Thông tin về ngôi mộ mới được khai quật được Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) công bố hôm thứ Ba 17/12. Ngôi mộ được xác định có niên đại 1.300 năm, và được cho là nơi chôn cất Tiết Thiệu, vị hôn phu đầu tiên của Thái Bình công chúa.
Thái Bình công chúa chính là hoàng nữ của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên. Bà được đánh giá là một trong những công chúa được biết đến nhiều nhất của triều đại nhà Đường.
Thái Bình công chúa có hai đời chồng, Tiết Thiệu là vị hôn phu đầu tiên của bà. Theo sử sách Trung Quốc thời kỳ này, Tiết Thiệu là con trai của Thành Dương công chúa (chị của vua Đường Cao Tông) với Tiết Quán, và là anh họ của Thái Bình công chúa.
Tuy vậy sau này do hai anh trai của Tiết Thiệu là Tiết Di và Tiết Tự bị xử tử vì nghi có liên quan tới cuộc nổi loạn của hai vương nhà Đường là Lý Trinh và Lý Xung nên Tiết Thiệu cũng bị liên đới. Ông bị phạt 100 roi và bị bỏ đói tới chết trong ngục.
Theo thông tin từ Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, cuộc khai quật ngôi mộ này đã phát hiện tổng cộng 120 di tích, trong đó đa số là đồ gốm.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng tìm thấy bản khắc đá bao gồm 600 chữ nội dung được cho là tiểu sử của Tiết Thiệu, bao gồm thông tin về dòng tộc, các chức quan ông này nắm giữ lúc sinh thời, nguyên nhân cái chết và thời điểm chôn cất ông.
Theo đánh giá của một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, đây là một phát hiện khảo cổ quan trọng bởi Tiết Thiệu không có tiểu sử riêng trong hai bộ sách lịch sử Cựu Đường thư và Tân Đường thư.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)