Bạo loạn New Caledonia: 600 quân Pháp mở đường huyết mạch - Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đối đầu trực diện Nga

20/05/2024 07:35:19

New Caledonia "đang bị bao vây" - Thị trưởng thủ phủ Noumea nói. 600 quân Pháp, với vũ khí hạng nặng, đã được huy động để mở tuyến đường huyết mạch.

New Caledonia "đang bị bao vây"

BBC News ngày 19/5 dẫn lời Thị trưởng thành phố Noumea - thủ phủ New Caledonia, một trong những vùng lãnh thổ hải ngoại lớn nhất của Pháp - cho hay: New Caledonia "đang bị bao vây" sau chuỗi bạo loạn kéo dài nhiều ngày (từ ngày 13/5) nhằm phản đối chính sách cải cách bầu cử của chính phủ Pháp đối với hòn đảo này.

Nói rõ hơn về tình hình phức tạp đang diễn ra, Thị trưởng Sonia Lagarde cho biết, nhiều tòa nhà công cộng trên đảo bị đốt cháy. Mặc dù hàng trăm cảnh sát đã được điều động tiếp viện nhưng "tình hình vẫn còn lâu mới lắng dịu trở lại". Hiện "không thể định lượng" những thiệt hại đã xảy ra.

Bạo loạn New Caledonia: 600 quân Pháp mở đường huyết mạch - Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đối đầu trực diện Nga
Một chiếc xe hơi bị các phần tử bạo loạn đốt cháy ở New Caledonia. Ảnh: Getty

Các nhà chức trách tại New Caledonia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó có lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cũng như lệnh cấm tụ tập nơi công cộng, kinh doanh rượu và mang vũ khí.

Cho tới nay, đã có hơn 200 phần tử bạo loạn bị bắt giữ. Trong ngày 18/5, hàng trăm lính thủy đánh bộ Pháp với trang bị hạng nặng và lực lượng hiến binh đã được điều động để tuần tra Noumea.

600 quân Pháp tiến hành chiến dịch mở đường tới Noumea

AFP cho biết, trong ngày 19/5, lực lượng Pháp đã phát động một "chiến dịch lớn" nhằm giành quyền kiểm soát lại con đường nối Noumea tới sân bay quốc tế trong khu vực.

600 thành viên của lực lượng hiến binh Pháp, với vũ trang hạng nặng, đã được điều động để bảo vệ Territoriale 1 - Tuyến đường huyết mạch dài 60km nối Noumea với các tuyến hàng không quốc tế.

Bạo loạn New Caledonia: 600 quân Pháp mở đường huyết mạch - Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đối đầu trực diện Nga - 1
Xe bọc thép của hiến binh Pháp gần đồn cảnh sát ở Noumea, New Caledonia ngày 18/5.

Trước đó một ngày, Chính phủ Pháp đã quyết định hủy bỏ kế hoạch rước đuốc Olympic qua lãnh thổ Pháp (dự kiến diễn ra vào ngày 11/6) để tập trung ứng phó tình hình New Caledonia.

Theo nhận định của AFP, lệnh giới nghiêm vào ban đêm, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, lệnh cấm TikTok và sự xuất hiện của hàng trăm binh sĩ cơ động từ lãnh thổ Pháp sang New Caledonia vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng bất ổn leo thang từ hôm qua tới nay.

Australia và New Zealand đang nằm trong số các quốc gia chờ đợi chính phủ Paris thông qua để có thể gửi máy bay tới sơ tán các công dân của hai nước bị mắc kẹt tại New Caledonia.

Tại Wellington, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters ngày 19/5 cho biết, Lực lượng Phòng vệ New Zealand đã "hoàn tất việc chuẩn bị" các chuyến bay đưa công dân New Zealand về nước, trong bối cảnh các chuyến bay thương mại tới và rời New Caledonia đều bị hủy bỏ.

Tình hình bạo loạn tại New Caledonia, Pháp khẩn cấp triển khai quân. Nguồn: WSJ

Mặt trận thứ 3 bùng nổ, Pháp có nguy cơ đối đầu trực diện Nga

Bình luận về tình hình New Caledonia, kênh truyền hình Tsargrad TV (Nga) dẫn lời chuyên gia khoa học chính trị Nikolai Sevostyanov lưu ý rằng, đây là "mặt trận thứ 3" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có khả năng sẽ phá hỏng tương lai chính trị của nhà lãnh đạo Pháp. Bên cạnh đó, nó "mở ra nguy cơ xung đột quân sự trực diện với Moscow".

Theo vị chuyên gia, New Caledonia là vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, đồng thời là một thực thể lãnh thổ hành chính đặc biệt với dân số hơn 270.000 người. Chính Phủ Pháp ở đó được đại diện bởi Cao ủy - người được Tổng thống đích thân bổ nhiệm.

Bạo loạn New Caledonia: 600 quân Pháp mở đường huyết mạch - Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đối đầu trực diện Nga - 2
Chuyên gia Nikolai Sevostyanov cho rằng, New Caledonia đã trở thành mặt trận thứ 3 của Tổng thống Pháp Macron. Những mối đe dọa mà nó mang lại có thể mở ra nguy cơ xung đột quân sự trực diện Pháp-Nga. Ảnh: Financial Times

New Caledonia có thủ phủ riêng, thậm chí có cả đồng tiền riêng, đó là đồng franc Thái Bình Dương của Pháp. Nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình bạo loạn hiện nay là do chính phủ Paris muốn đưa ra các sửa đổi đối với Hiến pháp của New Caledonia, từ đó cho phép cả người di cư tới đây bỏ phiếu, làm mâu thuẫn với các thỏa thuận trước đó.

Đối với Pháp, việc duy trì quyền kiểm soát đối với New Caledonia rất quan trọng, không chỉ vì lý do địa chính trị, mà còn vì các yếu tố kinh tế. Hòn đảo này hiện đứng thứ 4 thế giới về sản lượng niken, với mức dự trữ chiếm khoảng 10% trữ lượng của thế giới.

Ông Sevostyanov nhận định, trong trường hợp này, nếu Pháp kiên quyết không nhượng bộ, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn. Câu hỏi không phải là cuộc bạo loạn sẽ kết thúc như thế nào, mà liệu Điện Elysee có thể kiểm soát tiến trình "không thể tránh khỏi" sẽ diễn ra tại New Caledonia sau khi các cuộc đụng độ chấm dứt hay không.

Theo vị chuyên gia, nếu tính đến cả những nước thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi - nơi Paris đang mất dần ảnh hưởng, và cả Ukraine - nơi Pháp đang bị thúc ép vào cuộc, thì New Caledonia chính là mặt trận thứ 3 của ông Macron.

"Những mối đe dọa nghiêm trọng đặt ra với tương lai chính trị càng làm tăng thêm khả năng ông Macron hành động phi lý, bất chất tất cả rủi ro đi kèm, trong đó có cả nguy cơ đụng độ quân sự trực diện với Nga" - Ông Sevostyanov bình luận.

Theo Nhật Minh (Nguoiduatin.vn)