Báo Anh: Nga phóng Oreshnik thất bại
Tờ Mirror (Anh) ngày 9/12 dẫn lời ông Valeriy Chaly – Chủ tịch Trung tâm truyền thông khủng hoảng Ukraine, đồng thời là cựu Đại sứ Ukraine tại Mỹ cho hay, nỗ lực thứ hai của Nga nhằm triển khai tên lửa siêu vượt âm Oreshnik đã kết thúc trong thất bại sau vụ phóng hỏng.
Trước đó, Nga đã tiến hành vụ phóng tên lửa Oreshnik đầu tiên vào ngày 21/11, nhắm vào một nhà máy trong tổ hợp công nghiệp – quốc phòng của Ukraine ở Dnipro. Ông Putin cảnh báo, Moscow sẽ tiếp tục triển khai Oreshnik nếu phương Tây vẫn cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga.
Khoảnh khắc tên lửa Oreshnik 'không thể đánh chặn của Nga trút xuống Dnipro ngày 21/11. Nguồn: The Times |
Nói về vụ phóng Oreshnik mới nhất của Nga, ông Chaly cho biết, tên lửa đã phóng thất bại vào ngày 23/11 – tức là chỉ 2 ngày sau vụ phóng đầu tiên.
"Lần phóng thứ hai đã thất bại. Họ (Nga) đã phóng tên lửa không trúng mục tiêu. Tôi có được thông tin này từ 3 nguồn nên mới bắt đầu công bố, thông tin đã được xác nhận" – Ông Chaly nói.
Đáng lưu ý, theo vị quan chức, trong vụ phóng Oreshnik thứ hai, Nga đã nhắm tới một trong hai mục tiêu: thủ đô Kiev hoặc một địa điểm ở dãy núi Carpathian, gần biên giới phía tây Ukraine với các nước NATO.
"Đây là những mục tiêu tiềm năng nhất để chứng minh sự leo thang và khả năng của Oreshnik" – Ông Chaly nói, song không tiết lộ cụ thể điều gì đã xảy ra khiến tên lửa không trúng mục tiêu. Ông cảnh báo Tổng thống Putin sẽ không loại trừ "nỗ lực thử nghiệm hoặc trình diễn đầu đạn hạt nhân chiến thuật".
"Tôi biết mình đang nói gì. Đây không phải là động thái khuấy động tình hình hay làm nóng những cái đầu ở Moscow. Đây là sự thật" – Ông Chaly nhấn mạnh.
Trước đó, truyền thông Nga cho biết, Anh, Pháp và Mỹ đã phớt lờ cảnh báo của Điện Kremlin về việc cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa Storm Shadow và ATACMS vào lãnh thổ Nga. Đài truyền hình nhà nước Nga lưu ý, Paris và London có thể bị tấn công lần lượt trong vòng 8,3 phút và 8,8 phút nếu Oreshnik được phóng từ Belarus.
Hôm 6/12, Tổng thống Putin tuyên bố, Moscow có thể triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik tại Belarus vào nửa cuối năm 2025. Tạp chí Military Watch (Mỹ) dẫn nguồn từ tình báo Ukraine cho biết, Nga có thể sản xuất tới 25 tên lửa Oreshnik mỗi tháng, tương đương sản lượng 300 tên lửa mỗi năm.
"Tên lửa loại này có tầm bắn lên tới 4.000km và có khả năng mang đầu đạn dẫn hướng độc lập (để tấn công nhiều mục tiêu đồng thời)" – Tình báo Ukraine cho hay.
"Việc tên lửa Oreshnik được triển khai ở Belarus có ý nghĩa gì?" Theo tờ Mirror, điều đó đồng nghĩa với việc thời gian tiếp cận của Oreshnik đến các trung tâm ra quyết định của NATO ở châu Âu đã rút ngắn.
"Không thể đánh chặn được. Hiện tại, theo tính toán của hãng tin Sputnik (Nga), chỉ mất hơn 8 phút để tên lửa (Oreshnik) bay tới London và Paris. Trong khi đó, nó chỉ mất 6 phút để vươn tới căn cứ Ramstein của Mỹ ở Đức.
Thời gian vươn đến căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania là 5,5 phút, trong khi thủ đô Helsinki (Phần Lan) chỉ cách đó 5 phút. Đáng báo động hơn nữa khi tên lửa có thể vươn tới căn cứ phòng thủ tên lửa Mỹ ở Ba Lan trong 3 phút, tới thủ đô Kiev (Ukraine) trong chưa đầy 3 phút và thủ đô Vilnius (Lithuania) trong chưa đầy 2 phút" - Mirror cho hay.
Theo tờ báo Anh, ông Putin đã ví Oreshnik như một "thiên thạch". Đầu đạn của tên lửa khi phát nổ tỏa ra sức nóng lên tới 4.000 độ C, gần tương đương với sức nóng của bề mặt Mặt Trời.
Ông Putin tuyên bố về tên lửa Oreshnik
Hiện Nga chưa đưa ra bình luận nào về thông tin do Ukraine đưa ra, tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất ngày 10/12, Tổng thống Putin cho biết, có một thứ quan trọng hơn cả cập nhật học thuyết hạt nhân với Nga lúc này, đó là "cải tiến hệ thống tên lửa Oreshnik".
Theo nhà lãnh đạo Nga, nếu có số lượng tên lửa Oreshnik đủ đáp ứng nhu cầu thì Nga có thể giảm bớt nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Số lượng đủ lớn các hệ thống vũ khí hiện đại sẽ khiến nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân gần như không còn nữa" – Ông Putin nói, đồng thời lưu ý thêm rằng, Nga đang hành xử thận trọng và kiềm chế nhưng vẫn sẵn sàng thể hiện sự quyết tâm "khi cần thiết".
Trước đó, nhà lãnh đạo Nga lưu ý, Oreshnik được thiết kế để tấn công cực kỳ chính xác, đảm bảo các mục tiêu có giá trị cao bị bắn trúng với "độ chính xác chết người".
"Nếu triển khai hàng loạt tên lửa Oreshnik trong cùng một đợt tấn công thì sức công phá của nó sẽ tương đương với vũ khí hạt nhân" - Ông Putin nhấn mạnh.
Theo tờ Izvestia và trang tin Topwar (Nga), kể từ sau vụ phóng Oreshnik đầu tiên, lực lượng vũ trang Ukraine đã nhiều lần tìm cách tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào bãi phóng Kapustin Yar của Nga ở khu vực Astrakhan – nơi được cho là địa điểm phóng tên lửa Oreshnik. Phòng không Nga đã ít nhất 5 lần loại bỏ UAV Ukraine nhắm vào khu vực này.
Vụ tấn công mới nhất diễn ra vào sáng 10/12, trong đó một UAV Ukraine đã bị bắn hạ trên khu vực bãi bắn Kapustin Yar vào lúc 5 giờ sáng, không có thiệt hại hay thương vong nào trên mặt đất. Thông tin sơ bộ cho biết, đó là UAV PD-2 có tầm bay tới 1.300km hoặc UJ-22 Airborne tầm bay 800km. Chúng dường như được triển khai từ Dnipro.
Theo Topwar, do khoảng cách từ Dnipro tới Kapustin Yar là 700km nên cả hai loại UAV này đều có thể dễ dàng tiếp cận bãi bắn của Nga. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có nỗ lực tấn công nào của Ukraine thành công.
Bình luận về các cuộc tấn công này của Ukraine, thành viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Viktor Zavarzin cảnh báo: "Chúng tôi sẽ bắn hạ mọi thứ!". Ông lưu ý, Nga đã tiến hành những điều chỉnh lớn đối với hệ thống tác chiến điện tử (EW) và các hệ thống phòng không trong khu vực quanh bãi bắn.
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)