Theo Business Standard, với việc phóng thử thành công Agni-V - tên lửa đạn đạo tầm xa nhất vào ngày 3/6 vừa qua, thì chỉ trong vòng 1 năm nữa Ấn Độ sẽ sở hữu khả năng răn đe hạt nhân có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Trung Quốc.
Hay nói cách khác, chỉ cần tiến hành thêm một lần thử nghiệm nữa trước khi sản xuất hàng loạt, Agni-V sẽ được đưa vào biên chế cho Bộ tư lệnh các Lực lượng Chiến lược - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Ấn Độ.
Theo các nguồn tin cao cấp thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) - cơ quan thiết kế và chế tạo các tên lửa đạn đạo hạt nhân Ấn Độ, vụ phóng thử cuối cùng sẽ được thực hiện trước cuối năm nay. Sau đó, phòng thí nghiệm các hệ thống tiên tiến của DRDO sẽ bắt đầu sản xuất tên lửa Agni-V biên chế cho Bộ Tư lệnh các Lực lượng Chiến lược.
"Agni-V missile đã được phóng thử thành công lúc 09:45 ngày hôm nay từ đảo APJ Abdul Kalam. Tất cả các mục tiêu đặt ra đều đã đạt được", thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết hôm 3/6/2018.
Với tầm bắn 5.000 km như đã công bố, Agni-V sẽ giữ vai trò lấp đầy khoảng cách về khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ. Các tên lửa hiện tại như Agni-I, Agni-II và Agni-III trong kho vũ khí của Ấn Độ không thể tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong Trung Quốc lục địa, những vị trí nằm cách vùng đệm Cao nguyên Tây Tạng 2.000 km.
Tuy nhiên, Agni-V hoàn toàn có thể vươn tới các mục tiêu giá trị cao ở vùng trung tâm Trung Quốc, thậm chí là các tỉnh cực Bắc.
Cho đến nay, lựa chọn hạt nhân duy nhất của Ấn Độ nhằm đối phó với Trung Quốc vẫn chỉ là tên lửa đạn đạo K-15 phóng từ tàu ngầm hạt nhân INS Arihant, và phải bố trí ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
Xét về phân loại chính thức, Agni-V được xếp vào dạng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), loại có tầm bắn trên 5.500 km. Agni-V nằm ở khoảng giữa IRBM và ICBM.
Tuy nhiên, bất chấp những phủ nhận chính thức từ Ấn Độ, vẫn có phỏng đoán cho rằng Agni-V thực sự là một ICBM với tầm bắn từ 6.000 - 7.500 km.
Các quan chức cao cấp của Ấn Độ cũng từng công khai tuyên bố sẽ phát triển Agni-V trở thành loại tên lửa có khả năng mang theo các đầu đạn hồi quyển phân hướng độc lập tấn công mục tiêu (MIRV) nhằm gia tăng khả năng sống sót trước các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Về phần mình, Trung Quốc luôn xem Agni-V là tên lửa đạn đạo liên lục địa, thậm chí một số quan chức nước này còn cho rằng Agni-V có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 8.000 km.
Theo Anh Tú (Soha/Trí Thức Trẻ)