Cơ sở nói trên là nơi đã xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân sau thảm họa động đất, sóng thần ở vùng đông bắc Nhật hồi tháng 3.2011. Thanh niên Việt cho tờ Nikkei Asian Review hay anh muốn đến Nhật làm việc sau khi đọc áp phích tại Việt Nam quảng cáo rằng “có thể kiếm được 150.000 yen (hơn 32 triệu đồng)” theo chương trình thực tập sinh kỹ năng ở nước này.
Anh đến Nhật hồi tháng 9.2015 và hợp đồng ghi rõ là sẽ làm việc tại một công ty xây dựng ở tỉnh Iwate liên quan đến “máy móc, tháo dỡ và kỹ thuật dân sự”. Tuy nhiên trên thực tế, anh lại bị điều đến dọn dẹp, xúc bỏ đất nhiễm xạ tại thành phố Koriyama thuộc tỉnh Fukushima từ tháng10.2015-3.2016. Ngoài ra, anh cũng phải tham gia dỡ bỏ các tòa nhà trong thị trấn Kawamata trước khi lệnh cấm tiếp cận khu vực bị nhiễm xạ cao này được dỡ bỏ.
Điều đáng chú ý khác là thù lao người này nhận được chỉ có 2.000 yen (gần 430.000 đồng)/ngày, chưa bằng 1/3 mức tiêu chuẩn của Bộ Môi trường Nhật, bên cạnh lương hằng tháng (hơn 32 triệu đồng) dành cho thực tập sinh kỹ năng.
Khi yêu cầu công ty giải thích, thực tập sinh Việt được trả lời: “Nếu sợ, thì hãy trở về Việt Nam”. Lúc đó, anh đang phải kiếm tiền trả nợ vì đã vay mượn gần 215 triệu đồng để trả khoản phí hơn 340 triệu đồng cho một công ty môi giới Việt Nam nên tiếp tục chịu đựng.
Tuy nhiên, vì lo sợ nguy cơ đối với sức khỏe nên đến tháng 11.2017, anh quyết định nghỉ việc. “Nếu biết đây là công việc khử nhiễm xạ thì tôi đã không tới Nhật. Tôi lo lắng việc này có thể gây ảnh hưởng tới bản thân và con cái sau này”, Đài NHK dẫn lời thực tập sinh Việt than thở. Đây là trường hợp đầu tiên một thực tập sinh nước ngoài phải làm công việc tẩy xạ tại Nhật.
Chủ tịch công ty xây dựng ở Iwate thừa nhận đã giao việc khử nhiễm xạ cho thực tập sinh người Việt nhưng phủ nhận đây là một vụ lừa đảo. Theo ông này, anh “được giao những nhiệm vụ tương tự các đồng nghiệp người Nhật và không gặp nguy cơ nào về sức khỏe”.
Trong khi đó, Cục Nhập cư thuộc Bộ Tư pháp Nhật ra thông cáo khẳng định công việc khử nhiễm xạ không phù hợp với mục đích của chương trình thực tập sinh kỹ năng và nhấn mạnh nếu nội dung đào tạo khác với chương trình thì đó là “hành vi phạm pháp”. Bô Tư pháp Nhật cũng đã bắt tay điều tra vụ việc.
Theo Văn Khoa (Thanh Niên Online)