Bởi khi không biết cái gì có thể tấn công mình thì đương nhiên người ta sẽ cảm thấy lúng túng. Chúng tôi mang theo nước uống và thức ăn riêng, nhưng còn không khí thì sao đây? Tôi nhìn thấy người dân địa phương đã quá mệt mỏi vì chưa tìm được căn nguyên của bệnh ngủ".

Nhà khoa học Nga Leonid Rikhvanov, giáo sư Đại học Bách khoa Tomsk, cho rằng ông biết căn nguyên bệnh ngủ mặc dù không được chính quyền Kazakhstan mời đến ngôi làng Kalachi. Ông khẳng định: "Khi các mỏ uranium bị bỏ hoang, nước sẽ lắp đầy chúng. Khí radon cùng với các khí trơ khác sinh ra do phân rã uranium và  phát tán lên mặt đất qua những vết nứt".

Tuy nhiên, các thợ mỏ từng làm việc tại đây không bị bệnh tấn công. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, mức phóng xạ ở làng Kalachi cũng như tại thị trấn Krasnogorsk lân cận (vốn từng là một nơi sầm uất nhưng hiện là thị trấn hoang vắng, bao quanh vùng mỏ bỏ hoang) không có gì bất thường so với khu vực xung quanh.

Bí ẩn ngôi làng bị 'bệnh ngủ li bì' tấn công suốt nhiều năm - 2
Thành phố ma Krasnogorsj. Ảnh: The Siberian Times

Sergei Lukashenko, Giám đốc Viện Sinh thái và An toàn phóng xạ trực thuộc Trung tâm Hạt nhân Quốc gia Kazakhstan, phát biểu: "Tôi khẳng định nguyên do không phải khí radon. Carbon monoxide chắc chắn là một yếu tố nhưng tôi không nói chắc đây có phải là yếu tố chính và quan trọng hay không. Độ tập trung carbon monoxide tối đa cho phép ở Kazakhstan là 5mg/m3, trong khi độ tập trung carbon monoxide tại những ngôi nhà có người mắc bệnh ngủ là cao hơn 10 lần. Do đó, yếu tố này rất đáng nghi ngờ".

Carbon monoxide là một chất khí không màu, không mùi, không vị, độc hại và là "sản phẩm" tạo ra từ uranium. Chỉ cần một lượng nhỏ chất này cũng đủ để làm gián đoạn việc oxy đưa lên não của một người.

Claude Piantadosi - một chuyên gia về phổi tại Trung tâm y tế Đại học Duke (Mỹ) cho biết: "Khí này có thể đẩy con người vào giấc ngủ mơ, sau đó thiếp đi trong nhiều giờ".

Trong khi bức màn bí ẩn về ngôi làng ngủ đang tiếp tục được các nhà khoa học vén lên thì chính quyền cho biết, họ đã sơ tán người dân ra khỏi khu vực Kalachi và Krasnogorsk.

Theo Nguyễn Quỳnh (Đời sống & Pháp luật)

Nổi bật