Bà Clinton, ông Trump và quan hệ với Việt Nam

28/10/2016 07:11:00

Trao đổi với các phóng viên Việt Nam về quan hệ Việt - Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, một học giả Mỹ nói rằng, nếu thắng cử, bà Hillary Clinton có thể sẽ tiếp tục những chính sách của người tiền nhiệm.

 
Trao đổi với các phóng viên Việt Nam về quan hệ Việt - Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, một học giả Mỹ nói rằng, nếu thắng cử, bà Hillary Clinton có thể sẽ tiếp tục những chính sách của người tiền nhiệm. Ông Donald Trump chưa từng nhắc đến Việt Nam; nếu có những cố vấn tốt, ông có thể được khuyên rằng quan hệ với Việt Nam rất quan trọng.
 
TS Jim Butterfield trong cuộc trao đổi với các phóng viên ngày 27/10. Ảnh: Trúc Quỳnh
 
Ngày 27/10 tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, TS Jim Butterfield, giáo sư ngành Khoa học chính trị thuộc ĐH Western Michigan (Mỹ), hiện công tác tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, trao đổi với một số phóng viên Việt Nam về quan điểm cá nhân của ông đối với hai ứng viên tổng thống Mỹ hiện nay.

Trả lời câu hỏi rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ ra sao nếu ông Trump thắng cử, TS Butterfield nói rằng, điều này thật khó đoán. Theo học giả này, với những kinh nghiệm của mình, bà Clinton hiểu Mỹ có lợi ích không chỉ trong quan hệ với các nước lớn. Nên có thể chờ đợi bà sẽ tiếp tục phần lớn chính sách của đương kim Tổng thống Barack Obama trong quan hệ với Việt Nam. Còn tỷ phú Trump, ông từng nói một số điều về Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Cuba…, nhưng chưa từng nói gì về Việt Nam. Với tính cách của ông Trump, “tôi không biết nên chờ đợi điều gì từ ông ấy”, TS Butterfield nói. 

Nhiều người Mỹ gốc Việt nghiêng về bà Clinton

TS Butterfield cho biết, theo đánh giá dựa trên nhiều cuộc khảo sát tính đến tháng 9, khoảng 46% người Mỹ gốc Việt ủng hộ bà Clinton, 20% ủng hộ ông Trump và 34% chưa biết ủng hộ ai. TS Butterfield cho rằng, đây là điều rất thú vị vì người Mỹ gốc Việt trong lịch sử thường ủng hộ phe Cộng hòa, sau khi Tổng thống General Ford thuộc đảng Cộng hòa thông qua luật giúp những người Việt tị nạn trở thành công dân Mỹ dễ dàng hơn. Nhưng cộng đồng người Việt đang thay đổi qua các thế hệ và những người Mỹ gốc Việt trẻ có xu hướng độc lập. Hiện nay, nhiều người Mỹ gốc Việt độc lập ủng hộ bà Clinton.

TS Butterfield cho rằng, có nhiều lý do khiến nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ bà Clinton hơn ông Trump. Người Mỹ gốc Việt vẫn có quan hệ gần gũi và trao đổi qua lại với người thân, họ hàng ở Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ kỳ vọng bà Clinton sẽ tiếp tục các chính sách của Tổng thống Obama với Việt Nam sau khi ông Obama đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt - Mỹ. 

Còn ông Trump có quan điểm phản đối nhập cư. Đến nay, những phát biểu của ông Trump mới nhằm vào cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha và người theo đạo Hồi, chưa đề cập người gốc Việt, nhưng bản thân những người ủng hộ ứng viên Trump và những phát biểu của ông rất cứng rắn với người nhập cư, nên người Mỹ gốc Việt có thể không ủng hộ, TS Butterfield nhận định.

Về câu hỏi vì sao 34% người Mỹ gốc Việt chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, TS Butterfield cho rằng, kết quả đánh giá này được đưa ra từ tháng 9, và từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi. Nhiều người Mỹ gốc Việt có thể giống như nhiều người Mỹ, họ thường không chú ý đến cuộc bầu cử cho đến khi nó đến rất gần.

Chiến lược tái cân bằng về đâu?

Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đến nay, cả hai ứng viên Mỹ đều tuyên bố phản đối, nhưng TS Butterfield cho rằng, bà Clinton phản đối TPP chỉ vì cuộc bầu cử lần này. Các bang công nghiệp như Michigan, Wiscousin, Ohio, Illinois… đã có nhiều nhà máy phải đóng cửa, việc làm dịch chuyển đi nơi khác, khiến người dân ở các bang này không ủng hộ tự do thương mại. Và đó cũng là các bang quan trọng mà các ứng viên phải cạnh tranh nhau.

Vì thế, TS Butterfield cho rằng, bà Clinton trước đây thường ủng hộ tự do thương mại, nhưng vì tình hình và đặc điểm ở các bang này mà bà phải tuyên bố không ủng hộ TPP nhằm giành được lá phiếu của họ. Nhưng cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng đã đưa ra những tiêu chí để bà ủng hộ TPP, nên có lý do để tin sau khi thắng cử, bà sẽ đưa ra những lý do hợp lý để nói có với TPP. Dẫu vậy, TPP vẫn cần được Thượng viện Mỹ thông qua, trong khi tự do thương mại luôn là vấn đề gây mâu thuẫn và tranh cãi ở Mỹ. Còn ông Trump liên tục phản đối TPP.

Về tương lai của chiến lược tái cân bằng sang châu Á sau khi Mỹ có tổng thống mới, TS Butterfield nói rằng, bà Clinton và Tổng thống Barack Obama là tác giả của chiến lược này khi bà là Ngoại trưởng Mỹ. Còn ông Trump chưa hề nói gì. Ông Trump từng nói gay gắt về Trung Quốc từ khía cạnh thương mại và tiền tệ, rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ nhằm khiến Mỹ bất lợi. Bà Clinton cũng chỉ trích Trung Quốc nhưng bà cho rằng, có nhiều lý do để hợp tác với Trung Quốc, và hai nền kinh tế Mỹ - Trung phụ thuộc nhiều vào nhau, nên rất khó để đối đầu Trung Quốc mà không tự làm tổn thương mình.

“Tôi không biết Trump nghĩ gì về phần còn lại của châu Á vì ông ấy chưa từng đề cập. Và cho đến nay, nhìn chung ông ấy mới nói rất ít về chính sách đối ngoại”, TS Butterfield nói. Học giả này cho rằng, một lý do để kéo sự chú ý của Mỹ khỏi châu Á hiện nay chính là Nga. Quan hệ Mỹ - Nga đang rất căng thẳng, và bà Clinton góp một phần vào đó sau những bình luận và công bố quan điểm của bà về cuộc bầu cử nghị viện Nga năm 2001 và vấn đề Crimea khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận. “Bà ấy hiểu tầm quan trọng chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với Mỹ, nhưng tôi không biết sự chú ý của bà ấy sẽ dồn vào đâu trong thời gian tới nếu bà ấy trở thành tổng thống”, TS Butterfield nói.

Nhận định về khả năng thắng cử của hai ứng viên, TS Butterfield cho biết, dựa trên phân tích các cuộc thăm dò dư luận và đặc điểm của các bang, bà Clinton có khả năng trở thành tổng thống tiếp theo, còn ông Trump khó đảo ngược tình thế hiện nay. Theo học giả này, nhiều người đã biết về bà Clinton khi bà là đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ, ngoại trưởng. Những gì bà ấy nói cũng khá nhất quán, có thể đoán rằng, bà sẽ tiếp tục nhiều chính sách của ông Obama nếu thắng cử.

Theo TS Butterfield, ông Trump là một nhà kinh doanh thực tế, có tính cách nhân vật của truyền hình; một trong những điều khiến ông ấy thu hút được những người ủng hộ mình là ông không thuộc tầng lớp chính trị ở Washington. Ông Trump tuyên bố mình là người ngoài và sẽ làm thay đổi chính trị ở Washington, nên có lẽ ông ấy không thực sự hiểu hệ thống ở Washington làm việc như thế nào, TS Butterfield nhận định. Nhưng điều đó khiến mọi người khó đoán ông Trump sẽ làm gì. Đôi khi ông Trump tự mâu thuẫn với chính mình, điều ông ấy biết 6 tháng trước khác với điều ông ấy biết hiện nay. Nếu trở thành tổng thống, ông ấy sẽ biết thêm nhiều thứ trong 6 tháng tiếp theo, TS Butterfield nói. 

TS Butterfield cho rằng, chính sách của ông Trump với Việt Nam có thể phụ thuộc vào những cố vấn mà ông ấy sẽ lựa chọn nếu trở thành tổng thống và việc ông ấy sẽ nghe ai. “Nếu ông ấy có được những cố vấn tốt, tôi nghĩ ông ấy sẽ được khuyên rằng quan hệ với Việt Nam rất quan trọng”, TS Butterfield nói.
 
TS Butterfield cho rằng, một người khó đoán như ông Trump chính là mối quan ngại đối với nhiều cử tri Mỹ và nhiều quốc gia khắp thế giới. Nếu làm đúng những thông điệp ứng viên Trump từng đưa ra, có thể ông sẽ có chính sách đối đầu hơn với Trung Quốc, sẽ bớt ủng hộ các liên minh khu vực như NATO hay quan hệ với Hàn Quốc. Ông Trump muốn Hàn Quốc hay NATO phải chi nhiều tiền hơn cho quan hệ đồng minh, vì Mỹ đang chịu gánh nặng quốc phòng, TS Butterfield nhận định.

Theo T.Quỳnh (Tiền Phong)

Nổi bật