18 tuổi, tôi bước chân vào trường đại học, cũng là lần đầu tiên tôi gặp Hùng, chồng tôi bây giờ. Vốn sở hữu nhan sắc xinh đẹp, ưa nhìn, tôi mau chóng trở nên nổi bật trong khoa và được nhiều chàng trai trồng cây si, trong đó có Hùng. Hùng vốn là công tử con nhà giàu, ăn chơi có tiếng trong trường. Vì yêu tôi, anh đã thay đổi rất nhiều. Cuối cùng, tôi cũng động lòng trước tình cảm của anh.
Tôi yêu Hùng với tình cảm trong sáng, ngọt ngào, không vụ lợi. Tuy nhiên, chuyện tình cảm của tôi lại không nhận được sự ủng hộ của gia đình anh. Mẹ và chị dâu của anh đã tìm đến gặp tôi không biết bao nhiêu lần vì họ muốn tôi chấm dứt chuyện tình cảm “đũa lệch”, “trèo cao” này. “Nhà bác đã có mối cho Hùng từ trước. Vì vậy, cháu không tới lượt, hãy biết thân biết phận”, mẹ Hùng lạnh lùng nói.
Khuyên bảo nhẹ nhàng không được, họ dùng nhiều từ ngữ nặng nề, miệt thị khiến tôi đau lòng. Tôi nhiều lần nói chia tay Hùng nhưng tình yêu đã níu chúng tôi lại. Sau khi tốt nghiệp, tôi lên xe về nhà anh làm dâu. Lúc đó, tôi có bầu được 2 tháng.
Sau khi cưới, Hùng rất thương yêu và bảo vệ tôi. Anh gần như là người duy nhất nói chuyện với tôi trong nhà. Vì tôi mới có bầu, Hùng nói tôi hãy ở nhà nghỉ ngơi, dưỡng thai, một mình anh ấy đi làm là đủ. Mẹ chồng tôi thấy vậy nói: “Ừ, cũng được, vậy để cái Thanh (tôi) lo cơm nước, dọn dẹp trong nhà.”
Vậy là từ sáng sớm, tôi dậy lau dọn 5 tầng nhà, đi chợ, cơm nước phục vụ 7 người trong nhà. Nhà chồng tôi mỗi người một khẩu vị, nên tôi phải nấu nhiều món để chiều lòng từng người một. Chưa kể cháu chồng mới lên 2 tuổi, vẫn phải ăn cháo và đồ ăn dặm. Có tôi về, chị dâu tôi giao luôn nhiệm vụ nấu đồ ăn dặm và cho cháu ăn. “Trước bà ô sin cũ cũng bón cho bé My suốt, em tập cho nó ăn dần đi cho quen, sau còn nuôi con”, chị chồng nói.
Là con dâu nhưng họ đối xử với tôi chẳng khác gì ôsin trong nhà, họ có thể đập cửa, sai bảo tôi bất kể giờ giấc. Nhiều lúc tôi nghĩ mà uất ức đến trào nước mắt.
Thấy tôi bầu bí mà vẫn vất vả từ sáng đến tôi, chồng tôi rất thương, anh nói rằng anh sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ. Khi tích cóp được đủ tiền, anh sẽ đưa tôi ra ngoài ở riêng.
Mấy hôm trước, mẹ chồng tôi kêu la ầm ỹ vì mất chiếc nhẫn vàng bà đặt trên bàn trang điểm trong phòng. Cả nhà tôi náo loạn giúp mẹ tìm chiếc nhẫn. Tuy nhiên, sau một lúc đi tìm, ai cũng nhìn tôi với con mắt nghi ngờ.
“Từ sáng đến giờ, chỉ có cái Thanh vào phòng mẹ lau dọn, chứ con đâu có vào phòng mẹ đâu. Con đâu biết chiếc nhẫn của mẹ như thế nào”, chị dâu tôi nói.
“Con nghe nói người dân nông thôn thường có thói tắt mắt, thấy gì đẹp là nhặt bỏ túi. Mấy người thợ trong xưởng nhà mình cũng thế, quản lý rất là mệt”, anh trai chồng tôi thêm vào.
“Con xem có “cầm nhầm” chiếc nhẫn vàng của mẹ thì trả cho mẹ. Đấy là chiếc nhẫn rất quý và ý nghĩa với mẹ. Rồi mẹ mua cho con cái khác”, mẹ chồng tôi nói.
Bị cả nhà chồng nghi ngờ, đặt điều, tôi uất ức đến trào nước mắt. Tôi tuy xuất thân nghèo hèn nhưng tôi không bao giờ làm chuyện xấu xa như thế. Thấy tôi khóc ấm ức, chị dâu tôi vẫn tiếp tục mỉa mai: “Khóc gì hả em? Lấy chiếc nhẫn thì trả cho mẹ là xong. Mẹ có làm gì em đâu. Đừng sợ!”
Nghe những lời này, tôi thực sự không thể kiên nhẫn được nữa: “Em là người nhà quê thật nhưng em có ăn có học đàng hoàng. Em biết biết làm điều gì là đúng là sai chị ạ. Em về nhà mình làm dâu, em không lấy, không nợ của nhà mình bất cứ thứ gì. Em chỉ muốn nói rằng em không lấy cắp chiếc nhẫn. Nếu chị không tận mắt nhìn thấy em lấy cắp nó thì đừng đặt điều".
Quá kích động, tôi đã bất tỉnh ngay lúc đó và được cả nhà đưa đi bệnh viện. Lúc tỉnh lại, tôi thấy chồng nắm tay tôi. Anh nói: “Mẹ bảo tìm thấy chiếc nhẫn rồi".
“Sau này anh tính thế nào?”, tôi hỏi.
“Anh đã hỏi để thuê một căn hộ nhỏ để chúng ta ở riêng. Anh biết em chịu nhiều khổ đau, ấm ức rồi. Giờ em đừng lo gì nữa, có anh ở đây rồi”, chồng tôi nói.
Nghe chồng nói, tôi khóc thổn thức.
Theo Minh Hà (Dân Việt)