Theo những người dân ở xã Đa Lộc, xã có hơn 400ha rừng phòng hộ, kéo dài hơn 5km dọc bờ biển.
Thực trạng đổ rác thải ra bờ biển diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, lượng rác lớn được cuốn trôi ra sông, biển đã bám vào rừng sú, vẹt khiến những loại cây này bị ảnh hưởng môi sinh.
“Mỗi lần thủy triều lên thì khu rừng này lại ngập rác từ biển, cửa sông vào bờ. Khi nước thủy triều rút, rác dính lại trên các cành cây. Không những thế, dọc bờ kè cũng có một lượng lớn đủ các loại rác sinh hoạt chất đống” - người dân phản ánh.
Cả một rừng sú, vẹt khoác trên mình đủ những loại túi bóng, ni lông. Rác thải bám trên các cành cây còn nhiều hơn lá.
Vấn nạn rất khó xử lý?
Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, hiện tượng rác thải ven biển đang là vấn nạn đối với địa phương.
Để xử lý được tình trạng này cần rất nhiều giải pháp, trước hết là cần sự chung tay của cộng đồng.
Theo ông Đỉnh, số rác này không chỉ xuất phát từ địa phương mà nó còn bắt nguồn từ thượng nguồn các nhánh sông chảy về trôi vào trong bờ.
Chính vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền về xả rác thải ra môi trường và cần có lực lượng chuyên trách để xử lý.
“Hiện xã cũng đã thành lập ban chỉ đạo với các tổ môi trường xanh phối hợp cùng đoàn xã Đa Lộc và đoàn trường THCS mỗi tuần đi dọn rác một lần nhưng chỉ đi xử lý rác dọc bờ biển và chỉ dọn rác trên đê kè.
Còn rác trên cây sú, vẹt rất khó xử lý bởi không phải nó bám một lần mà ngày nào cũng vậy mỗi khi thủy triều lên", ông Đỉnh cho biết.
Theo Lê Dương (VietNamNet)