Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống can thiệp vào nền chính trị nước này, khi nhiều lần tổ chức các cuộc đảo chính lật đổ chính phủ.
Các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Hôm 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ bị rúng động bởi một cuộc đảo chính của quân đội nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có hành động can thiệp vào nền chính trị như vậy, bởi họ đã thực hiện tới 4 cuộc đảo chính kể từ năm 1960 tới nay, theo Time.
Cuộc đảo chính năm 1960
Cuộc đảo chính đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào năm 1960, khi đảng cầm quyền của Thủ tướng Adnan Menderes ngày càng rời xa các nguyên tắc khắt khe được đặt ra bởi Mustafa Kemal Ataturk, một cựu sĩ quan quân đội đã sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ bị chỉ trích khi cho phép dân chúng hoạt động tôn giáo, mở hàng trăm nhà thờ và cho phép cầu nguyện bằng tiếng Arab.
Khi tình hình căng thẳng trong nước lên cao, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của tướng Cemal Gursel tổ chức đảo chính lật đổ chính quyền với tuyên bố "đưa đất nước trở lại với nền dân chủ công bằng, trong sạch và vững chắc".
Tổng thống Celal Bayar, Thủ tướng Adnan Menderes và các quan chức chính phủ khác bị bắt giữ và xét xử vì tội phản quốc. Thủ tướng Menderes sau đó bị treo cổ. Tướng Gursel lên làm thủ tướng kiêm tổng thống và nắm quyền cho tới năm 1966, khi một chính phủ dân chủ mới được bầu lên.
Đảo chính năm 1971
11 năm sau lần đảo chính thứ nhất, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lật đổ chính quyền. Cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều tháng bạo lực và bất ổn trong nước, theo Reuters.
Cuộc đảo chính này được xem như "vụ đảo chính qua biên bản ghi nhớ" khi tướng quân đội Memduh Tagmac ra tối hậu thư cho Thủ tướng Suleyman Demirel, ép ông từ chức. Khác với vụ đảo chính năm 1960, lần này quân đội không nắm quyền lực nhưng tiến hành giám sát một loạt chính phủ chuyển tiếp cho đến năm 1973.
Đảo chính năm 1980
Bất ổn và khủng hoảng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu cải thiện sau vụ đảo chính năm 1971, nên quân đội quyết định can thiệp để giải quyết tình hình theo cách của mình.
Ngày 12/9/1980, quân đội tuyên bố tiến hành đảo chính trên truyền hình, cùng với thông báo thiết quân luật trên toàn quốc. Quân đội bãi bỏ hiến pháp và xây dựng một hiến pháp mới, quy định tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1982.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa đường phố Ankara trong cuộc đảo chính năm 1980. Ảnh: History |
Lần này, cuộc đảo chính đã giúp đất nước ổn định hơn nhưng quân đội cũng bắt giam hàng nghìn người, hành quyết hàng chục người và tra tấn nhiều người khác, theo Al Jazeera.
Kenan Evren, một trong những tướng lĩnh tổ chức đảo chính, trở thành tổng thống trong suốt 7 năm tiếp theo.
Bị vong lục quân sự 1997
Mặc dù không hẳn là một cuộc đảo chính, nhưng năm 1997, lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các đảng phái Hồi giáo trong nước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng Ismail Hakki Karadayi đưa ra một bị vong lục với chính quyền.
Bị vong lục quân sự này nêu ra một loạt kiến nghị, như đóng cửa các trường học tôn giáo, cấm sinh viên đại học đeo mạng che mặt. Chính quyền không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp thu những khuyến nghị này. Thủ tướng Necmettin Erbakan bị các tướng lĩnh ép phải từ chức, một chính phủ lâm thời được lập ra, và quân đội cuối cùng tước quyền lực của đảng Phúc lợi cầm quyền vào năm 1998.
Cũng trong năm đó, ông Erdogan, lúc đó là thị trưởng Istanbul, bị bắt và bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm vì đã công khai đọc một bài thơ Hồi giáo.
"Cuộc đảo chính mềm" này thành công một phần nhờ quân đội đã bắt tay với giới doanh nhân, các cơ quan tư pháp, truyền thông và các lãnh đạo chính trị, theo Reuters.
Theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể can thiệp nhiều vào chính trị như vậy là do hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép quân đội có quyền can thiệp vào nội tình đất nước khi cần và các lãnh đạo quân sự không chịu sự chi phối của giới lãnh đạo chính trị.