Năm vừa tròn 20 tuổi, tôi lên xe hoa về nhà chồng. Ở nơi tôi ở, độ tuổi ấy cũng chẳng còn sớm gì, điều tôi tiếc nuối duy nhất chỉ là đã kết hôn theo sự sắp đặt của cha mẹ.
Ngày ấy, tôi là một cô gái được xếp vào diện có nhan sắc ở làng. Gia đình không có điều kiện nên học xong cấp 3 tôi theo mấy người làng bên đi học may để lấy cái nghề. Được trời phú cho sự khéo léo nên sau 1 năm, quán may quần áo nho nhỏ của tôi cũng được nhiều người biết đến, từ đó mà có đồng ra đồng vào.
Khách của tôi hồi đó chủ yếu là các thanh niên, mà đúng hơn là cánh trai làng. Trước sự tán tỉnh của nhiều người, tôi cũng rung động trước một anh chàng hơn tôi 3 tuổi.
Thế nhưng mọi chuyện cũng chỉ là tình trong ý. Vài tháng sau, mẹ tôi dẫn theo một người phụ nữ trông có vẻ giàu có ở làng bên sang nói chuyện. Thấy mẹ có vẻ đon đả tiếp đón, tôi đã dự được người phụ nữ đó không phải chỉ đến thăm nhà.
Sau khi tiễn người phụ nữ đó về, tôi mới biết bà đến nhà mình để xem mặt. Mẹ bước vào nhà, cầm tay rồi nhìn vào mắt tôi. Mẹ nói muốn tôi được đổi đời, thoát khỏi cảnh sống thiếu thốn nên đã nhờ người mai mối cho vào một gia đình khá giả ở làng bên.
"Mẹ phải khải khó khăn lắm mới tìm được người ta. Con ạ, tình yêu cũng không mang ra ăn được, không có tiền vợ chồng cũng chẳng thể nào hạnh phúc bên nhau".
Đám cưới của chúng tôi được tổ chức một cách nhanh chóng chỉ sau 1 tháng kể từ ngày bà ấy qua nhà xem mặt. Tôi cũng từ bỏ thứ tình cảm mới chớm cùng anh chàng kia để đi lấy chồng. Hơn ai hết, tôi là người đã chứng kiến mẹ khổ thế nào. Tôi muốn làm điều gì đó báo đáp cho mẹ.
Bố mẹ chồng tôi có xe chạy thu mua nông sản các tỉnh miền Bắc, nhà lúc nào cũng lái xe rồi thợ bốc vác cả chục người. Lấy chồng xong tôi không còn làm may mà ở nhà chăm sóc gia đình theo ý của nhà chồng.
Nói là chăm sóc nhà chồng, nhưng mọi việc cơm nước cho cánh lái xe làm cho nhà đều đến tay tôi. Sáng sớm dậy quét quáy nấu cơm rồi đi chợ, về giặt quần áo đã đến bữa trưa. Mang tiếng lấy chồng giàu mà tôi chưa khi nào được nghỉ ngơi dù chỉ một ngày.
Mỗi lần về nhà thăm mẹ, nhìn con gái ăn mặc tươm tất mẹ tôi đều nghĩ tôi lấy chồng sướng lắm. Chẳng phải chỉ riêng mẹ mà tất cả hàng xóm của tôi đều nghĩ vậy. Cũng phải thôi, ở vùng này có mấy nhà được khá giả như nhà chồng tôi.
Tôi đã từng nghĩ, phụ nữ là người sẽ vun vén cho tổ ấm nên tình cảm rồi ở với nhau sẽ phát sinh dần. Thế nhưng mọi chuyện có vẻ không đơn giản như vậy.
Chồng tôi bình thường cũng là người khá dễ chịu nhưng anh lại mắc phải tính nghiện nhậu. Mỗi lần đi nhậu lũ bạn đểu lại kích rằng vợ chồng lấy nhau cả năm vẫn chưa có con, tôi lại hay ra ngoài chợ búa gặp gỡ người nọ người kia, có lẽ nào là tôi có tình ý khác, không muốn đẻ.
Nhiều hôm anh về nhà trong tình trạng say khướt rồi chửi bới tôi. Tôi biết, tình cảm giữa chúng tôi chẳng sâu đậm gì, nhưng hơn hết, anh muốn chiếm hữu và sở hữu tôi. Anh như phát điên khi nghĩ đến cảnh vợ mình dám tơ tưởng đến người đàn ông khác.
Không cần nghe tôi nói, anh cứ thế đánh đập tôi chẳng nương tay. Thời gian sau đó, khi tôi sinh bé gái đầu lòng, những trận đòn roi lại càng trở nên quen thuộc. Anh nói tôi là giống không biết đẻ.
Thanh xuân của tôi cứ héo mòn theo những lời đay nghiến, mắng chửi đó. Vì con, tôi lại nén lại mọi tủi nhục để mong con có được gia đình đủ mẹ đủ cha.
Rồi anh có bồ, thậm chí còn ngang nhiên qua lại với cô ta. Tôi khóc cạn nước mắt, rồi cả van xin anh hãy vì đứa con mà dừng lại chuyện sai trái đó. Nhưng không, anh chẳng hề thay đổi gì.
Tôi cứ nghĩ, bố mẹ chồng chứng kiến mọi chuyện sẽ biết đường khuyên nhủ con trai. Song đó chỉ là những suy nghĩ ngây thơ của một mình tôi.
Không đẻ được con trai, chồng lại đi cặp với người đàn bà khác, trong mắt mẹ chồng tôi thực sự không còn giá trị gì. Bà chửi tôi không biết giữ chồng, không biết vun vén nên chồng mới phải đi tìm người đàn bà khác. Tôi làm điều gì không vừa lòng, bà sẵn sàng túm tóc tôi tát rồi hất cả mâm cơm ra ngoài.
Tôi đã nghĩ mình sẽ chịu đựng được tất cả, cho đến một ngày bà nhắc đến người mà chưa khi nào tôi tưởng tượng được. Bà buông những lời cay nghiệt, nói tôi giống nòi của người mẹ nghèo nên mới mới ngu si, không biết đẻ và để cửa nhà ra nông nỗi này.
Câu nói đó như giọt nước tràn ly. Tôi viết đơn ly hôn ngay lập tức. Gia đình họ thấy vậy chỉ quan tâm đến một điều duy nhất, đó là tôi không được mang con đi và cũng không được mang bất cứ thứ tài sản gì đi.
Tôi chấp nhận tất cả rồi một mình lên thành phố. Tôi muốn bắt đầu một cuộc đời mới, muốn quên đi tất cả những nỗi đau.
Những ngày đầu lên thành phố lạ nước lạ cái, tôi xin vào rửa bát, bưng bê ở mấy quán cơm ven đường. Công việc vất vả mà thu nhập chẳng được là bao, nhưng ít nhất nó cũng giúp tôi sống qua ngày.
Rồi tôi nghĩ mình không thể sống mãi như vậy được. Cóp hết vốn liếng, tôi mua lại máy móc cũ rồi thuê nhà mở một hàng may nho nhỏ. Nhờ trời phù hộ, những khó khăn ban đầu nhanh chóng qua đi, cửa hàng tôi có khá nhiều khách. Đây cũng chính là lúc tôi gặp Tuấn, người chồng hiện tại của mình.
Thậm chí đến ngày cưới, tôi cũng chẳng thể tin vào hạnh phúc hiện tại của mình. Tuấn là người đàn ông đã chia sẻ mọi mất mát, đau đớn trong quá khứ cùng tôi. Anh tôn trọng, nâng niu dù biết tôi đã từng có một đời chồng.
Một điều có lẽ cả đời tôi cũng không thể quên được đó là khi nhà chồng cũ muốn trả lại con gái cho tôi nuôi để con trai họ có thể nhàn nhã đi lấy vợ mới. Khi biết chuyện, anh chính là người đã chủ động nói tôi đón bé về đây, anh sẽ thương yêu bé như con đẻ.
Đến giờ đã là 2 năm sau khi chúng tôi đến với nhau. Chúng tôi có thêm một bé trai con chung nhưng anh vẫn luôn yêu thương đối xử với bé Na con riêng của tôi như con đẻ. Ngẫm lại mọi chuyện, tôi thấy mình thật may mắn. Nếu ngày đó mẹ chồng tôi không cay nghiệt như vậy, có lẽ tôi đã cố cam chịu người chồng gia trưởng, vũ phu lại bội bạc kia.
Theo Lan Chi (Khampha.vn)